Không để lợi dụng vấn đề “văn hóa” trong quá trình phát triển!

 Ánh Dương

Như chúng ta đều biết, lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực rất nhạy cảm trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Chính ở đó hội tụ nhiều tư tưởng, nhiều luồng suy nghĩ, nhiều tâm trạng khác nhau… Văn hóa cũng là hoạt động dễ tác động tới lòng người, hoặc gây niềm phấn khích, tin tưởng, hoặc gây sự chán ghét, phẫn nộ. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cùng với xu hướng hội nhập, hợp tác, xu hướng độc quyền bá chủ, vẫn tồn tại, thậm chí có nơi, có lúc lại diễn ra một cách trắng trợn, bất chấp thông lệ quốc tế. Cái gọi là “ đế quốc chủ nghĩa về văn hóa” mà Bộ trưởng Văn hóa Cộng hòa Pháp đã cảnh báo từ năm 1982 của thế kỷ XX mà hiện nay nhiều thế lực đang tận dụng thực hiện để đe dọa nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là đất nước giàu bản sắc văn hóa dân tộc

Phải chăng đó là căn nguyên của sự phức tạp trong đời sống văn hóa mà chúng ta đang phải đối mặt. Cùng với những văn hóa phẩm đồi trụy, người ta đang tìm cách gieo rắc những văn hóa phẩm mang tính kích động chống đối chế độ. Lẽ dĩ nhiên, những tư tưởng kích động chống đối đều được ngụy trang dưới cái vỏ của văn hóa, như: Tự do, nhân quyền…Nhưng có một điều chúng ta phải bàn là tự do, nhân quyền đó là gì? Chắc chắn không phải theo nghĩa: “ Sự phát triển tự do cho một người là điều kiện để phát triển tự do cho mọi người” như mọi người mong muốn. Về nhân quyền cũng thế, cái nhân quyền mà họ nêu cao, chắc chắn không phải là: “ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh. Cái tự do, nhân quyền mà mà họ đang cố gieo vào đất nước ta là quay lưng lại với lịch sử, đào bới lịch sử, hạ bệ các thần tượng thiêng liêng của lịch sử. Thật đáng tiếc là tư tưởng đó đã được một số người vồ vập, thậm chí sử dụng để tạo tiếng vang cho tác phẩm của mình. Đối với những trường hợp đó, người ta không thể không nhớ lại câu chuyện Người đốt đền Ê-rô-stat, vì muốn nổi danh mà đốt ngôi đền thiêng và phạm một tội lỗi mà loài người không thể tha thứ được và còn bị nguyền rủa cho nhiều thế hệ sau này. Đó là những tư tưởng lợi dụng “ văn hóa” để nhằm chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và không ngừng phát triển theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong khi đó, trong những năm gần đây trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã có nhiều thành tựu đổi mới tư duy. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu của sự phát triển theo phương châm: Văn hóa phải đặt ngang hàng với sự phát triển về chính trị, kinh tế – xã hội. Từ đó Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng tạo điều kiện để đời sống tinh thần trong xã hội ngày càng được nâng cao. Văn hóa được coi như một chuẩn mực quan trọng trong các hoạt động xã hội, chính trị và kinh tế. Đặc biệt, vấn đề con người, quyền tự do của con người, vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo đã được khẳng định bằng những hành động thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề dân chủ hóa đời sống xã hội được thực thi bằng một hệ thống chính sách và biện pháp cụ thể có sức thuyết phục.

Như vậy, qua gần 80 năm xây dựng đất nước, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng dù trong chiến tranh hay trong hòa bình xây dựng đất nước thì Đảng luôn coi trọng phát triển văn hóa theo đúng nghĩa của nó, chứ không như các thế lực không ủng hộ sự phát triển của Việt Nam lợi dụng “ văn hóa” theo quan niệm và cách làm của họ để chống phá con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “ Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”!

Nhận xét