Nhận diện, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

 Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế này đòi hỏi mỗi người dân cần nhận thức và đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch. Bài viết góp phần nhận diện, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ năm 2023. ẢNH: QUANG VINH 

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, có tổng diện tích khoảng hơn 95 nghìn km2, với dân số khoảng gần 12 triệu người, chiếm gần 29% diện tích và gần 13% dân số của cả nước.

Đây là vùng “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh với chiều dài đường biên giới giáp với Trung Quốc là 1.273 km, với Lào là 610 km. Nói đến vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là nói đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây là vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống nhất cả nước, với gần 7 triệu người, chiếm gần 50% tổng dân số người dân tộc thiểu số trong cả nước và chiếm 50% dân số toàn vùng. Trong đó có 11/14 tỉnh trong vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm trên 50%. Cụ thể như: đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng chiếm 92,7%; tương tự Hà Giang: 88,5%, Bắc Kạn: 88,3%, Sơn La: 84,7%, Lai Châu: 84,5%, Lạng Sơn: 84,3%; Điện Biên: 84,2%, Hòa Bình: 75,9%, Lào Cai: 66,3%, Tuyên Quang: 57,1%, Yên Bái: 56,2%…

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các dân tộc luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau góp phần cùng cả nước thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tổ quốc và đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận như: Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26/KL/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 “Về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hệ thống chính trị các cấp trong vùng đã tích cực triển khai thực hiện nên đã đạt được những kết quả tích cực như: tỷ lệ tăng trưởng GRDP trên toàn vùng giai đoạn 2016 – 2023 đạt khoảng 9 – 10%; GRDP bình quân đầu người đã có sự cải thiện đáng kể đạt khoảng 38,05 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp đạt 18,6%; công nghiệp, xây dựng đạt 40,43%, dịch vụ 35,86%. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 2,6%/năm.

Công tác phát triển kinh tế – xã hội được gắn kết với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới và các địa bàn trọng điểm nên đã xây dựng được 634,7/1.533,488 km đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến và đã sắp xếp ổn định được hơn 16 nghìn hộ dân, xây dựng và hình thành 34 thôn, bản nên đã cơ bản xóa được các khu vực trắng dân tại địa bàn biên giới, hình thành các cụm làng, xã biên giới, góp phần bảo vệ vành đai biên giới.

Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ hiện vẫn là vùng “lõi nghèo” nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế toàn vùng còn nhỏ lẻ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tính liên kết thấp, sản phẩm chế biến từ nông lâm sản, hiệu quả chưa cao, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án về công tác giảm nghèo chưa cao; các nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình quốc gia giảm nghèo còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư còn thấp.

Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Sự chuyển biến kinh tế mới tập trung ở những nơi gần đường giao thông, có điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hoá. Diện phủ sóng truyền thanh, truyền hình còn thấp. Một số cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận ở cơ sở và các tổ chức đoàn thể hoạt động còn yếu. Đội ngũ cán bộ ở một số nơi còn nhiều hạn chế về năng lực vận dụng các chủ trương, chính sách vào điều kiện cụ thể ở địa phương.

Lợi dụng sự yếu kém về phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương trong vùng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước thông qua tuyên truyền, kích động, chia rẽ khối đoàn kết gắn với vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc. Trong đó nổi lên là tổ chức hoạt động trái pháp luật với cái gọi là “Tin lành Vàng chứ”, “Đạo Dương Văn Mình”, Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ”… nhất là âm mưu của chúng ở vùng đồng bào Mông, nơi có vị trí xung yếu, hiểm trở của đất nước, có những đặc thù về lịch sử, tâm lý, đặc biệt nhạy cảm về vấn đề dân tộc.

Từ năm 2011 đến năm 2020, các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã tập trung đấu tranh, bóc gỡ, xóa bỏ hoạt động của các đối tượng phản động trong người Mông trên địa bàn, xử lý hầu hết các đối tượng cầm đầu, quản lý, giáo dục các đối tượng đã nhẹ dạ, cả tin, tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nên phần lớn các nhóm đối tượng phản động đã cơ bản tan rã.

Lợi dụng sự phát triển của Internets và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã tuyên truyền phát triển đạo Tin Lành vào một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nên đã tạo ra những mâu thuẫn không hề nhỏ trong nội bộ dòng họ, gia đình của người theo đạo bắt nguồn từ sự phân hoá, đối lập nhau về mặt tín ngưỡng, tôn giáo; giữa người theo tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với người theo đạo Tin Lành. Cụ thể là: Những người theo tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống coi những người theo đạo Tin Lành đã từ bỏ các quan hệ, nghĩa vụ theo luật tục, đạo lý cổ truyền là sự xúc phạm đến tình cảm dân tộc và sự thiêng liêng của tín ngưỡng truyền thống. Ngược lại, nhiều người theo đạo Tin Lành cũng xúc phạm những người theo tập quán cũ.

Ở nhiều địa phương, các đối tượng truyền giáo Tin Lành đã lợi dụng dùng áp lực của số đông để cô lập, o ép, đe doạ những người không theo để ép buộc họ theo đạo Tin Lành. Nhiều đối tượng lợi dụng đạo Tin Lành để trục lợi, chiếm đoạt tiền của, sức lao động của quần chúng dưới hình thức thu tiền của để được theo đạo, chi phí cho các đối tượng đi học đạo, mua kinh sách… đã tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự tại địa phương.

Nhận diện, phân tích, đánh giá những tác động của những “điểm nóng chính trị – xã hội” đã xảy ra ở một số địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch nêu trên chúng ta sẽ thấy được mức độ nguy hiểm của  việc lợi dụng vấn đề dân tộc, gắn với vấn đề tôn giáo và nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong toàn bộ chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong thời kỳ nước ta tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế.

Các thế lực đã đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia – dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc nhằm làm cho đồng bào các dân tộc ngộ nhận quyền dân tộc tự quyết là quyền của riêng đồng bào các dân tộc thiểu số nên chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập nhà nước riêng, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước.

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ly khai, đòi tự trị dân tộc thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta nên công tác phòng ngừa, đấu tranh cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động ly khai, đòi tự trị dân tộc của các thế lực thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước; nâng cao ý thức tự giác của Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá nước ta.

Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân thực sự vững chắc, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Ba là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; thực hiện đồng bộ, triệt để, hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, bồi dưỡng, rèn luyện cho họ có phong cách, tác phong công tác phù hợp, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, có sự am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của đồng bào để “nghe được đồng bào nói, nói đồng bào nghe”. Đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc thiểu số không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kì thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa; ngay từ trung tâm của các tổ chức phản động lưu vong; tập trung đánh giá, dự báo sát tình hình biến động của cục diện thế giới, khu vực; sự điều chỉnh chiến lược, chính sách các nước lớn… để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động đòi ly khai, tự trị dân tộc của các thế lực thù địch chống phá nước ta. Giải quyết triệt để, kịp thời các “điểm nóng”, các mâu thuẫn, khiếu kiện trong đồng bào dân tộc thiểu số ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn gắn với chế độ đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả nội dung cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”, phong trào “Toàn dân tham gia Bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Tăng cường vận động Nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp sống chan hòa, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn; quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, những người có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ trong vùng dân tộc thiểu số.

DƯƠNG MẠNH HÙNG – Cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam

Nhận xét