Trong buổi họp báo quý 1/2024 của Bộ Công an vừa qua, nhiều thông tin “nóng” liên quan đến các vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được đại diện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chia sẻ. Lợi dụng những diễn biến mới trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, giới “dân chủ” đã ra sức “khua môi, múa mép”, xuyên tạc tình hình, tung ra nhiều luận điệu độc hại.
Tại buổi họp báo ngày 26-3-2024, đại diện Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã cung cấp thêm nhiều thông tin mới xung quanh các vụ án tham nhũng, tiêu cực đang thu hút sự chú ý của dư luận gần đây. Đáng chú ý là các vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương; vụ án liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu “Pháo”). Đặc biệt, đối với vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu cho biết, bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhận hối lộ hàng tỷ đồng; bị can Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã nhận số tiền lên đến 64 tỷ đồng từ Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.
Lợi dụng tâm lý khinh ghét tham nhũng của người dân, các đối tượng xấu đã triệt để tận dụng để chọc xoáy, hướng lái tiêu cực. Thông qua mạng xã hội, chúng rêu rao cho rằng: “Còn chế độ độc tài đảng trị thì có đốt lò đến hết thế kỷ này cũng không hết tham nhũng”, “tham nhũng đã ăn sâu vào cơ chế với muôn hình vạn trạng”, “hạ bệ, thanh trừng được gọi mỹ miều là chống tham nhũng, tiêu cực”… Dĩ nhiên, sau những luận điệu này, các đối tượng xấu không quên “hiến kế” cho rằng “người dân phải đứng lên đấu tranh để thay đổi chế độ”, đòi Việt Nam phải thay đổi theo hướng “đa nguyên, đa đảng” (?!).
Xuyên tạc, chống phá công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta không phải là thủ đoạn mới. Đây là hoạt động thường xuyên các đối tượng xấu thực hiện để kích động sự hoài nghi, gây hoang mang dư luận cũng như gieo rắc mầm mống bất mãn trong xã hội.
Tham nhũng là một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội, gắn liền với sự tha hóa của quyền lực. Dĩ nhiên, tham nhũng không phải là “đặc trưng riêng” hay “sản phẩm riêng” của Việt Nam. Thực tế, tham nhũng là một nguy cơ mang tính chất toàn cầu. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế đã thông qua nhiều công ước để phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả. Theo đó, có thể kể đến là: Công ước chống tham nhũng của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ thông qua ngày 29-3-1996; Công ước chống tham nhũng trong Liên minh châu Âu do Hội đồng Liên minh châu Âu thông qua ngày 26-5-1997; Công ước Luật Hình sự về tham nhũng do Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu thông qua ngày 27-1-1999; Công ước của Liên minh các nước châu Phi về phòng, chống tham nhũng thông qua ngày 12-7-2003… Trong nỗ lực đẩy lùi tham nhũng ở phạm vi toàn cầu, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tham nhũng, có hiệu lực kể từ ngày 14-12-2005. Tính đến đầu năm 2020, Công ước quốc tế về chống tham nhũng của Liên hợp quốc đã có 187 quốc gia tham gia. Đây là một minh chứng rõ ràng bác bỏ các luận điệu quy chụp cho rằng “độc đảng lãnh đạo là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng”.
Với Việt Nam, hơn ai hết, Đảng, Nhà nước ta nhận thức rõ tham nhũng là một nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Không chỉ làm thiệt hại tài sản quốc gia, làm biến dạng hoạt động công vụ và xói mòn các giá trị đạo đức, văn hóa, tham nhũng còn là một thứ “giặc nội xâm” làm mất đoàn kết nội bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, việc kiểm soát quyền lực được chú trọng khi nhiều quy định đã được ban hành như: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đi liền với đó, công tác xử lý cán bộ vi phạm cũng được thực hiện quyết liệt, bài bản, đúng quy định pháp luật. Với nỗ lực làm trong sạch nội bộ, hàng loạt quan chức “nhúng chàm” đã bị đưa ra xử lý. Điều này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận cũng như góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm sự thượng tôn pháp luật.
Đảng ta thừa biết khi xử lý cán bộ vi phạm, các thế lực xấu sẽ lợi dụng để công kích, bôi nhọ Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta”. Tuy nhiên, chúng ta không sợ đối diện với những khuyết điểm, hạn chế trong Đảng. Thực tế, cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang thực hiện là một “cuộc chiến tự thân” để loại bỏ, đấu tranh với những “khối u ác tính” trong chính cơ thể mình. Với sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta phải không ngừng tự chỉnh đốn, thanh lọc chính mình để giữ vững bản chất cách mạng.
Anh Tú (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét