Ngày 1/5/2024, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) – một tổ chức do Chính phủ Mỹ lập nên đã công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
USCIRF và những báo cáo sai lệch
Năm 1998, Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế, trên cơ sở đó lập ra USCIRF. Tổ chức này được Chính phủ Mỹ trao quyền nghiên cứu và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của từng quốc gia, ngoại trừ tình hình tự do tôn giáo của Mỹ. Hằng năm, USCIRF đã đưa ra báo cáo thường niên về vấn đề tự do tôn giáo của các nước và khuyến nghị Ngoại trưởng Mỹ đưa các nước được họ coi là không có tự do tôn giáo vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC”. Những nước trong danh sách CPC sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt dưới các hình thức khác nhau.
Ngày 1/5/2024, USCIRF đã công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh việc đưa ra những nhận định cho rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có gì thay đổi so với năm trước, cáo buộc chính quyền sử dụng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để đàn áp các nhóm tôn giáo của người thiểu số và các nhóm tôn giáo không được chính phủ công nhận, USCIRF tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC vì cho rằng Việt Nam đã “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”!
Dựa trên những thông tin sai lệch từ các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam, USCIRF tiếp tục cho rằng, “nhà chức trách Việt Nam tiếp tục bách hại các nhóm tôn giáo sắc tộc như người Thượng và người Mông theo đạo Tin Lành, các phật tử Khmer Krom và những người Mông theo đạo Dương Văn Mình”. Ngoài ra, trong báo cáo năm nay, USCIRF còn cho rằng, “chính quyền Việt Nam tiếp tục gây áp lực lên các tín đồ Cao đài độc lập, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo quyết giữ đạo gốc, buộc họ phải tham gia vào những tổ chức nhà nước kiểm soát; bên cạnh đó, nhà nước ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập”. Để từ đó, USCIRF đã cho rằng Việt Nam cần bị đưa vào “Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” – CPC với cáo buộc “do các vi phạm gia tăng”.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9/5/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam liên quan “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” của USCIRF vừa công bố. Bà Phạm Thu Hằng một lần nữa khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.
Tất cả các nước trên thế giới đều có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Thực tế, Mỹ cũng đình chỉ các quyền tự do tôn giáo với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Nếu nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách thành lập tổ chức ở Mỹ và tuyển mộ thành viên mới thì sẽ được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia và các hành động của IS không được bảo vệ như tự do tôn giáo.
Trong “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024”, USCIRF cáo buộc chính quyền Việt Nam đã “tăng cường kiểm soát và đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng” khi lấy minh chứng những tổ chức, hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài Chơn quyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Pháp Luân công”, “Đạo Hà Mòn”, “Hội thánh Đức Chúa trời”… Đây là những tổ chức không được Nhà nước công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, trong đó có những tổ chức được xem là tà đạo, tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc như tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Tổ chức Dương Văn Mình không phải là tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp mà do đối tượng Dương Văn Mình, sinh năm 1961 (chết năm 2021) thành lập từ năm 1989. Sau khi thành lập, Dương Văn Mình lợi dụng trình độ lạc hậu, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân tộc Mông để tuyên truyền luận điệu mê tín, dị đoan, lừa phỉnh, ép buộc người dân tộc Mông tham gia tổ chức trái với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, gây dư luận xấu và phức tạp về an ninh, trật tự ở các địa phương.
Đáng chú ý, Dương Văn Mình thường xuyên kích động, lôi kéo người dân tộc Mông không thực hiện nghĩa vụ công dân và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… dẫn đến số đồng bào dân tộc Mông khi theo tổ chức này lâm vào hoàn cảnh nghèo đói.
Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương tuyên truyền, giải thích nên số người đồng bào dân tộc Mông đã giác ngộ, nhận thức tác hại, không phù hợp quy định của pháp luật hiện hành, với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông nên đến năm 2023, toàn bộ số người dân tộc Mông theo Dương Văn Mình đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ. Họ giác ngộ quay trở về với phong tục, tập quán của người Mông và các tổ chức tôn giáo hợp pháp.
