Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống

 Để có thể làm tốt và hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không nên chỉ giới hạn công tác này trong phạm vi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận và học thuyết khoa học, mà cần mở rộng thêm ở góc độ: làm sao để biến nó thành niềm tin, lẽ sống của nhân dân.

NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN TRONG BỐI CẢNH MỚI

Trong tiến trình vận động và phát triển của nhân loại, niềm tin là một nhân tố hết sức quan trọng. Bất cứ quốc gia hay thể chế chính trị nào, muốn phát triển ổn định, bền vững và tiến tới một xã hội thái bình, thịnh trị thì những người lãnh đạo của quốc gia/thể chế đó phải đặt vấn về xây dựng niềm tin đối với nhân dân.

Trong một quốc gia có chính đảng lãnh đạo, điều kiện tiên quyết để chính đảng đó có thể tồn tại và phát triển là phải có nền tảng tư tưởng vững chắc, được thực tiễn kiểm nghiệm, thử thách, sàng lọc và phải gắn bó, thực sự trở thành một trong những niềm tin, lẽ sống của người dân. Khi đó, mọi chủ trương, đường lối, quan điểm… của chính đảng sẽ được người dân tin và làm theo như đối với một chân lý khách quan, một hệ giá trị thiêng liêng của cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của nền tảng tư tưởng không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chính đảng tạo ra nó mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan khác nhau, trong đó, niềm tin của quần chúng nhân dân là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại, tồn tại lâu dài hay kết thúc chóng vánh đối với nền tảng tư tưởng.

Là một đảng chính trị “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”(1) nên trong quan điểm và sự kiên định về lập trường tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2).

Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là bộ phận nền, gốc vững chắc bao gồm những quan điểm, hệ thống tri thức lý luận cũng như thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá đối với hiện thực khách quan một cách khoa học, đúng đắn mà trên đó những bộ phận khác của Đảng như Cương lĩnh, chủ trương, đường lối, quan điểm, thái độ… được xây dựng và phát triển. Điều này, không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam xác định nền tảng tư tưởng của Đảng ta là một bộ phận quan trọng bậc nhất trong việc gìn giữ và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh mới, các thế lực thù địch ngày càng ráo riết chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, trong đó, nguy hiểm hơn cả là những âm mưu, hành động nhằm làm cho người dân suy giảm, mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Để gieo rắc sự hoài nghi hòng hướng tới phủ nhận, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, các thế lực thù địch đã “dẫn dụ” bằng nhiều chiêu trò, luận điệu thâm độc như: 1) Đưa ra những “lý luận” xuyên tạc rằng việc kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua là ý muốn chủ quan duy ý chí, là một cách “chỉ để giữ đặc quyền” và “không đem lại lợi ích cho toàn dân Việt Nam”(!?). 2)Xuyên tạc rằng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “vật cản” đối với sự phát triển đất nước(!?). 3) Ngụy tạo rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang có sự “Khủng hoảng lý luận” bởi “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin giúp cải cách thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường? và những nội dung cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng là chỉ để phục vụ cho Đảng và không đề cập đến các vấn đề trọng đại của quốc gia(!?). 4) Cổ xuý và bịa đặt rằng “Khi lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu”(!?)…

Có thể thấy, những luận điệu xuyên tạc, chống phá đang âm thầm len lỏi, “bám rễ” vào đời sống xã hội và đã ít nhiều gây ra những hệ luỵ nguy hiểm.

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRỞ THÀNH NIỀM TIN, LẼ SỐNG CỦA NHÂN DÂN?

