Phải phòng, chống lãng phí như thế nào? (Bài 2: Sức mạnh từ ý thức, trách nhiệm hành động chung của cả cộng đồng)
Công Minh
Thực tế phòng, chống lãng phí cho thấy phải huy động được sức mạnh của cả cộng đồng, được sự đồng tình vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Trong những năm toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm tổ chức phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Người phân tích rất cụ thể: Chính phủ, đoàn thể, nhân dân bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Trong rừng cây chắc chắn sẽ có nở hoa sinh quả, nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Người ví những con sâu mọt ấy chính là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí. Người xác định Chính phủ, Đoàn thể phải đề ra việc chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phải cùng tiến hành công việc quan trọng này. Hồ Chí Minh khẳng định muốn ngăn được lãng phí, không phải chỉ có Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ra lệnh, mà phải giáo dục cán bộ, công nhân, nhân dân, phải tổ chức cho khéo và để tất cả mọi người cùng tham gia thực hiện. Theo Người ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong khi đó các thế lực chống phá đưa thông tin trên mạng xã hội: Đảng, Nhà nước, quan chức chỉ kêu gào chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, chứ không làm. Chúng quy kết Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên là nguyên nhân của lãng phí thì làm sao mà muốn chống lãng phí và nếu chống thì cũng chỉ là hình thức, mị dân, chỉ có dân đen è cổ gánh chịu.
Song trên thực tế, trong quá trình trưởng thành, phát triển, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thể hiện ý chí quyết tâm và tiến hành những hành động, việc làm thiết thực để chống lãng phí.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định cụ thể tại điều 56: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước”.
Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên, kịp thời có chủ trương, chính sách, giải pháp tích cực phòng, chống lãng phí. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9 – 1960, Đảng đã xác định nhiệm vụ phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ của công. Nội dung này tiếp tục được đề cập, bổ sung, phát triển trong các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng. Trong khóa X, Đảng có Nghị quyết Trung ương ba “ Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí, đưa ra 10 chủ trương, giải pháp thực hiện. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định thực trạng, hậu quả nặng nề của lãng phí, đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp phòng, chống, khắc phục, thể hiện quyết tâm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn” và: “Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí”.
Đến ngày 25 – 12 – 2023, Bộ Chính trị khóa XIII của Đảng ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị nêu rõ: Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chỉ thị cũng chỉ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ thị xác định quyết tâm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thật vui mừng, xúc động, tự hào, trân trọng tình cảm và hành động của cộng đồng, của nhân dân đã luôn ủng hộ, đồng hành thực hiện hiệu quả chủ trương, giải pháp phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm của Đảng, Nhà nước. Chính phủ, các ban bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân đều có chủ trương, biện pháp, việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp hưởng ứng công tác phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Ý chí quyết tâm, hành động thực tiễn của cả hệ thống chính trị, của toàn dân chính là sức mạnh để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng công tác phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm nhất định sẽ có kết quả tích cực.
Nhận xét
Đăng nhận xét