Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi, Hoa Kỳ cần đánh giá một cách khách quan, tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, từ ngày 31/7 đến ngày 4/8, tại thủ đô Washington DC, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell, Đặc phái viên của Tổng thống về biến đổi khí hậu John Podesta; Phó Cố vấn an ninh quốc gia phụ trách an ninh mạng Anne Neuberger; Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách châu Á và Thái Bình Dương Robert Kaproth; thảo luận với các nhà nghiên cứu, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Quỹ Heritage, Viện Hòa bình, Trung tâm Wilson; hội đàm với đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ; gặp gỡ và nói chuyện với đội ngũ cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng trân trọng cảm ơn Chính phủ, các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trao đổi với các đối tác Hoa Kỳ, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao việc quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước phát triển toàn diện và nhanh chóng.
Về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ Việt Nam rất lấy làm tiếc và thất vọng về điều này bởi trong thời gian qua, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ chưa từng có; hai nước cũng đã có những nỗ lực to lớn trong việc nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện; Việt Nam đã đáp ứng được tất cả 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi, Hoa Kỳ cần đánh giá một cách khách quan, tiến tới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các công ty Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng; xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm Hoa Kỳ có lợi thế; và đây có thể là nhân tố quan trọng góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Về phần mình, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chia sẻ quan ngại của Việt Nam đối với vấn đề công nhận kinh tế thị trường và khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày bình thường hoá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2025./.
NDO
Nhận xét
Đăng nhận xét