Thứ nhất, sẽ là hoàn chỉnh hơn về mặt ý nghĩa và giá trị khi nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ dừng lại ở phạm vi một học thuyết, một hệ thống khoa học lý luận… mà cần phải thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào quần chúng nhân dân. Nói cách khác, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng vào quần chúng nhân dân theo hướng: dễ hiểu, dễ thuộc, dễ vận dụng.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nội hàm khái niệm về các tri thức liên quan đến nền tảng tư tưởng của Đẩng thường mới “dừng lại” ở những người có học vấn cao, mà chưa thật sự lan tỏa một cách sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân nói chung. Dường như, người dân vẫn còn “xa lạ” và chưa thực sự hiểu biết, tỏ tường về nền tảng tư tưởng của Đảng! Trong khi đó, nếu so sánh (dù là “khập khiễng”) chúng ta sẽ thấy “mức độ phổ quát” của thánh kinh, giáo lý, điều răn… trong các tôn giáo rộng hơn nhiều. Sở dĩ các thánh kinh, giáo lý, điều răn… trở thành “máu thịt”, hơi thở, tâm hồn của tín đồ, vì bên cạnh việc các tôn giáo, tín ngưỡng vẫn giữ nguyên được hồn cốt giáo lý, kinh kệ cùng những triết lý cao siêu, họ còn tiến hành công việc “đại chúng hóa” “tuyên truyền” các vấn đề này ở nhiều cách thức khác nhau (viết thành thơ, châm ngôn, cách ngôn răn dạy…), giúp con chiên, tín đồ dễ nhớ, dễ thuộc và dễ vận dụng vào đời sống. Và vì thế, họ sớm hình thành nên “Đức tin”.

Lâu nay, chúng ta cũng đã quan tâm đến việc nghiên cứu và tuyên truyền các tác phẩm kinh điển của các nhà tư tưởng lỗi lạc (C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh…) và các tác phẩm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công việc này hết sức ý nghĩa trong việc giữ gìn và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là khi hiện nay thế giới đang đa chiều, nhiễu loạn về thông tin. Song, việc học tập, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển này chỉ mới dừng lại ở những đối tượng người học nhất định (chủ yếu là cán bộ, giảng viên của các Trường, các Học viện chính trị, các Viện nghiên cứu; và những người được đi học, thường phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định) mà chưa được mở rộng. Thực tiễn cho thấy, khi học tập, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ít người mới vỡ lẽ: Lâu nay, có những tri thức mà vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, họ vẫn thường hiểu nhầm, hiểu sai; vận dụng nhầm, vận dụng máy móc!

Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để những giá trị tốt đẹp trong nền tảng tư tưởng của Đảng thật sự lan tỏa, phổ quát đến với tất cả người dân, để nhân dân thực sự thấm nhuần, coi đó là niềm tin, lẽ sống trước mỗi hành động, việc làm, trước mỗi vấn đề của đất nước…

Thứ hai, phải dựa vào nhân dân, xem nhân dân là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Muốn nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống của nhân dân, thì cần phải dựa vào nhân dân.Nhân dân chính là “tai mắt” của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Người dân luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, tiếp xúc với mọi đối tượng; có khả năng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông một cách hiệu quảnên dễ dàng nhận diện được đối tượng cùng các nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Không chỉ vậy, với nhiều thành phần, giai tầng, lứa tuổi, cả trong và ngoài nước, người dân Việt Nam cũng chính là một trong những chủ thể sáng tạo ra những nội dung, phương thức để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả – từ tự phát sang tự giác, từ đơn lẻ sang phối hợp để cùng đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc; phản bác các luận điệu xuyên tạc một cách kịp thời, hiệu quả, thuyết phục.

Các tầng lớp Nhân dân còn là “bức trường thành” vững chắc để ngăn chặn những luận điệu sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đảng ta là Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, vậy nên, bảo vệ Đảng cũng chính là cách người dân bảo vệ mình!

Dựa vào nhân dân, “Lấy dân làm gốc” chính là cách tạo nên “thế trận lòng dân” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(3).

Thứ ba, phải giúp nhân dân hiểu hiểu đúng, hiểu rõ: nền tảng tư tưởng của Đảng ta không phải tự nhiên mà có, không phải là sản phẩm chủ quan duy ý chí… mà là một hệ thống tư tưởng, quan điểm được xây dựng một cách khoa học, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử dân tộc, luôn được bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng chúng ta không sao chép nguyên xi và cũng không tuyệt đối hóa vấn đề này, ngược lại, luôn vận dụng một cách sáng tạo, có sự điều chỉnh, bổ sung và phát triển để phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và Người cũng là người đầu tiên vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin lên một tầm cao mới trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, từ đó đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình trồng cam tại huyện Cao Phong, Hòa Bình ngày 14 -15/5/2017.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình trồng cam tại huyện Cao Phong, Hòa Bình ngày 14 -15/5/2017.

