Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam – Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

 

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)
Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

Báo cáo về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã đề cập trực tiếp đến chủ nghĩa dân túy như sau: “…Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên; việc điều chỉnh chiến lược và sức cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn khiến các nước nhỏ luôn phải ứng phó với những biến động khó lường”.

Nhận định trên thể hiện Đảng ta đã nhận thức rõ hơn về mức độ ảnh hưởng đang ngày càng sâu rộng của chủ nghĩa dân túy trên thế giới, đặc biệt là khả năng xuất hiện và phá hoại của nó ở trong đời sống chính trị-xã hội Việt Nam.

————————–*****————————–

BIỂU HIỆN CHỦ NGHĨA DÂN TÚY Ở VIỆT NAM

Từ thực tiễn chủ nghĩa dân túy trên thế giới, soi chiếu vào điều kiện Việt Nam có thể thấy, ở nước ta chủ nghĩa dân túy không có đủ cơ sở kinh tế, chính trị-xã hội để tồn tại dưới dạng một “chủ nghĩa” theo nguyên nghĩa, mà chủ yếu là các biểu hiện dưới dạng phát ngôn và hành động mang tính chất mị dân, lợi dụng, kích động nhân dân, lấy danh nghĩa “nhân dân” nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị, kinh tế,… của cá nhân, nhóm người nhất định. Những biểu hiện đó có thể khái quát thành những nhóm sau:

Thứ nhất, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chạy theo những lợi ích trước mắt, thực dụng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây có thể xem là những biểu hiện tiền đề, sơ khai của chủ nghĩa dân túy.

Thứ hai, mang màu sắc dân túy rõ hơn là một số cá nhân có phát ngôn, lời nói, hành động không đúng với quan điểm, chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, trái quy định pháp luật; lời hứa suông thiếu tính khả thi hoặc lời nói không đi đôi với việc làm, “nói một đằng làm một nẻo”. Mục đích của những người này là thông qua “lấy lòng quần chúng”, “theo đuôi quần chúng” với mưu mô đạt lợi ích riêng cho bản thân hoặc lợi ích nhóm.

Thứ ba, dưới danh nghĩa “yêu nước”, “bảo vệ lợi ích của nhân dân”, “vì dân”, các phần tử cơ hội chính trị đưa ra những phát ngôn và hành động mang tính mị dân, phản động. Trước mỗi vụ việc phức tạp, nhạy cảm, họ lợi dụng các diễn đàn, nhất là mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tập trung đông người bằng những khẩu hiệu “bất tuân dân sự” gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động xấu đến phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

Càng trong khó khăn, thử thách, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam càng được khẳng định. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Thực tế là đã có một số vụ việc mang màu sắc dân túy, bị các thế lực thù địch, phản động bên ngoài câu kết với các phần tử bất mãn trong nước để lợi dụng chống phá. Điển hình như: Âm mưu thành lập “Nhà nước Khmer Krom”; “Nhà nước Tin lành Đề-ga”; “Vương quốc Chămpa” và “Vương quốc Mông”, hay đòi ly khai, tự trị, độc lập, đa nguyên – đa đảng… Lợi dụng việc nhà máy Fomosa xả nước thải làm ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung… Từ đó họ phụ họa, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động một bộ phận người dân thiếu hiểu biết tham gia biểu tình, gây rối đập phá trụ sở cơ quan công quyền, khu công nghiệp. Mục đích của những việc làm này là hòng gây mất ổn định chính trị-xã hội, tạo cớ can thiệp sâu hơn vào Việt Nam; kích động tâm lý, tư tưởng bài ngoại cực đoan, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…

————————–*****————————–

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN BIỂU HIỆN DÂN TÚY

Ý

thức được sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên diện rộng, những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện, chính sách liên quan tới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện tiêu cực của nó.

Đầu tiên phải kể đến là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận báo chí trước yêu cầu mới (năm 2007) đã chính thức hóa cuộc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam, đưa nó trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau đó là các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác… Tuy nhiên để tiếp tục bảo đảm cho việc phòng, chống chủ nghĩa dân túy đạt hiệu quả chúng tôi cho rằng cần phải làm tốt một số giải pháp sau:

Trước tiên, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ khái niệm, nội dung, hình thức, các biểu hiện, nguyên nhân và tác hại của nó. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề này, qua đó tạo sự “miễn dịch”, sức “đề kháng” trước tác động của những biểu hiện chủ nghĩa dân túy. Đồng thời, cấp ủy đảng các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Hai là, nâng cao hiệu quả đổi mới hệ thống chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đập tan các âm mưu nhằm thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Từ khi ra đời đến nay, để khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những trào lưu tư tưởng đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa dân túy dù biểu hiện dưới hình thức nào, về bản chất, đây vẫn là một loại tư tưởng tiểu tư sản, duy tâm, mị dân, không tưởng, phản khoa học, thậm chí là phản động. Vì vậy, chỉ có xây dựng cho được một hệ thống chính trị vững vàng về chủ nghĩa, trong sáng, lành mạnh về phẩm chất và “chí công vô tư” trong phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì mới có cơ sở để chống lại và triệt tiêu chủ nghĩa dân túy.

Ba là, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó, có các chính sách phù hợp để hạn chế và giải quyết các mặt trái của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải gần dân, phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe để giải quyết đúng đắn những kiến nghị, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, tránh để các thế lực dân túy và cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, để củng cố niềm tin trong nhân dân, qua đó góp phần loại bỏ nguy cơ khởi phát và lan truyền của những mầm mống dân túy. Thực tế công tác phòng, chống “giặc nội xâm” được Đảng ta đẩy mạnh từ nhiều năm nay và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên lạc lõng trong dòng chảy phát triển của đất nước.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tăng cường xây dựng thế trận lòng dân nơi cực Tây của Tổ quốc. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, một biện pháp quan trọng cũng là quan điểm chỉ đạo, yêu cầu cơ bản trong đấu tranh ngăn ngừa chủ nghĩa dân túy hiện nay là phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó nhiệm vụ cấp bách là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh về mọi mặt, nhằm ngăn ngừa, loại trừ những biểu hiện chủ nghĩa dân túy từ cơ sở…

Đấu tranh ngăn chặn chủ nghĩa dân túy và những biểu hiện tiêu cực của nó là quá trình bền bỉ, lâu dài. Làm tốt những nhiệm vụ trên sẽ góp phần nhận diện và loại bỏ những loại “virus độc” của chủ nghĩa dân túy, giúp môi trường chính trị-xã hội Việt Nam lành mạnh hơn, không để những người có dấu hiệu nhiễm virus ấy ngả hẳn sang phía bên kia, đi ngược lại lợi ích của đất nước. Quá trình đó cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

Hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Ảnh: qdnd.vn, Ngọc Lâm

  • Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 3: Đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa dân túy ở nước ta hiện nay (tiếp theo và hết)

Nhận xét