Chiều 3/6, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để cung cấp thông tin về những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Buổi gặp gỡ báo chí về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội. |
Buổi gặp gỡ báo chí do Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng chủ trì trực tiếp tại Hà Nội và có sự tham gia trực tuyến của các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, cùng một số phóng viên báo chí từ các nước và vùng lãnh thổ, bao gồm Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Séc, Đức, Ba Lan, Mỹ, Australia, Angola…
Tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Nghị quyết đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đối với cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Nghị quyết được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Đồng thời, Nghị quyết cũng được đông đảo kiều bào đón nhận, ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách của Nghị quyết, mà còn là chủ thể tích cực triển khai.
Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nòng cốt trong việc quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước.
Các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham dự trực tuyến. |
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh…
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các Chương trình hành động, các đề án lớn như Đề án Phát huy nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước trong tình hình mới…
Về công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, Thứ trưởng khẳng định, kiều bào luôn được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước, như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn….
Đồng thời, các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường xuyên được đổi mới và thu hút đông đảo kiều bào tham gia.
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, trong 20 năm qua, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở sở tại, cũng như bảo hộ công dân luôn được chú trọng.
Trong trao đổi với lãnh đạo các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao luôn đề nghị chính quyền sở tại có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Tổng lượng kiều hối trong giai đoạn 1993–2023 đạt khoảng 230 tỷ USD và đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,72 tỷ USD.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng. |
Trong công tác gìn giữ tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào…
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (ngày 8/9 hằng năm), đã góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước tới thế hệ trẻ kiều bào.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, sau 20 năm triển khai, Nghị quyết 36-NQ/TW vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội trong triển khai công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong năm nay, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
PV
Nhận xét
Đăng nhận xét