Trong bối cảnh sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ ta ngày càng quyết liệt, trực diện; do vậy, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, rộng khắp trong tình hình mới là yêu cầu cấp thiết cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm 586, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tham gia diễn tập PT-23. (Nguồn: Bộ Tư lệnh 86) |
Bài 3: Góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, rộng khắp
Trăn trở của người trong cuộc
Trao đổi về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Phạm Văn Tới, cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu 486 (Bộ Tư lệnh 86) cho biết: Lực lượng đơn vị đều là cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tuổi đời còn trẻ, tuy được đào tạo cơ bản nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
Trang bị cơ sở vật chất đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với đặc thù môi trường không gian mạng cho nên nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu diễn ra liên tục 24/24 giờ trong ngày, không phân biệt ngày nghỉ, giờ nghỉ, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Quân đội, đòi hỏi cấp bách ngăn chặn, xử lý nhanh nhất các cuộc tấn công mạng, cán bộ, nhân viên đơn vị phải thay nhau thực hiện nhiệm vụ tăng ca, đôi khi gấp đôi ngày thường mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh việc lợi dụng các sự kiện chính trị để tăng cường các hoạt động chống phá, đẩy mạnh đăng tải các bài viết, video xấu độc phát tán trên không gian mạng; các thế lực thù địch còn tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) hoặc tấn công thay đổi giao diện (Deface) vào các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm làm gián đoạn truyền thông, ảnh hưởng đến việc đưa tin, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí, gây hoang mang dư luận.
Nếu không phát hiện ngăn chặn kịp thời, uy tín của các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ bị ảnh hưởng, thông tin chính thống không kịp thời đến được với người dân gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng đến môi trường ổn định để phát triển đất nước… Vì vậy nhiệm vụ của người chiến sĩ tác chiến không gian mạng là chủ động phát hiện, cảnh báo sớm các cuộc tấn công như DDoS, Deface và có phương án xử trí các cuộc tấn công mạng “từ sớm, từ xa”, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống để các trang thông tin hoạt động ổn định.
Là đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; triển khai các hoạt động tác chiến không gian mạng. Thiếu tá Nguyễn Bảo Tuấn, cán bộ thuộc Trung tâm 586 (Bộ Tư lệnh 86) cho biết, lực lượng của đơn vị chủ yếu là cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm tiếp xúc xã hội chưa nhiều cho nên khả năng am hiểu về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội chưa sâu gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ trên không gian mạng.
Trong khi đó, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển với tốc độ rất nhanh, để cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ cần tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tác chiến không gian mạng tinh nhuệ, lực lượng công nghệ thông tin chất lượng cao; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tự nghiên cứu, sản xuất trang, thiết bị công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và nghiên cứu ứng dụng, tích hợp các công nghệ mới vào công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng…
Bên cạnh việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, một việc làm hết sức cần thiết đó là bồi dưỡng nâng cao hiểu biết về chính trị, xã hội, xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân cho bộ đội, kết hợp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người, mọi lực lượng trong xây dựng và bảo vệ không gian mạng an toàn, lành mạnh, nhân văn, rộng khắp.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Đại tá Lê Duy Nghĩa, Trưởng phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh 86 chia sẻ: Bộ Tư lệnh 86 là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng…
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Nổi bật là, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả.
Công tác theo dõi, phát hiện, xử lý, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin sai trái, thù địch, phản động đạt kết quả tốt. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh thông tin cho các lực lượng; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 35 ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh 86 phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội ngăn chặn phát tán các thông tin giả, tin sai sự thật, xấu độc; thường xuyên phối hợp, cung cấp mục tiêu đấu tranh cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương, cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các nội dung thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam…
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phối hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, vẫn còn những khó khăn, bất cập cần giải quyết rốt ráo. Nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết các cấp, nhất là Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị gắn thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Đại tá Lê Duy Nghĩa đề nghị, cần tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách ưu đãi và bảo vệ đối với lực lượng tác chiến không gian mạng; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp điều kiện mới để thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; đồng thời, cần có cơ chế động viên, khích lệ phù hợp đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; quan tâm đầu tư phát triển vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thời gian tới, Bộ Tư lệnh 86 tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp; tăng cường quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Tích cực, chủ động nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị, công cụ phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sàng lọc, phát hiện thông tin tiêu cực.
Triển khai các hệ thống trinh sát, giám sát thông tin trên internet, mạng xã hội đáp ứng yêu cầu cập nhật, đánh giá thông tin theo thời gian thực; đồng thời phát huy hết tiềm năng các kênh truyền thông, tài khoản cá nhân trong và ngoài Quân đội, thực hiện mỗi người dân là một chiến sĩ trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia; từng bước góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh 86 tăng cường phối hợp lực lượng của Bộ Quốc phòng với các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương để chia sẻ thông tin, triển khai các biện pháp phòng thủ bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy điều hành của Đảng, Nhà nước và các cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, đơn vị trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng rà soát, phát hiện và phòng ngừa sự cố, khắc phục lỗ hổng bảo mật. Ưu tiên phối hợp bảo vệ các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin, an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng chống chiến tranh không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nhằm tạo môi trường hòa bình trong giải quyết các vấn đề về an ninh mạng, chiến tranh không gian mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1/8/2024.
Trần Quyết
Nhận xét
Đăng nhận xét