Cần có sự hiểu đúng về đổi mới chính trị

 GS.TS Đàm Đức Vượng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đề cập đến vấn đề đổi mới chính trị1. Nhưng gần đây, có ông cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng (đã về hưu) hiểu sai vấn đề, viết bức thư ngỏ, nhan đề: “Đổi mới chính trị hay là chết”,  đăng trên mạng, gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng toàn thể đồng bào ở trong và ngoài nước. Thư viết: “Tình hình Đảng và đất nước vẫn đã và đang tiếp tục diễn biến ngày càng tồi tệ, tới mức báo động thật sự nghiêm trọng, chưa từng xảy ra bao giờ”. “Càng ra sức đốt lò, ra sức chống tham nhũng, tiêu cực, thì tham nhũng, tiêu cực, cũng như các quốc nạn khác càng lây lan, càng phát triển, càng hoành hành trầm trọng. Càng nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thì Đảng và Nhà nước càng hư hỏng nghiêm trọng. Rõ ràng, thể chế chính trị nước nhà đã thực sự khủng hoảng trầm trọng”. Rồi ông đưa ra kiến nghị: “Cái cốt lõi kiến nghị của tôi là: Đảng phải quyết định đổi mới thật sự về chính trị. Cụ thể là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, đã hoàn toàn lỗi thời. Thay vào đó là phải hiểu cho đúng, thực hiện đúng và sáng tạo tinh túy và cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh, là di sản vô giá của Đảng, của dân tộc, chứ không như đã làm cho đến nay”. “Cụ thể là Đảng phải lại tự giải phóng mình về tư tưởng (giống như Đại hội VI, năm 1986), về kinh tế), lần này là thực hiện cuộc cách mạng tư duy lý luận về mô hình quản lý đất nước, từ bỏ các quan điểm giáo điều đã lỗi thời của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội, như Đảng vẫn nhận thức đến nay – tức hệ tư tưởng chính trị hiện hành – chỉ phù hợp trong các giai đoạn cách mạng trước đây, để loại bỏ được cội nguồn đẻ ra nạn tham nhũng và các vấn nạn khác của Đảng và đất nước hiện nay, phả bỏ được bức tường đang cản trở đất nước thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, thực sự và thực hiện dân chủ thực sự, từ đó mới thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đồng thời cũng chính là phá bỏ rào cản để nước ta thực sự độc lập, tự chủ, thực sự hòa nhịp bước cũng đại đa số các quốc gia trên thế giới, từ đó mới kết hợp được tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”…

Ở đây, có vấn đề hiểu sai về đổi mới chính trị ở Việt Nam, cho rằng, đổi mới chính trị là làm thay đổi thể chế chính trị, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội, mà chỉ tiếp thu những tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh (chứ không phải tiếp thu tất cả) để đề ra một đường lối cho cách mạng Việt Nam.

Về tư tưởng Hồ Chí Minh, lần đầu tiên tại Đại hội VII của Đảng (1991) đã nêu cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó là tự nhiên, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và thực tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta.

