Với đặc thù là huyện vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng.
Từ đó phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Hơn nữa, họ còn là những hạt nhân nòng cốt trong đấu tranh với những quan điểm sai lệch về chính sách dân tộc, quyết lòng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ từ đầu, từ cơ sở
Huyện Gò Quao có 34.238 hộ, với 137.737 người, trong đó dân tộc Khmer 11.602 hộ, 46.247 người, chiếm 33,57% dân số. Những năm qua, với tổng số 39 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các ấp trên địa bàn huyện luôn tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; tiên phong xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mê tín dị đoan, chống tuyên truyền đạo trái phép; tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tốt phong trào tại địa phương.
Điển hình gần đây, sau khi nắm cụ thể các nguồn tin chính thống từ các cơ quan Đảng, Nhà nước về các nhà sư đi bộ hành khất thực, hay gần đây vụ phát tán video các vị sư ở Bà Rịa – Vũng Tàu có lời nói không đúng mực một số lĩnh vực tâm linh trái với Phật giáo…, các vị có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khẩn trương xuống các ấp để nắm tình hình dư luận, tư tưởng của đồng bào Khmer.
Là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, các thành viên đã tuyên truyền rõ về những vị mặc áo nhà sư đi khất thực, tự tu tập là điều Đảng, Nhà nước không cấm và cũng không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đây là điều riêng tư của bất kỳ ai muốn tu tập hướng đến những điều tốt đẹp. Riêng về lời nói không chuẩn mực của các vị sư trụ trì chùa ở tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu, những vị này cũng có thư xin sám hối và nhận sai trước Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo đó, Giáo hội Phật giáo kỷ luật, cấm thuyết giảng có thời hạn và phải sám hối chư tăng, chịu kỷ luật biệt chúng tại tổ đình của chùa. Đồng thời, các vị uy tín còn nhắc nhở người dân không lan truyền tin không có kiểm chứng, nhất là cảnh giác với bất kỳ hành vi lợi dụng vụ việc để lôi kéo, xuyên tạc, gây thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong số các vị có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Gò Quao phải kể đến ông Danh Liễu (sinh năm 1950), ngụ ấp An Hòa, xã Định An. Sau khi về nghỉ hưu năm 2010 (ông nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Quao), thấy nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, nhất là gặp phải điệp khúc được mùa, mất giá và ngược lại, ông đứng ra thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài việc tập hợp nông dân canh tác theo hướng đồng loạt gieo sạ, bón phân, bơm tát, thu hoạch… cho năng suất ngày cao hơn, ông còn tìm đầu ra sau khi thu hoạch lúa để nông dân yên tâm sản xuất. Không lâu sau, hợp tác xã do ông làm chủ nhiệm khấm khá lên, bà còn ngày thoát nghèo vươn lên khá giả.
Bí thư Đảng ủy xã Định An Ngô Thanh Hùng cho biết, ông Danh Liễu luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu thực hiện. Với uy tín của mình, ông Danh Liễu đã vận động mạnh thường quân, bà con trên các tuyến đường hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây mới, sửa chữa 6 cây cầu, cất 4 căn nhà cho người nghèo, hàng ngàn mét lộ giao thôn nông thôn ở xã Định An và xã giáp ranh Vĩnh Phước B đi lại thuận tiện.
Ông Danh Liễu cho biết, do là địa phương vùng sâu, vùng xa nên điều kiện của bà con, nhất là đồng bào dân tộc Khmer còn khó khăn. Thấu hiểu những khó khăn đó, ông thường xuyên xuống từng nhà hay vào dịp lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer đến chùa để tuyên truyền, vận động bà con ra sức lao động, góp phần xây dựng quê hương. Trước đây ông cũng học qua Kinh luận giới và xuất tu ở chùa Khmer, nên khi truyền đạt bằng tiếng Khmer phật tử đến chùa dễ tiếp thu, dễ hiểu và làm theo.
