Ngày 2/8/2024, Bộ Thương mại Mỹ công bố về việc tiếp tục chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường (KTTT) ở Việt Nam. Theo đó, dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng cơ quan này vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT.
Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất, phủ định thành tựu của nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta.
Những luận điệu sai trái, bôi đen hiện thực
Trên các trang tin của những hội nhóm, tổ chức phản động còn tiến hành “tọa đàm, hội luận”, khoe thành quả về các hoạt động vận động, lên tiếng, thúc giục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tiếng nói gây sức ép lên chính quyền Mỹ từ chối công nhận quy chế nền KTTT ở Việt Nam. VOA tiếng Việt rêu rao “Hàng chục nhà lập pháp Mỹ trong những lần khác nhau đã gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để yêu cầu bộ này không cấp quy chế thị trường cho Việt Nam”; BBC Tiếng Việt thì vu cáo “Nguyên nhân Mỹ từ chối nâng cấp Việt Nam lên nền KTTT do nhà nước Việt Nam vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp và tệ nạn tham nhũng”. “Té nước theo mưa”, trên Fanpage Việt Tân bôi nhọ rằng, “cứ như thế này thì dân tộc Việt Nam làm sao ngóc đầu nổi”; “Mỹ công bố xếp hạng Việt Nam vào diện nền kinh tế phi thị trường nói lên điều gì”? Để làm nóng sự kiện, Việt Tân còn tổ chức livestream dưới dạng “hội luận” với thành phần tham gia được gắn cái mác như chuyên gia, luật sư, tiến sĩ… Mục đích không gì khác của chiêu trò này là bôi đen, đả phá nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, cổ xúy việc Mỹ chưa công nhận quy chế KTTT cho Việt Nam. Một số phần tử phản động lưu vong cũng nhân cơ hội này lấy làm hả hê, xuyên tạc “độc tài thì làm gì có cơ chế KTTT”, “muốn có KTTT phải đa nguyên, đa đảng”…
Các thế lực thù địch, phản động cố tình lấy cớ sự kiện này để chống phá Đảng, Nhà nước ta, xuyên tạc phải có sự chuyển hướng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyển sang đa nguyên, đa đảng thì mới có thể phát triển KTTT. Bằng việc gắn cái mác chuyên gia, nhà quan sát để tỏ ra bài viết, phỏng vấn của mình là có sức nặng, họ “khuyên” Việt Nam thay đổi thể chế thì “lúc đó Mỹ mới có thể công nhận nền KTTT của Việt Nam vì KTTT vốn là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa và kết hợp với mục tiêu xây dựng CNXH với định hướng XHCN. Các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng xấu còn đưa ra suy diễn rằng, dường như Việt Nam đã, đang âm thầm chuyển hướng sang phát triển KTTT theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết của thị trường trong những năm qua dù Việt Nam vẫn tuyên truyền bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm của CNXH.
Những luận điệu trên cố tình xuyên tạc đường lối phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam; cố tình thổi phồng sự việc, gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước và những thành tựu trong phát triển KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam
Về mặt bản chất, KTTT là mô hình kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường; là một kiểu tổ chức kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại. Tại Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã xác định nhiệm vụ “xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Thuật ngữ xây dựng “nền KTTT định hướng XHCN” được Đảng sử dụng lần đầu tại Đại hội lần thứ IX (năm 2001).
Những chủ trương trên đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong tư duy và quan niệm của Đảng về CNXH và con đường xây dựng CNXH ở nước ta. Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng ta về KTTT định hướng XHCN ngày càng được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.
Đây là kết quả được rút ra từ quá trình tổng kết thực tiễn gần 40 năm đổi mới; đồng thời, là sự kế thừa và phát triển những thành quả lý luận; phản ánh tư duy nhất quán và sự phát triển nhận thức của Đảng ta về vấn đề này ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn. Những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đất nước đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Từ thực tiễn quá trình đổi mới, nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền KTTT hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, như đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển ngày càng đồng bộ; vai trò của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, như quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường…
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ đôla Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 đôla Mỹ năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm. Năm 2022, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt mốc 730 tỷ USD (tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế). Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Một số sản phẩm của Việt Nam bước đầu khẳng định thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chỉ số về trình độ phát triển của thị trường Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 34 lên vị trí thứ 22. Các nhóm chỉ số về thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường tăng từ vị trí thứ 49 lên vị trí thứ 15 – một sự thay đổi hết sức mạnh mẽ; hay chỉ số đa dạng hóa các ngành trong nước cũng xếp thứ hạng khá cao (9/134 nước)
Năm 2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo đánh giá về nền KTTT của Việt Nam: “Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất vào giữa những năm 1980, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Công cuộc Đổi mới năm 1986 đã khởi đầu một quá trình chuyển đổi kinh tế trên diện rộng, xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, mở cửa nền kinh tế, bước ra thị trường và thương mại quốc tế, đồng thời khởi xướng các cải cách theo hướng ủng hộ các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Sau những chính sách này, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa đất nước trở thành nền KTTT mới nổi chỉ trong vòng 25 năm”. Tương tự IMF, các báo cáo do những tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang KTTT đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Đến nay, theo Bộ Công Thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới. Những thành tựu đổi mới của Việt Nam đã cho thấy, việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội.
Thực tế sinh động trên đã khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam được các quốc gia, tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao trong việc xây dựng cơ chế thị trường những năm qua, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho quần chúng nhân dân. Do đó, mỗi chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam.
Ngày 3/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Bà Phạm Thu Hằng cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục khẳng định kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí KTTT theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ. Điều này cũng được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia Hoa Kỳ và quốc tế ủng hộ. Trên thực tế, đến nay, có 72 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. “Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế KTTT của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước” – Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Tuệ Thiên – Bình Nguyên
Nhận xét
Đăng nhận xét