Khi hiện tượng Thích Minh Tuệ được các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết thì lại xuất hiện chiêu trò lợi dụng để xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Mấy ngày nay, sau hiện tượng Thích Minh Tuệ bỗng xuất hiện lá thư của một nhân vật có tên Tri Ta được gửi tới Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) bày tỏ điều mà người này gọi là “mối quan tâm” tới quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Trong lá thư trên một trang A4, Tri Ta nói không chút ngượng mồm là Hà Nội đã viện cớ về việc kiểm soát giao thông để đàn áp quyền tự do tôn giáo của nhà sư và các tín đồ Phật tử, tuỳ tiện buộc sư Thích Minh Tuệ phải ngưng hành trình của mình.
Rồi sau khi kêu gọi USCIRF vận động cho “sư” Thích Minh Tuệ và những người theo ông tiếp tục hành trình tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh, Tri Ta nói rằng, hành động đó là để “gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo có quyền như vậy mà không sợ bị đàn áp và quấy rối” (!)
Dường như chưa mấy tin vào “sức nặng” của địa chỉ gửi thư, Tri Ta còn gửi cả đến một số nhân vật trong chính giới và nghị viện Hoa Kỳ ngõ hầu việc những “thông điệp” trong bức thư thêm “cơ hội” được xem xét.
Tri Ta là ai mà lại có động thái lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo để xuyên tạc tình hình Việt Nam cũng như ôm mưu đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam?
Tri Ta là tên thường được dùng của Tạ Trí Đức, sinh năm 1983, hiện là thành viên hạ viện bang California (Hoa Kỳ) và là đại diện cho Hạt 70. Thành phố Westminster của bang California nơi ông ta là thị trưởng từng tuyên bố chỉ công nhận “lá cờ vàng ba sọc”. Những người am hiểu tình hình đều biết Tri Ta (Tạ Trí Đức) là một nhân vật thường có tiếng nói thiếu thiện chí lâu nay trong một bộ phận người Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Tri Ta tung ra những luận điệu phản động cũng như xuyên tạc một cách hết sức thô bạo về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, qua đó khuấy động từ xa, cổ vũ cho những động thái can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam, nơi ông ta từng sinh ra và là nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với quốc gia nơi ông ta đang phục vụ.
Còn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) thực chất là một cơ quan tham vấn độc lập cho Quốc hội Hoa Kỳ, thành lập nhằm phục vụ cho việc cải thiện “nhân quyền” ở các nước mà Hoa Kỳ cho là “cần quan tâm đặc biệt”.
Trong “sản phẩm” thường niên của Uỷ ban này có báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Những thông tin USCIRF sử dụng trong các báo cáo này chủ yếu đến từ nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan cấu kết với các phần tử chống đối trong nước.
Cho nên, người ta không lấy làm lạ khi các báo cáo này của USCIRF thường xuyên lặp đi lặp lại cái gọi là Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước” trong khi lại cố tình lờ đi những nỗ lực của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc tôn trọng cũng như bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi trong Hiến pháp 2013.
Không chỉ tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thường xuyên có các cuộc đối thoại mang tinh thần thẳng thắn với giới chức các nước quan tâm đến tình hình thực tế tôn giáo tại Việt Nam trong đó có cả đại diện đến từ Hoa Kỳ. Việt Nam tôn trọng các mối quan tâm mang tính xây dựng nhưng cũng kiên quyết bác bỏ những nhận định mang tính thiếu tôn trọng, thiếu thực tế về tình hình tôn giáo ở Việt Nam; kiên quyết bác bỏ việc nhân danh quyền tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của một đất nước có chủ quyền.
Lâu nay đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo luôn được các đối tượng phản động triệt để lợi dụng, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá đất nước Việt Nam để tạo cơ hội cho “cuộc cách mạng màu” như từng diễn ra ở nhiều nước. Các thế lực phản động, các nhân vật chống đối không từ một thủ đoạn nào để hành động khiến cho một bộ phận của cộng đồng bị mê hoặc, cuồng tín và hoạt động theo phản xạ tự nhiên, không tuân thủ chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như tạo chia rẽ giữa những người cùng hoặc không cùng tôn giáo để thực hiện vô điều kiện theo sự “chăn dắt”, gài bẫy của đối tượng chủ mưu. Nguy hiểm hơn là các hành động này núp dưới chiêu “thao tác” của một số youtuber, facebooker, tiktoker.
Cần khẳng định, trong tiến trình lịch sử Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn mà các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Việt Nam đã có 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo gồm du nhập từ nước ngoài và nội sinh được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận và cấp đăng ký hoạt động xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo mang đầy đủ tính nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước.
Đó là những thực tế không thể bị xuyên tạc cũng như càng không thể chấp nhận nhân danh quyền tự do tôn giáo để mưu cầu những tham vọng, lợi ích đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, của đất nước dù những tham vọng đó, lợi ích đó đến từ bất cứ đâu.
Quang Lộc (congthuong.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét