Công Minh
Nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng lãng phí, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tiến hành nhiều biện pháp kiên quyết, kiên trì phòng, chống với mong muốn thu được nhiều kết quả thiết thực trong nhiệm vụ quan trọng này.
Các thế lực thù địch, thế lực xấu đưa ra nhiều thông tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc rằng Đảng Cộng sản của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam luôn coi thường, bất chấp hậu quả của lãng phí. Chúng quy kết Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên chỉ biết phung phí, vơ vét, không biết tiết kiệm của công, chi tiêu lãng phí tiền thuế của nhân dân; Chúng vu khống đó là nguyên nhân cùng với tham nhũng khiến đất nước thì nghèo, người dân thì đói khổ, mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ: “Mấy ông cộng sản chỉ thích làm những thứ vĩ đại. Làm đếch gì cũng gắn mác vĩ đại, đem bao nhiêu sức lực, của cải, thời gian ném vào đó, không cần biết nó sẽ đem lại gì cho dân chúng, đất nước”.
Nhưng thực tế ngược lại với sự chống phá trên, phòng, chống lãng phí luôn là chủ trương, quyết tâm, hành động thiết thực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường xuyên xác định, coi trọng, thực hiện tích cực và hiệu quả.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ những hậu quả nặng nề do lãng phí gây ra. Người so sánh lãng phí với tham ô, cho rằng lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng, nhưng kết quả thì lãng phí lại làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Người xác định lãng phí cùng với quan liêu, tham ô là tội ác. Hồ Chí Minh phân tích rất sâu sắc: chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến đi đến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, trong khi đó những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ của nhân dân. Người kết luận: “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những nguyên nhân của căn bệnh lãng phí. Đó là do việc lập kế hoạch không chu đáo, hoặcdo trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Đó còn do bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương, thiếu tinh thần bảo vệ của công, “Nói tóm lại là thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn nêu ra thực trạng còn phổ biến của căn bệnh lãng phí. Ngày 14 – 2 – 1957, Người phát biểu tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11: “Nói chung lãng phí ở các ngành còn khá nhiều, nếu ta ngăn được lãng phí thì có thể cải thiện được cho cán bộ, bộ đội và công nhân”.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống, khắc phục bệnh lãng phí. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải phòng, chống, sửa đổi bệnh hoang phí, xa xỉ vì hoang phí, xa xỉ là trái với tư cách của người cán bộ, người yêu nước, trái với lòng dân, trái với đạo đức cách mạng, trái với cả chính oai tín và thể diện của từng người.
Vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên, người yêu nước phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với bệnh lãng phí, phải tẩy sạch bệnh lãng phí để thực hiện được Cần, Kiệm, Liêm, Chính, đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tẩy sạch được bệnh lãng phí sẽ giúp cho việc xây dựng thành công thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Thậm chí, trong thời kỳ kháng chiến, Hồ Chí Minh coi việc: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.
Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong cuộc sống hằng ngày, Người luôn trực tiếp thực hành chống lãng phí, tiết kiệm thời gian, của cải, không lãng phí cả từ cái phong bì, tờ giấy viết.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm quán triệt để thực hiện những quan điểm, lời dạy, học tập tấm gương tiết kiệm, chống lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước rất chú trọng chỉ ra những hậu quả nặng nề của tình trạng lãng phí, xác định nguyên nhân, thể hiện ý chí quyết tâm cùng với nhiều giải pháp tích cực phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này. Ví dụ như Đảng chỉ ra những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có: quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; việc đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả. Đó còn là tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc và sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Hay trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, chỉ rõ: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng mạnh dạn nêu rõ: tình trạng lãng phí, thất thoát vẫn còn xảy ra nhiều và một số trường hợp rất nghiêm trọng; lãng phí cùng với tham nhũng tiêu cực là “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại trừ.
Nhận xét
Đăng nhận xét