Ông cha ta đã từng đúc kết: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết đã đưa Đảng ta và nhân dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí – trong Đảng và trong nhân dân ta cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em – như giữ gìn con ngươi của mình”.
Hơn 94 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Những năm gần đây, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, các thế lực thù địch đã gia tăng các hoạt động chống phá, hòng làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết của dân tộc. Trong từng thời điểm cụ thể, lợi dụng những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, những vấn đề phức tạp nảy sinh từ thực tiễn của đời sống xã hội, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước câu kết, móc nối, gia tăng các hoạt động chống phá bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội,… các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát tán những tư tưởng chống đối, nhằm gây rối loạn và chia rẽ trong xã hội.
Một mặt, các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, cổ suý các tư tưởng văn hoá đi ngược lại với văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc; một mặt xuyên tạc, phủ nhận sự nghiệp đổi mới, thành tựu hội nhập, phát triển đất nước ta. Bên cạnh đó, những đối tượng này còn lợi dụng các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội lớn, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành một số nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Đặc biệt, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chính là để bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và việc khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là phương thức hữu hiệu để đập tan mọi luận điệu xuyên tạc.
Có thể thấy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta, được thể hiện trực tiếp trong nội dung nhiều văn kiện, nghị quyết, quyết định, chỉ thị qua các thời kỳ cách mạng. Đến nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Trong giai đoạn mới, Đảng ta xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Việt Nam đã xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Sự đa dạng, linh hoạt trong chính sách đối ngoại đã góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế như ASEAN, WTO hay APEC không chỉ giúp tăng cường hợp tác kinh tế mà còn tạo điều kiện để Việt Nam thể hiện vai trò của mình trên các diễn đàn quốc tế.
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp quốc tế…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và an ninh lương thực. Các hội nghị quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức như Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc góp phần giải quyết các vấn đề lớn của thế giới. Điều này không chỉ nâng cao hình ảnh của Việt Nam mà còn khẳng định cam kết của quốc gia trong việc tham gia vào các nỗ lực toàn cầu.
Trong 10 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tham gia vào các Phái bộ của Liên hợp quốc, thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột… Lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam luôn được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam cho sứ mệnh hòa bình trên thế giới góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương; tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Những dấu ấn của Việt Nam trên trường quốc tế là những bằng chứng sinh động về một đất nước yêu chuộng hoà bình, luôn mạnh mẽ vươn lên, khẳng định bản lĩnh và sự kiên cường, bất chấp những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Đất nước có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm giành độc lập, là do tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam – một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong môi trường an ninh, an toàn, an tâm, không ai bị bỏ lại phía sau. Qua đó thực hiện đúng ước nguyện trong di chúc của Bác Hồ, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới của dân tộc trong buổi trò chuyện chiều 31/10 với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Theo người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Càng trong khó khăn, thách thức, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng càng lớn lao, càng cần phải đoàn kết một cách chặt chẽ, rộng rãi, vững chắc.
Với hành trang là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng, Việt Nam vững tâm thế bước vào kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, cùng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Nhận xét
Đăng nhận xét