Đấu tranh chống luận điểm xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam

 Thái Dương

Đến nay, Việt Nam đã 4 lần công bố Sách trắng quốc phòng (đó là các năm 1998, 2004, 2009 và gần đây nhất là năm 2019), trong đó công khai chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, nhằm mục tiêu tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Sách trắng được công bố nhằm thể hiện chủ trương minh bạch hóa về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội và nhân dân các nước trên thế giới. Đây cũng là một tài liệu quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết về quốc phòng của đất nước, giúp cho mọi công dân, cơ quan, đơn vị và các tổ chức xã hội hiểu rõ hơn quyền lợi, đề cao trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, sau khi được công bố, trong vòng nhiều năm, đặc biệt là hiện nay, Sách trắng quốc phòng Việt Nam đã trở thành đối tượng mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ về bản chất chính sách quốc phòng của Việt Nam. Các thế lực phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng internet, sử dụng các phương tiên truyền thông, báo chí thân phương Tây như RFI, RFA hay BBC News tiếng Việt…hoặc trang web cá nhân trên các nền tảng facebook, twitter tự phong cho mình những cái gọi là “tổ chức yêu nước” “người yêu nước chân chính” “tâm huyết với vận mệnh quốc gia dân tộc”, chúng liên tục đăng bài, tổ chức các buổi luận đàm chính trị, cũng như viết thư ngỏ, gửi kiến nghị, phát tán các bài viết sử dụng giọng điệu xuyên tạc, bóp méo đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Cụ thể, chúng cho rằng chủ trương “bốn không” được nêu trong Sách trắng năm 2019 của Đảng, Nhà nước ta đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, việc Việt Nam có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng trong khu vực biển Đông, một trong các khu vực có sự tranh chấp của sáu quốc gia và vùng lãnh thổ, trong những năm vừa qua, lợi dụng tình hình phức tạp trong khu vực, chúng kích động, thể hiện luận điểm cho rằng nếu thực hiện chính sách quốc phòng như trên thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững chủ quyền, không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc rồi tìm cách hô hào cổ súy tư tưởng dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, hoặc khối NATO, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc trên thì Việt Nam mới giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ được lợi ích quốc gia và dân tộc.

Qua đó, chúng ta có thể nhận ra mục đích cuối cùng của những luận điểm trên nhằm chia rẽ, gây mâu thuận nội bộ, làm giảm uy tín của Quân đội Việt Nam nói riêng và đường lối quân sự đối ngoại quốc phòng của Đảng ta nói chung, kích động tâm lý hoài nghi của nhân dân vào khả năng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của Quân đội, lái Việt Nam theo con đường buộc phải tham gia các liên minh quân sự, tăng sự lệ thuộc của Việt Nam vào các cường quốc thế giới, dần dần đánh mất sự độc lập, tự chủ trong các mối quan hệ quốc phòng trên thế giới  để tiến hành thay đổi chế độ chính trị và bản chất xã hội của chúng ta.

Rõ ràng, những luận điểm trên của chúng chỉ là những suy luận vô căn cứ, áp đặt suy nghĩ cá nhân, thiếu một hệ thống lý luận chặt chẽ mục đích chỉ nhằm xuyên tạc trắng trợn chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Thực tế trong nhiều năm qua, cả lý luận và thực tiễn đều đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng ta là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, “dựa vào sức mình là chính”, kết hợp chặt chẽ sức mạnh nội lực của nền quốc phòng trong nước với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.  Quân đội Việt Nam luôn chứng minh rằng sức mạnh nội lực, ý chí tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được chứng minh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta chỉ nhận viện trợ về vũ khí, lương thực, thuốc men, cố vấn…chứ không nhờ đến bất kỳ lực lượng ngoại bang nào chiến đấu trên lãnh thổ Việt Nam. Không tham gia các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta không hợp tác quốc phòng với bất kỳ tổ chức nào, ngược lại, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Việt Nam luôn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, kinh tế, sự phát triển quốc gia. Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc phòng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đồng thời: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên LHQ) và thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đặc biệt Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 550 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại các phái bộ ở châu Phi và trụ sở tại Hoa Kỳ, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao để lại những ấn tượng tốt đẹp với chính quyền, người dân nước sở tại và bạn bè quốc tế, đem hình ảnh người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” lan tỏa vào trái tim bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bản đồ quân sự thế giới.

Nội dung sách trắng cũng khẳng định, Việt Nam không tham gia chạy đua vũ trang, Việt Nam xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ chỉ để tự vệ, không ngoài mục đích giữ gìn hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Cố thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã phát biểu trong buổi giới thiệu Sách trắng Quốc phòng năm 2019 rằng: “Việt Nam không ngần ngại giới thiệu trong sách trắng Quốc phòng 2019 những vũ khí trang bị truyền thống cũng như hiện đại của Quân đội để thể hiện sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế” “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược”. Như vậy, có thể khẳng định, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh nhưng kiên quyết không chạy đua vũ trang, không phải để Việt Nam có năng lực để khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng những luận điệu tráo trở, đen tối của các thế lực thù địch, phản động nêu trên về chính sách quốc phòng an ninh của Việt Nam đều không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Về lý luận, những luận điệu này dựa trên những phân tích không khoa học, không logic, không hệ thống và không toàn diện. Về thực tiễn, những luận điệu này hết sức phiến diện, quy chụp, phi thực tế, cố gắng bẻ cong, xuyên tạc nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của chúng là làm suy yếu lòng tin của người dân đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng ta không cho phép bất kỳ thế lực nào chống phá những quan điểm, chính sách trong sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019. Cảnh giác và nhận diện rõ những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam chính là giữ gìn, bảo vệ vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Nhận xét