Phê phán quan điểm đối lập, tách rời Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Thời gian gần đây lại rộ lên nhiều bài viết, video clip tán phát trên các trang báo nước ngoài bằng tiếng Việt, mạng xã hội… với luận điệu cho rằng “Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời” và đưa ra lời khuyên:

“Đảng Cộng sản Việt Nam nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chỉ cần duy nhất tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng là đủ”, phải đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành Chủ nghĩa Hồ Chí Minh thông qua việc “tẩy sạch, làm sạch Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Luận điệu này nhằm xuyên tạc, chống phá, hòng đối lập, tách rời Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ hiện hành trên đất nước ta. Nhận diện, vạch trần thủ đoạn này là một nội dung căn cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Vạch trần bản chất, thủ đoạn của các luận điệu xuyên tạc

 “Đến hẹn lại lên”, cứ mỗi khi Đảng ta làm công tác chuẩn bị văn kiện cho đại hội đảng các cấp, các hội, nhóm, cộng đồng chống cộng, phản động lưu vong, cơ hội chính trị như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các trung tâm truyền thông đối lập… lại gia tăng các bài viết xuyên tạc, chống phá, trong đó tập trung mũi nhọn đánh phá vào nền tảng tư tưởng của Đảng, trực tiếp là xuyên tạc, phủ nhận vai trò nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Đảng ta.

Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường sử dụng gần đây chính là đánh tráo khái niệm, phủ nhận sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ xuyên tạc rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải là nhà tư tưởng”. Để chứng minh cho điều đó, cuối năm 2023, đầu năm 2024, trên trang BBC tiếng Việt và các trang mạng xã hội của Việt Tân… đã đưa ra nhiều bài viết, video clip với các luận chứng mang tính chủ quan, khiên cưỡng, xuyên tạc và vô lối khi cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn là sản phẩm chủ quan, duy ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam với mong muốn giữ lại quyền lãnh đạo của mình (?!).

Khi nói xấu, hạ bệ Chủ tịch Hồ Chí Minh không thành, với bản chất “tiền hậu bất nhất”, “đổi trắng thay đen” của những kẻ phản động, trơ trẽn, họ lại quay ra sử dụng bộ mặt giả tạo, ra vẻ ca tụng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận giá trị và hạ bệ Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cho rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin chủ trương đấu tranh giai cấp còn Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và là “người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải theo chủ nghĩa cộng sản…”(!), đây chính là sự khác biệt giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi đưa ra nhiều “cơn cớ” đầy tính ngụy biện, họ đi đến kết luận hàm hồ rằng: Lúc này, chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá và vì thế, cần loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phê phán quan điểm đối lập, tách rời Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn 

Thậm chí họ còn cho rằng phải đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành Chủ nghĩa Hồ Chí Minh thông qua việc “tẩy sạch, làm sạch Chủ nghĩa Mác-Lênin” để Chủ nghĩa Hồ Chí Minh thành nền tảng tư tưởng chủ yếu của Đảng. Đầu tiên, họ vin vào “yếu tố thời đại”, biện bạch rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại khoa học công nghệ, không phù hợp với văn hóa và thực tiễn Việt Nam. Họ còn vin vào cái cớ về “yếu tố địa lý” khi cho rằng: Nước Đức, nước Nga-quê hương của C.Mác và V.I.Lênin-ở phương Tây. Sự ra đời Chủ nghĩa Mác-Lênin ở bên ấy, cần cho bên ấy, còn Việt Nam ở phương Đông, cách nhau nửa vòng trái đất nên không phù hợp.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam

Những luận điệu xuyên tạc trên của các thế lực thù địch hoàn toàn đối lập với sự thật lịch sử. Đây thực chất là những quan điểm sai trái, xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh và mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin. Các quan điểm đó tưởng như là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng thực chất là nhằm tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác-Lênin; âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ định thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự dọn đường cho ý thức hệ tư sản xâm nhập vào Việt Nam; gián tiếp phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế đã và đang khẳng định bản chất cách mạng và khoa học, giá trị và sức sống bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin; cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản chân chính, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là thành viên của Quốc tế Cộng sản; đồng thời là người đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và trực tiếp gieo “hạt giống cộng sản” để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, Chủ nghĩa Mác-Lênin không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Xét về góc độ lịch sử, chính Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp nhất quyết định sự ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, có sự thống nhất về mặt cơ sở phương pháp luận với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này chính thức bác bỏ những quan điểm xuyên tạc cho rằng giữa hai học thuyết, tư tưởng này có sự đối lập và tách rời nhau. Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về tinh thần xử lý mọi việc. Ngoài ra, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa văn hóa của nhân loại… Như vậy, Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị ở Việt Nam khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam, trở thành nền tảng lý luận xuyên suốt của Đảng ta, thấm sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc, cội nguồn hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay”. Nếu không có Chủ nghĩa Mác-Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 15-7-1969, trong bài trả lời phỏng vấn cuối cùng trước phóng viên Sáclơ Phuốcniô của Báo L’Humanité (Pháp), Bác đã nói: “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Như vậy, từ lúc rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin cho đến tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn bó với Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng tình yêu và lòng biết ơn vô hạn.

Bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện mối quan hệ “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác-Lênin. Những luận điệu xuyên tạc trên đều là sai lầm, mục đích chính cũng là phủ nhận, tách rời nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tiễn Việt Nam đã chứng minh, trong suốt quá trình đổi mới, các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều khẳng định vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung và trong quá trình đổi mới nói riêng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng rút ra bài học số một sau 15 năm đổi mới là: Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó văn kiện khẳng định vị trí quan trọng của Cương lĩnh năm 1991: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh, một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Vì lẽ đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Điều này chứng tỏ luận điệu của các thế lực phản động cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập và tách rời với Chủ nghĩa Mác-Lênin”… chỉ là một sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của những kẻ có mưu đồ chính trị đen tối.

ĐÀO HIỆP – ĐỨC THUẬN – BÁ THANH

Nhận xét