Theo Đại tá Đoàn Đức Khánh, hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đó là lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt về ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến hay mặc cảm với chế độ xã hội.
Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đồng bào các dân tộc Việt Nam dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số, dù ở trong nước hay ngoài nước đều có chung cội nguồn dân tộc. Toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất. Dưới ách thống trị của các thế lực ngoại bang xâm lược, chúng đã nhiều lần chia cắt đất nước, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Cũng vì vậy, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực cố gắng để thực thi chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc, kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về nguồn cội, chung tay, góp sức xây dựng nước Việt Nam hùng cường. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Đoàn Đức Khánh, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng) để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa Đại tá Đoàn Đức Khánh, do đất nước bị chia cắt 21 năm trong chiến tranh, nhiều người do hoàn cảnh lịch sử đã đứng về phía bên kia chiến tuyến. Cũng do vậy, mà vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc đặt ra cho chúng ta nhiều trở ngại. Vậy, theo ông đâu được coi là mẫu số chung khi thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc?
Đại tá Đoàn Đức Khánh: Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đó là lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt về ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến hay mặc cảm với chế độ xã hội, mở rộng vòng tay đón nhận những người con hướng về Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con trở về để thăm người thân, hay thờ cúng tổ tiên, và có những đóng góp cho quê hương đất nước. Về các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại thì cũng được giải quyết một cách là có tình, có lý. Và trên cơ sở đạo lý là nhân văn, nhằm thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi thiết nghĩ việc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ người dân Việt Nam dù trong nước hay nước ngoài, quyền và nghĩa vụ này được Đảng, Nhà nước trân trọng và bảo đảm.
PV: Như vậy có thể thấy là dù mỗi người dân Việt Nam có khác nhau về dân tộc, tôn giáo, vùng miền, phong tục tập quán thậm chí là ý thức hệ…nhưng đều hướng về Tổ quốc, cống hiến phục vụ cho Tổ quốc. Đó là mẫu số chung phải không ạ?
Đại tá Đoàn Đức Khánh: Đúng như vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn đẩy mạnh chính sách hoà hợp dân tộc, xoá bỏ mặc cảm, xoá bỏ định kiến, xóa bỏ sự phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau hướng tới tương lai. Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc là Tổ quốc độc lập, lãnh thổ toàn vẹn, Nhân dân thì làm chủ, đoàn kết gắn bó máu thịt giữa người dân trong nước với kiều bào ở nước ngoài.
PV: Ngay từ năm 1959, chúng ta đã thành lập Ban Việt kiều Trung ương mà hiện nay là Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Qua tìm hiểu và theo dõi thì ông có thể cho biết những hoạt động mà Uỷ ban đã thực hiện trong thời gian qua để hàn gắn, kết nối đồng bào trên toàn cầu cùng hướng về Tổ quốc, thưa ông?
Đại tá Đoàn Đức Khánh: Thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, trong những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới; trại hè Việt Nam dành cho thế hệ trẻ kiều bào; tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa hằng năm, v.v.
Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức và có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước. Để giúp cho kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nắm vững và hiểu rõ về chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà Nước, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt việc đối thoại thông qua các hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, diễn đàn đối thoại về đầu tư và thương mại, gặp mặt kiều bào về thăm quê hương, đất nước, chương trình “xuân quê hương”… Từ đó để cho đồng bào ta bày tỏ tâm tư mong muốn của họ.
PV: Vậy, Đại tá có bình luận như thế nào về những ý kiến, quan điểm xuyên tạc cho rằng là ở Việt Nam không có hoà hợp dân tộc?
Đại tá Đoàn Đức Khánh: Trong thời gian vừa qua thì có một số quan điểm nói rằng, Việt Nam không có hòa hợp dân tộc thực sự. Tôi cho rằng, đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Chúng ta biết rằng các mâu thuẫn hoặc xung đột tộc người, tôn giáo thì thường bắt nguồn từ sự khác biệt, đối lập về hệ tư tưởng, về lợi ích kinh tế, về văn hóa giữa các tộc người. Mà điều này đã và đang diễn ra ở một số nước. Tôi lấy ví dụ như sự xung đột giữa những cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite hay các dòng khác nhau ở Syria hay Irắc, giữa Hồi giáo và Công giáo ở Philippines, ở Indonesia, hay giữa Hồi giáo và Phật giáo ở miền Nam Thái Lan… Còn vấn đề này thì ở Việt Nam hoàn toàn khác. Việt Nam tuyệt đối không có sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau, đặc biệt là giữa và người dân tộc Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Thường những ai hay tổ chức nào hay định kiến với chúng ta về chính sách hòa hợp dân tộc, thưa ông?
Đại tá Đoàn Đức Khánh: Những người trong tổ chức Việt Tân, hay khối 8406, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, họ chỉ nhân danh cho chính bản thân hoặc cho một nhóm người có cùng tham vọng, tung ra các chiêu bài lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin, những người không có chính kiến hoặc những người không có điều kiện nắm bắt tình hình. Các bài viết của họ trong suốt thời gian vừa qua đăng tải trên Internet, trên các trang mạng xã hội chỉ để thể hiện quan điểm cá nhân của nhóm người có tư tưởng đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc nên quan điểm đó không thể đại diện cho Nhân dân Việt Nam. Đó chỉ đơn thuần là những cách diễn đạt nhằm đánh tráo khái niệm, đánh lừa dư luận, hướng lái dư luận hay lập luận một cách rất mơ hồ, nhằm hướng đến mục đích là đòi đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thôi.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.
Nhận xét
Đăng nhận xét