Trong quá trình Đảng lãnh đạo và xây dựng đất nước, đặc biệt là trong xây dựng CNXH, Đảng ta cũng đã có những sai lầm, khuyết điểm, gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế… nhưng nhìn một cách tổng thể, nhất là khi đặt trong tương quan về góc độ quản trị quốc gia, thì kết quả là chúng ta đã có những thành tựu to lớn, trong đó kinh tế – xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước luôn có sự đổi mới nhận thức, và từ đó đổi mới trong thực tiễn xây dựng CNXH.

Theo nguyên tắc sự phát triển của nhận thức, có những cái trước, nay sau đều đúng; nhưng cũng có những cái trước đúng nay cần phải bổ sung hoàn thiện theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, và có những cái trước đúng nhưng nay không còn phù hợp. Vậy nên, trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, cần phải tiếp tục xác định “cái gì vẫn còn đúng và vẫn còn có giá trị lâu dài; cái gì trước kia chúng ta hiểu không đúng nay phải điều chỉnh lại cho đúng; cái gì ngay từ thời các nhà kinh điển đã thừa nhận là không đúng, cái gì đã bị thực tiễn vượt qua, đặc biệt là thực tiễn ở Việt Nam mà chúng ta cần bổ sung phát triển”(4). Xác định được điều này nghĩa là chúng ta thêm một lần nữa làm sáng tỏ các giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin và “không thể đổ cho học thuyết Mác – Lênin có lỗi trong những khó khăn, hạn chế, sai lầm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước”(5).

Thứ tư, cần phải làm tốt hơn nữa công tác chăm lo và nâng cao đời sống cho người dân, làm cho người dân ngày càng hạnh phúc hơn.

Hạnh phúc không chỉ đơn thuần ở sự thỏa mãn, đầy đủ về vật chất, mà còn thể hiện mãnh liệt ở khía cạnh tinh thần; hạnh phúc chính là chìa khóa khai phóng niềm tin và lý tưởng cho con người. Một khi đời sống của người dân được bảo đảm, không chỉ biết “ăn no mặc ấm” mà còn là “ăn ngon mặc đẹp”, không chỉ biết nhìn nhận mà còn biết cảm nhận và cảm thụ các giá trị khoa học, văn hóa nghệ thuật… thì người dân sẽ càng có cơ sở để nhận biết và tin tưởng hơn vào nền tảng tư tưởng của Đảng và xem đó là niềm tin, lẽ sống.

Bác Hồ thăm nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (1958).

Bác Hồ thăm nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (1958).

KHI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG THỰC SỰ TRỞ THÀNH NIỀM TIN, LẼ SỐNG

Hơn tất cả, niềm tin là sức mạnh cố kết toàn dân tộc Việt Nam. Vậy nên, khi một hệ thống tri thức lý luận, một học thuyết, hệ tư tưởng của Đảng thực sự trở thành niềm tin, lẽ sống trong mọi tầng lớp nhân dân thì chắc chắn sẽ sản sinh ra những “quả ngọt” làm cho đời sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Cụ thể là:

 Sẽ góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị một cách hiệu quả.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Thời gian qua, Đảng ta đã và đang thực hiện rất tốt công tác này trên tất cả các mặt, các lĩnh vực. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn đó không ít vấn đề gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, trong đó có tình trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền, cán bộ quan liêu, sách nhiễu người dân… và đây cũng chính là “luận cứ, luận điểm” để các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng, tăng cường xuyên tạc, bịa đặt, chống phá.

Vậy nên, xây dựng và chỉnh đốn Đảng không phải là công việc của riêng Đảng và các đảng viên, mà cũng phải là công việc của người dân, bởi lẽ người dân chính là “thước đo” để đánh giá kết quả của công việc hệ trọng này. Khi đã hình thành được niềm tin, người dân sẽ có cơ sở để “biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra”, “giám sát” và “thụ hưởng”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc: công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị sẽ ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Sẽ củng cố, phát triển sự đồng thuận xã hội bền vững, góp phần loại bỏ những thông tin sai trái, xấu độc.

