Kẻ tham nhũng không bao giờ là “gỗ quý”

 Nếu quan chức có năng lực nhưng tham nhũng thì năng lực ấy cũng không thể bù đắp được tác hại họ gây ra cho xã hội. Việc giữ lại những quan chức ấy có thể gây tổn hại lâu dài đến niềm tin và đạo đức xã hội, làm gương xấu cho thế hệ sau.

Hình ảnh “đút củi vào lò” đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, minh chứng qua việc nhiều quan chức tham nhũng đã bị đưa ra ánh sáng và bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, vừa qua tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, có đại biểu Quốc hội đã ví một số “củi vào lò” là “gỗ quý”, đồng thời đề xuất việc “ân xá” cho quan chức tham nhũng nếu tự giác khai báo, đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

(Ảnh minh họa)

Qua ý kiến của đại biểu có thể thấy một số điểm tích cực. Đấy là đưa ra một đề xuất mang tính khoan hồng và nhân văn khi đề nghị cho phép cán bộ và doanh nghiệp tự giác khai báo sai phạm và hoàn trả tiền bất hợp pháp để được bảo vệ bí mật và khép lại hồ sơ. Điều này nhằm khuyến khích sự ăn năn và hối cải, tạo cơ hội cho những người đã lỡ “nhúng chàm” có thể làm lại từ đầu và đóng góp tích cực cho xã hội.

Ý kiến của đại biểu đặt ra một cơ chế khuyến khích việc tự giác khai báo và hoàn trả tiền, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu không tự giác. Cách tiếp cận này có thể giúp giảm tiêu cực và tham nhũng, đồng thời lấy lại niềm tin từ phía người dân.

Có thể do thời gian nêu ý kiến trên hội trường có hạn nên đại biểu chưa nói được đầy đủ và trọn vẹn ý tứ của mình? Bởi vì tùy mức độ vi phạm, tùy mức độ ăn năn hối cải của người vi phạm mà cơ quan chức năng xem xét vụ việc theo luật chứ không thể cứ hoàn trả tiền bất hợp pháp là tha bổng.

Chính vì thế đề xuất này của đại biểu vấp phải nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ mất đi tính răn đe của luật pháp và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Niềm tin của công chúng vào sự công bằng và minh bạch của hệ thống pháp luật là yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội. Việc ân xá cho các quan chức tham nhũng có thể bị hiểu nhầm là sự bao che, tạo ra cảm giác bất công đối với những người đã và đang tuân thủ pháp luật. Điều này có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng vào sự nghiêm minh của pháp luật và khiến họ mất lòng tin vào cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.

Ngoài ra, nguy cơ lạm dụng chính sách khoan hồng khi kẻ tham nhũng có thể khai báo, ăn năn hối cải một phần sai phạm và che giấu trong quá khứ những vụ việc tham nhũng rất lớn và đang được ẩn giấu “dưới tảng băng”, hoặc họ lợi dụng chính sách này để tiếp tục thực hiện hành vi tiêu cực trong tương lai.

Quan điểm “đánh người chạy đi, chứ không đánh người trở lại” cần được áp dụng một cách cẩn trọng. Nếu không có những quy định chặt chẽ và giám sát nghiêm ngặt, cơ chế này có thể tạo ra tâm lý “phạm tội rồi sẽ được tha”, dẫn đến việc các quan chức có thể tiếp tục hành vi tham nhũng mà không sợ hậu quả nghiêm trọng.

Nguy hại hơn, đề xuất này có thể làm suy yếu tinh thần chống tham nhũng hiện tại. Khi một số quan chức biến chất biết rằng họ có thể thoát tội nếu tự giác khai báo, họ có thể ít lo ngại về hậu quả của hành vi tham nhũng. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và răn đe hiện tại, làm cho cuộc chiến chống tham nhũng trở nên thiếu tính quyết liệt.

Quan điểm này (cho phép các quan chức tham nhũng thoát tội nếu tự giác khai báo) cũng mâu thuẫn với nguyên tắc pháp quyền: Mọi người đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách bình đẳng, công dân “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Đây chỉ là một tình tiết cần được xem xét trong quá trình tố tụng chứ không thể “xóa sạch, tẩy trắng”.

Nó có thể tạo ra một hệ thống hai tiêu chuẩn, trong đó quan chức tham nhũng có thể tránh bị truy tố, trong khi người dân bình thường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành vi sai trái của mình. Nếu pháp luật có kẽ hở thì chính đại biểu phải là người theo dõi, kiến nghị sửa đổi để hoàn thiện chính sách và cơ chế chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. 

Ai cũng đau xót vì nhiều quan chức được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng tin dùng lại rơi vào vòng lao lý. Nhưng cần nhận thức rõ cuộc chiến chống tham nhũng chỉ có thể thành công khi các biện pháp xử lý có tính răn đe cao.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người”. Việc xử lý nghiêm khắc các quan chức tham nhũng không chỉ nhằm trừng phạt cá nhân vi phạm mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng mọi hành vi tham nhũng đều không được dung thứ, đều không có vùng cấm. Việc ân xá thiếu căn cứ pháp lý có thể làm giảm tính răn đe của pháp luật, khiến quan chức không cảm thấy lo ngại về hậu quả nghiêm trọng của hành vi tham nhũng.

Đại biểu cho rằng những quan chức tham nhũng là “gỗ quý”, và việc đút họ vào “lò” có thể làm mất đi những nhân tài. Quan điểm này cần được xem xét kỹ lưỡng. Nhân tài thực sự không chỉ được đánh giá qua khả năng chuyên môn mà còn qua đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Ngay cả doanh nghiệp cũng vậy, nhân tài trong kinh doanh cũng phải chú trọng đạo đức kinh doanh chứ không phải dùng tài năng để lợi dụng cơ chế chính sách, móc ngoặc, “đi đêm”…, thực hiện những hành vi trái pháp luật, đạo đức.

Nếu quan chức có năng lực nhưng tham nhũng thì năng lực ấy cũng không thể bù đắp được tác hại họ gây ra cho xã hội. Việc giữ lại những quan chức này có thể gây tổn hại lâu dài đến niềm tin và đạo đức xã hội, làm gương xấu cho thế hệ sau. Đã từ lâu Đảng luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc “vừa hồng vừa chuyên”. 

Đề xuất của đại biểu về việc “ân xá” cho các quan chức tham nhũng nếu tự giác khai báo vì nó thể hiện tính nhân đạo nhân văn và có thể giúp thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và để lại hệ quả tiêu cực. Việc duy trì tinh thần chống tham nhũng mạnh mẽ, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong xử lý các hành vi sai trái…, là những yếu tố then chốt để đảm bảo cuộc chiến chống tham nhũng đạt hiệu quả bền vững.

Quan chức tham nhũng không phải là “gỗ quý” vì gỗ quý – nhân tài là những người không chỉ có năng lực mà còn có đạo đức và biết thực thi năng lực và đạo đức ấy cho cái chung với một tinh thần trách nhiệm cao.

TS.Hoàng Ngọc Vinh
Nguyên CVCC, Bộ GDĐT

Nhận xét