Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn những nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai. Đó là nỗi đau của hàng trăm nghìn gia đình, thân nhân liệt sĩ chưa được quy tập hoặc chưa xác định được thông tin, trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Do đó, từ nhiều năm qua, các chính sách quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân cũng như công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện. Ngân hàng Gen vừa được ra mắt trong tháng 7 vừa qua, là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...
Ra mắt Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin |
Hành trình “trả lại tên” cho các liệt sĩ
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã triển khai hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo thống kê, các lực lượng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, so sánh đối khớp hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Căm-pu-chia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Các đơn vị đã phân tích, lưu trữ được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Qua hoạt động giám định, lực lượng chức năng cũng xác định, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1.736 ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk (đạt tỷ lệ 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).
Năm 2024, Chính phủ giao cho ngành LĐ-TB&XH chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen… Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Tại Hội nghị Tri ân người có công với Cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ được tổ chức ngày 23-7, Bộ LĐ-TB&XH hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ, không chỉ mở ra hi vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và Nhân dân cả nước, góp một phần xoa dịu những mất mát, hi sinh của các thân nhân liệt sĩ.
Không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kí văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của nước ta về công tác thương binh, liệt sĩ. Đó chính là Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16-2-1947, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Sắc lệnh này không chỉ là sự ghi nhận công lao của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những người đã hi sinh hay cống hiến một phần xương máu của mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Thực hiện lời dặn của Bác và với truyền thống và đạo lý của dân tộc, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9-12-2020 và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Hiện, cả nước có hơn 10 triệu lượt người có công (bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ...) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, còn có nhiều chính sách ưu đãi, cụ thể như: chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; chương trình dạy nghề, tạo việc làm; giáo dục, đào tạo... Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, trong điều kiện còn khó khăn chung của đất nước.
Còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó từ nay cho đến hết 2026 tất cả những khu nghĩa trang liệt sĩ, những mộ chưa xác định được thông tin có điều kiện sẽ tìm kiếm. Ảnh minh hoạ |
Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025, với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh" và thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.
Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, cả nước đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ (trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ) và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…
Một trong những chính sách dành cho người có công được dư luận xã hội đánh giá cao, đó là việc cùng với tăng mức lương cơ sở lên 30%, từ ngày 1-7-2024 theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%), mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân.
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tri ân, chăm lo đối với người có công với cách mạng, tại Hội nghị Tri ân người có công với Cách mạng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần “không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta”.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ; gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại khắp các chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin. Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ, không chỉ mở ra hi vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và Nhân dân cả nước, góp một phần xoa dịu những mất mát, hi sinh của các thân nhân liệt sĩ. Từ ngày 1-7-2024 theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%), mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân. |
Nhận xét
Đăng nhận xét