Đồng thuận xã hội chính là một trong những “kháng thể” hiệu quả nhất để nhân dân chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là khi các luận điệu này đang ngấm ngầm len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống và làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ hình thành những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Trước hết, nhân dân sẽ có thái độ nhận thức tích cực đối với các vấn đề nổi cộm của xã hội, như công tác phòng, chống tham nhũng; công tác bảo đảm an ninh – quốc phòng; các chính sách xây dựng và phát triển văn hóa, dân tộc, tôn giáo…. Tiếp đến, người dân sẽ thấy được sự hợp lý, khoa học từ các quan điểm, đường lối của Đảng và sẽ tự nguyện, vui vẻ thực hiện, vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Sau cùng, những thông tin sai trái, xấu độc sẽ không có cơ hội bám rễ vào đời sống của người dân, chúng sẽ phải tự hủy trước niềm tin vững chắc mà nhân dân dành cho Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những “quả ngọt”, chúngta phải thẳng thắn nhìn nhận ở chiều ngược lại, đó là những hệ lụy, những “trái đắng” khi nền tảng tư trưởng của Đảng trở nên xa lạ và không trở thành niềm tin, lẽ sống của người dân. Trước hết, đó là khoảng cách giữa nhân dân với Đảng sẽ ngày càng xa. Đó là khi người dân mất niềm tin và cho rằng nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ đơn thuần là một học thuyết, là sản phẩm “chủ quan duy ý chí” của những người cầm quyền không thực sự vì dân… Lúc đó người dân sẽ thờ ơ, hoài nghi, từ bỏ và rồi sẽ “đi tìm một điều gì khác” để giải tỏa, thỏa mãn những ước muốn, những trạng thái tinh thần mà họ đang thiếu hụt. Lịch sử ra đời của các tôn giáo, tín ngưỡng đã cho thấy: Khi người dân cảm thấy lạc lõng, nhỏ bé, khi cuộc sống trở nên mất phương hướng thì họ sẽ tìm đến một thế lực nhất định để gửi gắm, ký thác niềm tin. Tiếp đến, khi không có chí hướng, không xác định được lý tưởng, mục đích sống…, người dân sẽ mất đi khả năng định hướng trong đời sống xã hội. Nhân dân sẽ không đồng lòng, chung tay với Đảng và Nhà nước để xây dựng các vấn đề trọng yếu của quốc gia. Sự hài lòng với đảng cầm quyền và hệ thống chính trị sẽ bị giảm sút, cùng với đó, tất cả các yếu tố tiêu cực sẽ được dịp kích hoạt, nảy nở, sinh sôi… và rồi những luận điệu xuyên tạc, phản động sẽ càng có cơ hội nẩy mầm, bén rễ trong đời sống, trong nếp nghĩ của người dân. Và sau cùng, mầm mống của sự phân rã xã hội sẽ vì thế có cơ hội nảy nở, sinh sôi. Kết cục là những hậu quả tồi tệ từ những bất ổn chính trị – xã hội!

*         *         *

Trong cuộc sống, phàm khi con người đổ vỡ niềm tin thì tất yếu sớm muộn cũng dẫn đến sự hoang mang, sợ hãi, và rồi sẽ nghe và làm theo một cách mù quáng trước những dẫn dụ của những kẻ phi thiện. Ngược lại, khi đã có niềm tin – được hình thành trên cơ sở khoa học, được kiểm chứng bởi lịch sử, được xây dựng từ một chính đảng hết lòng phụng sự nhân dân – thì con người sẽ tạo ra cho mình một thế giới quan đúng đắn, nhân văn; xác định được lý tưởng, lẽ sống cao đẹp; thực tâm đồng thuận, “chung lưng đấu cật” xây dựng một xã hội “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những kết quả đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng không phải là những thứ trừu tượng, mơ hồ; thành quả kinh tế – xã hội có được như hiện nay không phải là kết quả của một sự mạo hiểm hay ăn may, mà đó là do “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” bởi ý Đảng với lòng dân. Vì thế, khi nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống trong quảng đại quần chúng nhân dân thì chắc chắn không có khó khăn, trở ngại, thử thách nào mà đất nước ta, Đảng ta, nhân dân ta không thể vượt qua; chắc chắn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ sớm trở thành hiện thực./.

TS. BÙI TIẾN SỸ
Học viện Chính trị khu vực III

_________________

(1) Hiến pháp nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam (2013), Mục 2, Điều 4.

(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr. 4.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t. 2, tr. 27-28.

(4) Nguyễn Hùng Hậu: Phê phán sự phê phán thiếu tính khoa học đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong cuốn “Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”,Nxb. Lý luận Chính trị, H, 2019, tr.103.

(5) Tạ Ngọc Tấn: Chủ nghĩa Mác – Lênin không thể lỗi thời, trong cuốn “Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”,Sđd, tr.tr. 66.

Nhận xét