Thông tin mà USCIRF hay Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần đề cập cho rằng “Công an thường xuyên giám sát, đe dọa, hành hung người hoạt động nhân quyền”, trong đó có nêu sự việc chính quyền địa phương các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đột nhập vào nhà của những người theo đạo Dương Văn Mình đập phá bàn thờ, đồ đạc” là sai sự thật.
Trong báo cáo của USCIRF còn cho rằng, chính quyền Việt Nam sử dụng Luật An ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo, trong đó họ đưa ra các trường hợp về Y Krếc Byă ở Tây Nguyên và Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang trong vùng đồng bào Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ làm những ví dụ điển hình. Vậy nhưng trên thực tế, những trường hợp mà USCIRF đưa ra đều là những người bị bắt do vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, hoàn toàn không có việc phân biệt hay ngăn cấm đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo.
Về trường hợp Y Krếc Byă (tên thường gọi là Ama Guôn, 46 tuổi, ngụ xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), từ năm 2012 đến đầu năm 2023, nghe theo sự xúi giục, kích động của Y Hin và Aga (là 2 đối tượng phản động FULRO lưu vong đang ở Mỹ), Y Krếc Byă đã tham gia tổ chức phản động “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” (CHPC). Đây là tổ chức do đối tượng A Ga, Y Am Byă ở Mỹ cầm đầu, được tách ra từ tổ chức “Tin lành Đấng Christ – UMCC” vào tháng 9/2019, là tổ chức phản động núp bóng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập “Nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, phụ cận.
Với “chức vụ” được các đối tượng phản động bên ngoài tự phong cho là “Phó điều hành” của “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, Y Krếc Byă đã lôi kéo một số đối tượng khác trong nội địa tiến hành âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc; tham gia, tổ chức hàng trăm buổi họp, tập huấn trực tuyến với các đối tượng FULRO lưu vong bên ngoài để nhận sự chỉ đạo và thu thập những thông tin, hình ảnh, tài liệu một chiều, sai sự thật, sau đó gửi ra bên ngoài nhằm xuyên tạc, kích động, chia rẽ giữa người dân với chính quyền, lực lượng vũ trang, gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau.
Ngày 8/4/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở của Y Krếc Byă. Ngày 28/3/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc và tuyên phạt Y Krếc Byă 13 năm tù giam.
Đối với các đối tượng Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, là những đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để biên soạn, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video của các đài, báo do tổ chức phản động KKF lập ra có nội dung xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, vấn đề đất đai, dân tộc, cho rằng người Khmer là dân tộc bản địa, có quyền tự quyết nhằm từng bước gây ảnh hưởng trong vùng dân tộc Khmer Trà Vinh và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tượng đã sử dụng Facebook cá nhân để cung cấp thông tin sai lệch về tình hình trong vùng dân tộc Khmer, thu hút nhiều người theo dõi, trong đó có nhiều cá nhân, tổ chức phản động bên ngoài sử dụng tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Ngày 31/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Trà Vinh và Công an tỉnh Sóc Trăng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Thạch Cương (sinh năm 1987), Tô Hoàng Chương (sinh năm 1986), cùng ngụ xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh và Danh Minh Quang (sinh năm 1987), ngụ tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Quá trình bắt, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quần chúng nhân dân. Vậy nên việc USCIRF cho rằng chính quyền Việt Nam sử dụng Luật An ninh quốc gia để bắt giữ những người dân tộc thiểu số theo đạo và dẫn chứng những trường hợp vi phạm pháp luật ở trên làm ví dụ minh chứng là hoàn toàn sai sự thật. Đây là chiêu lập lờ đánh lận nhằm can thiệp vào nội bộ của Việt Nam dưới vỏ bọc tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, trong báo cáo của USCIRF còn cho rằng, các nhóm tôn giáo nhỏ hơn như đạo Cao Đài cũng bị đàn áp, mất tự do. Tuy nhiên trên thực tế, bất cứ ai, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế của Mỹ và các nước phương Tây đều có thể đến thăm và tự do hành đạo ở các thánh thất Cao Đài và Tòa thánh Cao Đài tại Tây Ninh. (còn tiếp)
Phan Dương
Nhận xét
Đăng nhận xét