Trong xã hội hiện nay có những người cứ mở miệng ra là nói điều tiêu cực, nói ngoài đời thực và nguy hại hơn nữa là lan truyền những điều tiêu cực ấy trên mạng xã hội.
Thông qua lăng kính của họ thì xã hội toàn một màu đen. Đáng nguy hại hơn là phần nhiều trong những phát ngôn đó là cung cấp thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc suy diễn. Cách hành xử ấy trước hết gây tổn hại đến chính người phát ngôn, đồng thời ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh và xã hội.
Mấy ngày qua, bão số 3 và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong lúc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, Quân đội, công an, các lực lượng chức năng và người dân đều đang căng sức tập trung chống lũ thì trên mạng xã hội có không ít người thể hiện “năng lực”, “trách nhiệm” của “anh hùng bàn phím”, chê bai, châm chọc đủ điều, đưa các thông tin sai trái, các bình luận tiêu cực.
Tranh của MẠNH TIẾN/qdnd.vn |
Theo phán xét của những “anh hùng bàn phím” này thì dường như các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đều thiếu trách nhiệm, bị động trong công tác phòng, chống bão số 3 và mưa lũ. Cũng theo họ, khi mưa lũ diễn ra nặng nề ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc thì người dân gần như bị bỏ mặc, phải lên mạng kêu cứu và chỉ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của cư dân mạng. Do đó, trên mạng xã hội mấy ngày qua xuất hiện rất nhiều “lời kêu cứu” kiểu như: “SOS! Thái Nguyên, Yên Bái cần gấp số lượng lớn áo phao!” hay “Quảng Ninh cần gấp mì tôm cứu đói!”, “3 cháu bé đang bị lũ đe dọa”…
Tuy nhiên, phần lớn những lời kêu cứu đó đều là thông tin thất thiệt hoặc bị cường điệu hóa. Khi có nhà hảo tâm theo lời kêu cứu trên mạng, liên lạc với địa phương thì mới biết địa phương không có nhu cầu, đã chuẩn bị đủ mặt hàng mà nhà hảo tâm muốn cung cấp và địa phương không hiểu sao trên mạng lại có thông tin thất thiệt như vậy.
Công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam xưa nay đều phát huy cao độ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Việc ứng cứu nhân dân trong thiên tai đều nằm trong phương án, kịch bản của các địa phương, tổ chức lực lượng thực hiện, được diễn tập thường xuyên. Tất nhiên, khi thiên tai, bão lũ thì rất cần sự chung tay của cả nước để trợ giúp người dân vùng bão lũ, thể hiện tinh thần đoàn kết rất đáng quý của dân tộc ta.
Trong dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi, vận động cả nước ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, không thể có lực lượng xã hội ở đâu, cá nhân nào có thể có trách nhiệm cao hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn chính quyền, đoàn thể, lực lượng tại địa phương trong việc ứng cứu nhân dân. Và mọi công tác cứu trợ nên được thông tin, phối hợp với chính quyền và đoàn thể tại địa phương để bảo đảm hiệu quả, đúng nhu cầu, đúng đối tượng.
Trong những ngày này, chính quyền các cấp, Quân đội và các lực lượng khác đang rất tích cực thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân vùng lũ, đang làm tất cả để bảo đảm cho người dân được an toàn. Những hình ảnh trên mạng xã hội được sử dụng một cách vội vàng hoặc cố tình có dụng ý xấu khiến nhiều người lầm tưởng tai hại rằng chính quyền bất lực, thiếu trách nhiệm, không lo được cho dân.
Thực tế là cán bộ chính quyền, lực lượng chức năng đang tất bật ngày đêm lo công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nên không thể quan tâm được mạng xã hội đang nói gì. Còn các “anh hùng bàn phím” có thể chẳng làm gì nhưng mở miệng ra là chê bai, nhìn xã hội một màu u ám, tiêu cực.
Những ngày qua, có rất nhiều hình ảnh xúc động về sự quan tâm của lãnh Đảng, Nhà nước đối với nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3, trong đó đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3, ưu tiên việc cứu người, bảo đảm để không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đến các địa phương, vùng lũ thăm hỏi người dân, kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão. Thủ tướng yêu cầu triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân…
Trong những ngày qua, có rất nhiều hình ảnh làm lay động lòng người về cán bộ, chiến sĩ Quân đội, dân quân tự vệ… dầm mưa, dầm mình trong nước lũ, bất chấp hiểm nguy để ứng cứu người dân. Trong đó, đã có cán bộ Quân đội hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống bão lũ. Các lực lượng khác như công an, thanh niên tình nguyện, cán bộ y tế, công nhân công ty cây xanh, nhân viên ngành giao thông vận tải… cũng đều nỗ lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, trợ giúp nhân dân.
Với một đất nước ngày càng phát triển, dân số đã tới hơn 100 triệu người thì trong xã hội luôn phát sinh rất nhiều vấn đề. Điều đó đòi hỏi năng lực quản trị và trách nhiệm của hệ thống công quyền phải ngày càng được nâng lên. Bởi bất cứ việc gì liên quan tới người dân muốn triển khai được thì không thể thiếu vai trò của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị. Không thể có tổ chức phi chính phủ nào, nhóm hội, cá nhân nào có thể thay thế được chính quyền và các đoàn thể chính trị trong việc chăm lo cho nhân dân!
Thiên tai là tình huống đầy thử thách, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu nên những diễn biến của bão và mưa lũ rất khó lường, thậm chí vượt xa tưởng tượng ban đầu. Việc thông tin, góp ý mang tính xây dựng là cần thiết để từ đó những người có trách nhiệm quán xuyến công việc tốt hơn, thể hiện tốt hơn nữa vai trò của mình. Tuy nhiên, không ai có thể tự cho mình quyền phủ nhận sạch trơn công sức, kết quả, nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, chăm lo, trợ giúp nhân dân.
Mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên, trước khi phát ngôn, nhận xét, đánh giá điều gì, trước khi lan truyền thông tin gì cần phải điềm tĩnh, nghiên cứu thật kỹ, kiểm chứng thông tin và phát ngôn mang tính xây dựng. Đặc biệt, trong tình huống thiên tai ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, chúng ta càng cần có những hành động, phát ngôn có trách nhiệm, cần nêu cao tinh thần ủng hộ, hỗ trợ, cổ vũ chính quyền, đoàn thể, Quân đội và các lực lượng chức năng ở tuyến đầu. Chỉ có nêu cao tinh thần đoàn kết, tất cả nhìn về một hướng thì đất nước ta mới vượt qua được những thời khắc thử thách, khó khăn.
Còn đối với những người cố tình xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, gieo rắc sự hoang mang, phủ nhận vai trò, công sức của hệ thống chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể thì không những không đạt mục đích cá nhân mà còn rất dễ vi phạm các quy định của pháp luật.
HỒ QUANG PHƯƠNG
Nhận xét
Đăng nhận xét