Người ẩn danh và trò lố của những kẻ “ném đá” hại người – Bài 3: Đấu tranh với “địch bên trong ta” và lành mạnh hóa không gian mạng (Tiếp theo và hết)

 

Công nghệ số đã tạo nên một môi trường mà ở đó hình thành và chứa đựng mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng số không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ thuật mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của con người, đến các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và tự nhiên.

“Địch bên trong ta đáng sợ hơn”

Trong bối cảnh mới, khi phương thức sản xuất mới ra đời thì công tác chống “giặc nội xâm”, đấu tranh với “địch bên trong ta” trở thành yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Nó không chỉ xuất hiện trong thế giới thực mà còn len lỏi vào đời sống xã hội thông qua internet, mạng xã hội. Nhiều kẻ cơ hội chính trị, phản động và một bộ phận người dân (có cả một số cán bộ, công chức, đảng viên) trong cuộc sống hằng ngày thì thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao đối với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhưng trên không gian mạng lại sử dụng các kỹ thuật, công nghệ ẩn danh để thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin sai lệch, có các hành vi lệch chuẩn. Có những cá nhân còn bôi nhọ, chống phá những thành quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Cần coi giặc nội xâm, coi kẻ địch bên trong ta là kẻ thù trực tiếp, toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động đang sử dụng các công nghệ, nhất là sử dụng không gian mạng và các hoạt động ẩn danh trên không gian mạng để cổ xúy cho các hành vi lệch chuẩn, cung cấp các thông tin sai trái, thù địch, lệch lạc, tiêu cực, thực hiện “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” với mục tiêu làm thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Người ẩn danh và trò lố của những kẻ “ném đá” hại người - Bài 3: Đấu tranh với “địch bên trong ta” và lành mạnh hóa không gian mạng (Tiếp theo và hết)
Minh họa: PHẠM HÀ 

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chúng ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và tinh thần yêu nước của nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, thì trong chống giặc nội xâm, “chống kẻ địch ngay trong ta” cũng phải dựa vào dân mới có thể giành được thắng lợi: Ví dụ như “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”.

Công cuộc chống “giặc nội xâm” chống lại “kẻ địch ngay trong ta” sẽ lâu dài và khó khăn, phức tạp hơn cả sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Người khẳng định rằng: “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ rõ: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”.

Ngày nay, người dân không chỉ ở trong thế giới thực mà còn sống, sinh hoạt, hoạt động tích cực trên không gian ảo. Do đó, không chỉ cần quan tâm đến người dân trong thế giới thực mà còn phải tranh đấu với kẻ địch ở ngay trong ta, ngay trong nội bộ, ngay trong tinh thần.

Không gian mạng cần được quản lý như thế giới thực

Thực tiễn chứng minh, lượng thông tin mà con người được cung cấp, tiếp nhận thông qua internet và không gian mạng là vô cùng lớn. Không gian mạng là mở, được cập nhật liên tục, không phân biệt không gian, thời gian nên con người trong bối cảnh này dù chủ động hay bị động thì thông tin cũng là nhân tố trực tiếp tác động đến nhận thức, và đôi lúc hành động của họ cũng phụ thuộc vào lượng thông tin mà họ tiếp nhận được.