Một câu chuyện rất cảm động khi nói về ông Danh Liễu, nhiều người dân địa phương luôn tấm tắt khen ngợi. Một lần khi ông đi xuống phum sóc, đến con kênh khi thấy 4 – 5 trẻ nhỏ đi qua cầu khỉ rất nguy hiểm. Liền đó, ông đứng ra vận động ngay những người trong gia đình, thân tộc và một số người có điều kiện ở địa phương để bắc cây cầu kiên cố cho bà con qua lại, nhất là trẻ nhỏ, học sinh đến trường. Sau khi cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, thay vì cây cầu bắc qua kênh Ông Tạo ở ấp An Hòa thì đặt tên theo kênh, nhưng người dân vẫn gọi quen thuộc đến nay là cầu Ông Liễu.
Sống giữa vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ông Danh Đẹp (sinh năm 1954), người có uy tín trong đồng bào dân tộc ấp An Phước, xã Định An nên ông hiểu nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ. Chính vì vậy, hằng ngày khi tiếp xúc, thấy hộ nào chưa chí thú làm ăn hoặc nhà cửa chưa gọn gàng, sạch sẽ, ông lại ôn tồn nhắc nhở. Thanh niên hay say xỉn, đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu, ông lựa lời giảng giải, phân tích bằng tình cảm chân tình, khéo léo để họ hiểu và điều chỉnh hành vi.
Ông Danh Đẹp cho biết, tâm lý của hầu hết đồng bào Khmer là tin vào những điều “mắt thấy, tai nghe”, do đó những việc làm gương mẫu của đảng viên, người uy tín sẽ có giá trị thuyết phục cao để bà con làm theo. Bởi vậy, ông luôn nỗ lực đi đầu, tích cực vận động bà con tham gia các công trình, phần việc tại địa phương. Là người dân tộc Khmer và lại là đảng viên nên ông thấy mình phải có trách nhiệm xây dựng quê hương, xóm làng ngày thêm văn minh, giàu đẹp. Chính vì lẽ đó, khi có công trình, phần việc gì triển khai xuống ấp, ông Đẹp đều cố gắng vận động bà con trong xóm tham gia đầy đủ.
Xây trận thế trận lòng dân
Là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm 48% dân số toàn xã, những năm qua đội ngũ người có uy tín trong đồng bào Khmer xã Thới Quản, huyện Gò Quao đã có những đóng góp không nhỏ cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tiêu biểu là ông Danh Điện (sinh năm 1958), người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Hòa Lễ, không chỉ tích cực trong việc tiếp thu, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà ông Điện còn hăng say trong công tác của địa phương.
Ấp Hòa Lễ có điểm chùa Khmer Cỏ Khía Cũ, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer những năm qua ông Điện luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Đồng thời tích cực phối hợp với nhà chùa tuyên truyền, vận động và là “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân nói chung và đồng bào phật tử của chùa nói riêng, từ đó mọi người luôn tin tưởng và làm theo.
Còn ông Danh Hùng, người có uy tín trong đồng bào Khmer ấp An Hưng, xã Định An cũng đã dành hết tâm huyết của mình để xây dựng, sửa chữa cầu, đường nông thôn, hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo trên địa bàn trong và ngoài xã Định An. Những năm qua, ông Hùng đã gắn bó với công việc xây cầu từ thiện, giúp nối nhịp bờ vui giữa các xóm ấp trong xã Định An. Không những vậy, đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân xã Định An vận động nhà hảo tâm 40 triệu đồng hỗ trợ bà Thị Nhâm xây căn nhà mới. Với số tiền ấy rất khó để bà Nhâm có được căn nhà tươm tất. Biết chuyện, ông Danh Hùng đứng ra xây dựng, đồng thời còn hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để hoàn thành căn nhà cho ba chị em bà Nhâm sống đơn thân có nhà mới để ở.
Theo ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, những năm qua, người có uy tín đã góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng mật thiết. Họ luôn là hạt nhân tích cực, chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực trong xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân vững chắc.
Ông Nguyễn Vũ Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Gò Quao cho biết, với trách nhiệm và uy tín của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang nói chung, huyện Gò Quao nói riêng đã đồng hành, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trên bước đường phát triển quê hương. Họ chính là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc anh em, góp phần đặt thêm những “viên gạch” cho sự vững chắc của nền tảng tư tưởng của Đảng.
Lê Sen (TTXVN)
Nhận xét
Đăng nhận xét