“Như đỉa phải vôi”

   Cuối tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp Giáo sư Thomas J. Vallely, cố vấn cấp cao của Trường Harvard Kennedy, Hoa Kỳ. Một trong những nội dung được các bên quan tâm trao đổi là việc hợp tác trên lĩnh vực an ninh mạng. Ngay sau đó, các hội, nhóm “dân chủ” đã giãy nảy “như đỉa phải vôi”, tung ra nhiều luận điệu độc hại.

Tại buổi làm việc với Giáo sư Thomas J. Vallely, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ: “Khi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp và gia tăng về quy mô, việc các quốc gia hợp tác để củng cố an ninh mạng và khung pháp lý chống lại các hoạt động tội phạm trên không gian mạng là điều hết sức cần thiết, trong đó có cả Việt Nam và Hoa Kỳ”. Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác về an ninh mạng. Tuy nhiên, những kẻ “có tật” thường hay “giật mình”. Trước thông tin nêu trên, các đối tượng “dân chủ” đã nhanh chóng đăng đàn xuyên tạc, đưa ra nhiều luận điệu sai trái, độc hại. Chúng cho rằng: “Bộ Công an vẫn đang thực hiện Luật An ninh mạng hà khắc, đàn áp tự do ngôn luận, tăng cường bắt bớ vô tội vạ những người bất đồng chính kiến”, “việc muốn hợp tác với Đại học Harvard để nâng cao năng lực về an ninh mạng nhằm bịt miệng dân”, “thường thường hợp tác để phát triển kinh tế, kỹ thuật…, còn Việt Nam hợp tác để phát triển việc đàn áp”…  

Trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc bảo đảm an ninh mạng đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tế, xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau nên các nhóm hành vi gây mất an ninh mạng cũng vô cùng đa dạng. Với các đối tượng có mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, chúng đã lập và điều hành nhiều trang mạng xã hội để phát tán các thông tin, tài liệu có nội dung chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, xuyên tạc tình hình đất nước… Với nhóm tội phạm về trật tự xã hội, thay vì chỉ thực hiện theo phương thức truyền thống, hiện nay địa hạt hoạt động đã được chuyển qua không gian mạng, thậm chí có tính liên khu vực, liên quốc gia. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo qua mạng (theo số liệu của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu, năm 2023, người Việt bị lừa 16 tỷ USD qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu), cờ bạc trực tuyến, ma túy… Ngoài ra, không ít người đã sử dụng mạng xã hội để lan truyền các sản phẩm đồi trụy, độc hại, kích động bạo lực, xúc phạm đời tư cá nhân… Chính vì vậy, việc hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh mạng là điều thực sự cần thiết.

Không phải ngẫu nhiên mà giới “dân chủ” luôn giãy nảy “như đỉa phải vôi” khi nhắc đến vấn đề an ninh mạng. Bởi suy cho cùng, chính những “nhà dân chủ” đang là những kẻ vi phạm an ninh mạng. Khi nhắc đến an ninh mạng, chúng cố tình đánh tráo khái niệm, đưa ra những thông tin lập lờ, phiến diện để hướng lái người dân đến một nhận thức sai lầm rằng: “bảo đảm an ninh mạng là ngăn chặn quyền tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rõ, bảo đảm an ninh mạng là tổng hòa của nhiều hoạt động để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Trong đó, có thể kể đến là bảo vệ an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (như hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí…); phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời tư; phòng, chống tấn công, khủng bố mạng… Mục đích của bảo đảm an ninh mạng là để hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực tế, giới “dân chủ” là những kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”. Chúng thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin, luận điệu chống phá chế độ, chống phá Đảng, chống phá đất nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; chiêu dụ, móc nối, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Việt Nam… Gần đây, các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như: Lê Phú Tuân (Tuyên Quang), Thạch Chanh Đa Ra (Vĩnh Long)… Mặc dù các đối tượng “dân chủ” thừa biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tuy nhiên, với mục đích chống phá đất nước, vụ lợi cá nhân, chúng vẫn cố tình coi thường pháp luật, một mặt tiếp tục thực hiện những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng và gân cổ kêu la, vu khống chính quyền ngăn cản người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Những năm qua, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng, Việt Nam cũng coi trọng việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, Việt Nam đã triển khai hợp tác với nhiều quốc gia, khu vực thông qua các hoạt động: nghiên cứu, phân tích xu hướng an ninh mạng; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hỗ trợ đào tạo, trang thiết bị, công nghệ bảo vệ an ninh mạng… Việc Việt Nam hợp tác phòng, chống tội phạm mạng, ngăn chặn xâm phạm an ninh mạng, ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng… chính là nhằm chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, trong đó có sự tham gia của các nhà “dân chủ” cùng bọn phản động ở trong và ngoài nước.

Anh Tú (BPO)

Nhận xét