Hội nghị Trung ương 6, khóa VI của Đảng, ngày 23-9-1989, xác định 5 nguyên tắc đổi mới. Sau này, đã được bổ sung thêm một nguyên tắc nữa thành 6 nguyên tắc: 1) Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà là làm cho mục tiêu ấy thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi, biện pháp thích hợp. 2) Đổi mới nhằm phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; không máy móc, giáo điều. 3) Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. 4) Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, lắng nghe, tiếp nhận một cách nghiêm túc những ý kiến trung thực, phê bình những khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng và trong công tác xây dựng Đảng. 5) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 6) Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Như vậy, đổi mới chính trị là nhằm phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, chứ không phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin; đổi mới chính trị là đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; đổi mới chính trị là làm cho mục tiêu xã hội chủ nghĩa thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn của Đảng về chủ nghĩa xã hội, chứ không phải phủ nhận chủ nghĩa xã hội. Đó là những nguyên tắc cơ bản của đổi mới chính trị. Người quan niệm đổi mới chính trị là từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ chủ nghĩa xã hội là không đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Đại hội XII của Đảng (2016) nêu các mối quan hệ ràng buộc trong đổi mới: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay là đổi mới đồng bộ với đổi mới kinh tế, bảo đảm tính đồng bộ và mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Không có sự đổi mới kinh tế thuần túy mà không tính đến đổi mới chính trị và ngược lại, không có sự đổi mới chính trị thuần túy mà không tính đến đổi mới kinh tế. Điều này là hoàn toàn xác đáng bởi kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực quan trọng nhất trong mọi xã hội, có tác động đến các lĩnh vực khác. Kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, gắn bó với nhau, không tách rời nhau. Chủ nghĩa Mác – Lênin là chiếc cầu nối để xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Khi nói đến kinh tế giữ vai trò quyết định trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, điều đó không có nghĩa là chính trị giữ vai trò phụ, mà nó cũng có tính độc lập tương đối và có vai trò chủ động. Chính trị cũng có tác động mạnh đối với kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó là quan điểm của C.Mác và Ph. Ăngghen. V.I.Lênin cho rằng, trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, xét cho cùng, kinh tế giữ vai trò quyết định, nhưng trong thời kỳ nhất định của lịch sử như thời kỳ đấu tranh cách mạng giành chính quyền, thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh tế, chính trị có vai trò vô cùng to lớn, không kém vai trò của kinh tế. Về thời kỳ này, ông nói: “Chính trị không thể không giữ địa vị hàng đầu so với kinh tế”2. Đây là sự phát triển lý luận của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Bước sang thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đa dạng hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, như vậy có nghĩa là Đảng chủ yếu lấy chính trị làm định hướng để kinh tế phát triển. Chủ trương này rất phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Nhưng ở nước ta hiện nay còn tình trạng: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”3. Hạn chế trong nhân tố chính trị đối với phát triển kinh tế cần thể hiện ở chỗ: “Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính và năng lực tạo dựng thể chế để bảo đảm cho doanh nghiệp, người dân tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế”4. Vì vậy, nếu không kịp thời đổi mới chính trị, thì sẽ đẻ ra độ vênh giữa kinh tế và chính trị, sự không cân bằng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, cũng nảy sinh những ảnh hưởng tiêu cực. Phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của kinh tế thị trường, mới bảo đảm được định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chính trị để phát huy khả năng ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực cũng là một giải pháp cấp bách cho việc đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế.

Từ những vấn đề phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng, đổi mới chính trị không có nghĩa là từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không có nghĩa là thay đổi thể chế chính trị, thay đổi bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, không phải là thực hiện đa nguyên đa đảng, mà là để phát huy tính tích cực, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đổi mới chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế và đổi mới kinh tế để làm nền cho đổi mới chính trị được tiến hành nhanh chóng.

Đổi mới chính trị cũng có nghĩa là đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội, xét cho cùng, cũng là thể chế xã hội, nhờ đó mà nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện quyền lực của mình trong xã hội. Hệ thống này bao trùm và điều chỉnh mọi quan hệ hình thành giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc và sắc tộc, giữa xã hội, tập thể và cá nhân về vấn đề quyền lực, về việc đề ra và thực hiện đường lối, chính sách, nội dung và mục tiêu phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa. Xét về toàn bộ thì nét đặc trưng trong sự phát triển của hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội là sự củng cố và mở rộng tính chất xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội như ở nước ta hiện nay, thì các thể chế chính trị – xã hội gắn với gắn với quá khứ về các mặt chính trị – xã hội và tư tưởng cũng như về mặt kinh tế đều có thể nằm trong thành phần của hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội. Nhưng không phải tất cả các tổ chức và các phong trào xã hội đều thuộc hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội, mà chỉ có những tổ chức và phong trào nào mà việc tham gia vào đời sống chính trị là một trong những mục tiêu cơ bản và một trong những hoạt động chủ yếu của mình mới thuộc hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội.

Hệ thống chính trị ở nước ta lần đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo của Hội nghị Trung ương 6, khóa VI (tháng 3-1989):

“Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính không phải là hạ thấp hoặc thay đổi bản chất của nó, mà là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân…”5.  Về mặt tổ chức của Hệ thống chính trị cũng được Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, nêu rõ, bao gồm: “Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội”6.  Cụ thể sau đó đã được Bộ Chính trị ấn định, gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trên đây là một số vấn đề về đổi mới chính trị ở Việt Nam. Những người hiểu sai là đi ngược lại với lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.  

——

1. Xem “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”,, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 29.

2.V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tập 42, tr. 349.

3.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 68.

4..Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 248.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 49, tr. 540.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 49, tr. 564.

Nhận xét