Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Đừng quá sính ngoại!

 

Thấy ông Phi, bạn hàng xóm đang lúi húi gấp đồ cho vào ba lô có vẻ chuẩn bị đi xa, ông Tài ngạc nhiên hỏi:

– Ông Phi định đi đâu mà thấy chuẩn bị đồ đạc lỉnh kỉnh thế?

– À, tôi đang chuẩn bị đồ để trưa nay lên thành phố trông cháu giúp vợ chồng con trai út. Rõ khổ! Đang đi học tự nhiên trường vỡ nợ, có nguy cơ giải tán, giờ bố mẹ chúng chẳng biết gửi con ở đâu?

Phòng, chống "diễn biến hòa bình": Đừng quá sính ngoại!

Ảnh minh họa:Internet 

Ông Tài hỏi dồn:

– Có phải cháu nội của ông học cái trường quốc tế gì đó mà mấy hôm nay trên ti vi nhắc đến liên tục không ông?

– Đúng rồi! Trường đó tên toàn tiếng nước ngoài nên tôi cũng không nhớ.

– Cái trường ấy tôi thấy có dấu hiệu lừa đảo đấy ông ạ! Khổ thân các cháu học sinh, đang yên đang lành tự nhiên lại chẳng được đi học nữa. Mà nói thật với ông, tôi chẳng thích mấy cái trường sính ngoại quá ấy đâu!

– Sao ông lại nói thế? Tôi thấy mô hình trường quốc tế hiện cũng khá phổ biến và có những mặt tích cực mà. Cơ bản là do chế tài, cách quản lý của ta thôi!

– Thì tôi thấy trường đó đặt trên đất nước ta, dạy các cháu người Việt Nam mà cả giáo viên lẫn học sinh đều chỉ giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, lại còn bỏ không dạy Lịch sử là môn rất quan trọng đối với mỗi người Việt Nam. Như thế, chẳng có nguy cơ làm các cháu học sinh “mất gốc”, không biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc; thậm chí gây nguy hại cho nước nhà hay sao? 

– Ông nói lạ! Làm gì có chuyện trường học mở trên nước mình mà lại không sử dụng ngôn ngữ của ta? Mà môn Lịch sử quan trọng thế, tôi nghĩ trường nào chẳng phải dạy, nhất là đối với các cháu học sinh tiểu học.

Thấy bạn vẫn nghi ngờ, ông Tài liền mở điện thoại, bấm bấm một hồi rồi đưa cho bạn:

– Đấy, ông đọc đi! Thông tin trên trang chủ của nhà trường do họ giới thiệu đấy nhé!

Ông Phi đọc một lượt phần giới thiệu của nhà trường, rồi hốt hoảng:

– Chết thật! Sao trường dạy cho thế hệ trẻ người Việt mà lại không sử dụng tiếng Việt nhỉ? Đã thế còn không đưa môn Lịch sử vào giảng dạy nữa? Như vậy làm sao mà đám trẻ thấm nhuần, hun đúc được tinh thần, cốt cách của người Việt Nam mình? Thảo nào lần trước cháu về quê, tôi dắt đến thăm mấy di tích lịch sử gần nhà thờ các anh hùng dân tộc, thấy cháu hờ hững lắm. Hỏi về các vị anh hùng, tướng lĩnh lừng danh của dân tộc mà cháu trả lời rất mù mờ, nhầm lẫn lung tung…

– Khi xem ti vi, lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên lắm, nhưng sau tìm hiểu mới biết, có một số trường khác cũng đang áp dụng phương pháp giảng dạy này. Thành thử nhiều học sinh mù tịt về lịch sử cha ông, truyền thống dân tộc. Cứ đà này, tôi lo sẽ có nhiều cháu thiếu tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, rỗng kiến thức lịch sử, văn hóa Việt, rồi chỉ nhìn đất nước, quê hương bằng ánh mắt tiêu cực… 

– Đúng vậy ông ạ! Ông nói làm tôi cũng thấy lo lắng. Chiều nay tôi phải góp ý với vợ chồng thằng út tìm trường khác cho con học! Trường quốc tế cũng tốt, hội nhập cũng tốt, nhưng vẫn phải giữ được nền tảng, cốt cách của người Việt Nam mình chứ ông nhỉ? Tiếng nước mình không thạo, lịch sử nước nhà không biết thì có giỏi đến đâu cũng chẳng trông mong gì đâu!

CHIẾN VĂN

Nhận xét