Bộ não của mỗi người trong một khoảng thời gian nhất định chỉ có thể tiếp nhận và xử lý được một lượng thông tin nhất định, nếu vượt quá giới hạn sẽ tạo nên chứng “bội thực thông tin”. Từ đó làm con người mất phương hướng, rơi vào tình trạng mù mờ, không phân biệt được đúng sai, nhận thức không đến nơi đến chốn, tư tưởng và hành động dễ sa vào tiêu cực hoặc có các hành vi lệch lạc. Ví dụ như khi một đối tượng giả danh cán bộ của cơ quan nhà nước hay giả mạo một cơ quan nhà nước có uy tín liên tục gây sức ép, cung cấp thông tin giả mạo, sai trái thì sẽ dễ khiến nạn nhân bị khủng hoảng, ức chế tâm lý và vô thức làm theo yêu cầu của các đối tượng này.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã coi không gian mạng là một nơi cần được quản lý như thế giới thực. Hay nói cách khác, các quy tắc, quy định, chế tài, định hướng được thực hiện cả trên môi trường thực và môi trường ảo. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, mặc dù hiến pháp không bảo đảm quyền ẩn danh một cách rõ ràng nhưng có những tham chiếu chặt chẽ về quyền ẩn danh với các ràng buộc pháp lý. Các luật về truyền thông ở một số tiểu bang cũng quy định về hành vi, theo đó các hành vi sử dụng mạng xã hội để tán phát thông tin sai lệch sẽ bị xử lý từ phạt tiền đến án hình sự. Tòa án có thể yêu cầu các cơ quan chính phủ xác định danh tính của các tài khoản ẩn danh để phục vụ cho quá trình xét xử.

Các điều khoản của hành lang pháp lý ở Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên cũng có những quy định về quyền và nguyên tắc pháp lý về ẩn danh trên không gian mạng để phòng ngừa, xử lý những tác động xấu, tiêu cực do các hoạt động ẩn danh đối với xã hội hay lợi dụng ẩn danh để thực hiện các hoạt động khủng bố. Có thể thấy rằng, dù cổ vũ cho hoạt động tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng bản thân các quốc gia này cũng đã lường trước và có những quy định chặt chẽ để ứng phó với những tác động tiêu cực mà hoạt động ẩn danh gây ra.

Tuyên bố các nguyên tắc về quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin ở châu Phi năm 2019 của Tòa án Nhân quyền châu Phi (ACHR) đưa ra 16 nguyên tắc mà luật pháp quốc gia phải tuân thủ, bao gồm bảo đảm sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, các quy định về xử lý vi phạm bằng các hình phạt, kể cả bằng hình sự đối với những hoạt động cung cấp thông tin gây tổn hại tới xã hội. Tuyên bố về nguyên tắc tự do ngôn luận Tòa án Nhân quyền liên Mỹ (IACHR) bao gồm 13 nguyên tắc, trong đó có cấm kiểm duyệt trước, bảo vệ nguồn, luật riêng tư, tài trợ và quảng cáo công cộng cũng như luật đa dạng và chống độc quyền… hay các quy định Điều 13(3) của Công ước Liên Mỹ, bảo vệ quyền tự do tư tưởng và quan điểm trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông. Tất cả đều có những quy định cụ thể với các ràng buộc về pháp lý đối với hoạt động chính danh hay ẩn danh trên môi trường số.

Bước vào thời kỳ mới, chúng ta lựa chọn xây dựng xã hội mới với những con người xã hội chủ nghĩa trên cơ sở phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại-phương thức sản xuất số. Để chiến thắng “địch bên trong ta”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần có nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh này, cần có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là các hoạt động quản lý, định hướng và triển khai phát triển xã hội số, văn hóa số, con người số.

Không gian số là nội hàm mới, là thực tiễn, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho từng tổ chức, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, người dân và toàn xã hội không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải trải qua một thời gian dài tích góp và có quá trình để đấu tranh, sàng lọc, loại bỏ và cập nhật liên tục những kiến thức, kỹ năng mới, đổi mới và cập nhật liên tục để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, của xã hội và nhận thức. Mỗi cá nhân, tổ chức cần rèn luyện thói quen tiếp cận thông tin một cách chủ động, có hệ thống, có mục đích.

Cần chủ động sàng lọc, tìm hiểu, tham vấn ý kiến chuyên gia, sử dụng các kênh thông tin chính thống, thực hiện kiểm tra, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, bình luận để loại bỏ những thông tin sai trái, thù địch, lệch chuẩn, thiếu các giá trị chuẩn mực xã hội… Mỗi người dân, tổ chức cần nâng cao trình độ nhận thức, tinh tường nhận diện, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, có quan điểm rõ ràng, chuẩn mực, có cái nhìn khách quan, toàn diện, có tư duy phản biện, bản lĩnh vững vàng để sẵn sàng đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhận xét