Lê Bá Vịnh
VOA vừa lại đưa tin: Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa nhắc đến nhà hoạt động Phạm Đoan Trang – người đang bị chính quyền cầm tù vì các hoạt động báo chí độc lập nhân dịp diễn ra lễ trao giải thưởng phụ nữ can đảm quốc tế năm 2024. “Ai là hình tượng người phụ nữ can đảm của bạn?”- Đại sứ quán Mỹ đặt câu hỏi cho độc giả Việt Nam hôm 12/3 trên trang Facebook chính thức của cơ quan ngoại giao này. Nếu đúng như những gì mà VOA loan tin thì đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan ngoại giao Mỹ có những “hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước”- theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Về nhân vật Phạm Đoan Trang thì đó là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang) từng là một phóng viên, có thời gian công tác tại các cơ quan báo chí Nhà nước, tuy nhiên, do tiêm nhiễm của các trào lưu, tư tưởng “cấp tiến”, “đổi mới”, “xã hội dân sự” phương Tây, từ đó con người này đã trượt dài trong nhận thức, quan điểm, tư tưởng chính trị, sa vào chống Đảng, Nhà nước, chống chế độ. Với vỏ bọc là “nhà đấu tranh dân chủ”, “người bất đồng chính kiến”, Phạm Đoan Trang đã có nhiều hành vi chống đối quyết liệt, tên tuổi của Phạm Đoan Trang gắn liền với những tài liệu “sặc mùi” phản động như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”,… (từng được các tổ chức chống đối bên ngoài ví như “cẩm nang” để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam). Phạm Đoan Trang cũng được biết đến với vai trò là “thủ lĩnh” của các hội, nhóm có cái tên mỹ miều nhưng lại hoạt động bất hợp pháp như “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương” – tập hợp thành phần có tư tưởng cực đoan, bất mãn với Đảng, Nhà nước trong trí thức, văn nghệ sĩ. Không những thế, Trang còn lập ra và điều hành nhiều trang mạng để tuyên truyền, tán phát các tin, bài có nội dung phê phán, phủ định, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; phê phán, bác bỏ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…Ngay từ khi diễn ra các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử Phạm Đoan Trang trong vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” với những hành vi nói trên các trang mạng truyền thông chống phá Việt Nam ở nước ngoài đã có những điệp khúc “kêu oan” cho bị cáo Phạm Thị Đoan Trang. Họ đưa ra các bài viết tô vẽ hình tượng, tạo dựng một bị cáo “giữ vững chí khí”, lập luận rằng Phạm Thị Đoan Trang không phạm tội, cần “trả tự do ngay lập tức”! Cũng với cách tiếp cận này, VOA và một số trang mạng còn dùng chiêu “cập nhật diễn biến phiên toà”, cố tình đưa thông tin, hình ảnh trong và ngoài phiên toà, thông tin về sức khoẻ, thái độ bị cáo, về thân nhân, việc tranh tụng tại toà với những tin giật tít không đúng như thực tế… nhằm tạo điểm nhấn gây chú ý như là một sự kiện “bất thường”! Không ít bài viết lấy cớ “minh oan” cho bị cáo, đưa ra lời lẽ phê phán, đả kích phiên toà, đả kích nền tư pháp Việt Nam, từ đó coi đây là “dẫn chứng” để rêu rao trước công luận về “phiên toà bịt miệng”, một thể chế người dân bị bỏ tù vì “dám lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ”! Điều đáng nói là, sự tung hô, đánh tráo bản chất vụ án của các trang mạng truyền thông này được sự hậu thuẫn từ những tuyên bố sai lệch của một số cơ quan ngoại giao. Ngay sau khi kết thúc phiên toà, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu “Hoa Kỳ hết sức lo ngại trước bản án được giữ nguyên và bản án 9 năm tù đối với tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Thị Đoan Trang”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng, việc bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục bị giam giữ là trường hợp mới nhất trong “một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”. Từ đó, bản tuyên bố “kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang” và tạo nhiễu trong dư luận, cố tình làm cho công luận hiểu sai lệch về pháp luật và chế độ Nhà nước Việt Nam!
Trước đó, cũng chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao cái gọi là “Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm quốc tế (IWOC) năm 2022” cho Phạm Thị Đoan Trang với những lý do rất dễ tạo cớ cho các thế lực chống phá Việt Nam “bấu víu”. Cùng với đó, tuyên bố của người phát ngôn EU cũng đưa ra những thông tin lệch lạc khi cho rằng, tòa phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án đối với Phạm Đoan Trang với “tội danh mơ hồ”, “bắt giữ tuỳ tiện”, từ đó đưa ra những bình luận sai trái: “Nhiều vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”. Như vậy, những phát ngôn mang tính che chắn, “bảo hộ” cho Phạm Đoan Trang của các cơ quan Ngoại giao Mỹ trong mấy năm qua đã vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo đó tại khoản 1, Điều 1 của Công ước đã quy định rõ: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi quốc gia trong việc tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế – xã hội; tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài; quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự; tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý. Tất cả quyền nêu trên của mỗi dân tộc đều được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng, không một nước hay tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Đặc biệt, khi xác quyết các quyền tự do và quyền con người nói chung, tại khoản 3, Điều 29 trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc đã quy định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định.
Còn “Ai là hình tượng người phụ nữ can đảm của bạn” ư? Thiết nghĩ nếu Mỹ muốn thực sự tôn vinh và trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” thì nên trao cho bà Susan Schnall, 78 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Mỹ tại New York. Cách đây 56 năm, vào ngày 12/10/1968 bà Susan Schnall đã tổ chức một đợt rải truyền đơn từ trên máy bay của một người bạn ở khu vùng vịnh San Francisco. Nội dung truyền đơn thông báo về một cuộc tuần hành vì hòa bình của các cựu chiến binh và lính Mỹ tại các căn cứ quân sự trong vùng vịnh này và Bệnh viện Hải quân Oak Knoll nơi bà làm việc. Trong trang phục quân nhân, bà luôn hô vang khẩu hiệu “Hãy đưa những người con trai nước Mỹ còn sống trở về” và tích cực tham gia biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì những hành động đó, tháng 2/1969 bà đã bị bắt, đưa ra tòa án binh, bị kết án 6 tháng tù giam và sa thải khỏi lực lượng vũ trang. Mục đích của giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” là tôn vinh những người “can đảm, tháo vát và sẵn sàng hy sinh vì những người khác” thì việc làm của bà Susan Schnall không những đủ mà còn quá thừa tiêu chuẩn mà Bộ Ngoại giao Mỹ đề ra. Cuối cùng, muốn nói rằng: Dù Mỹ là một siêu cường có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị thế giới thì cũng nên nhận thấy mỗi quốc gia, dân tộc đều có quyền tự quyết về thể chế chính trị, tự do phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với truyền thống, lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý của mình. Không một tổ chức hay quốc gia nào có quyền quy chụp hay áp đặt tiêu chí tự do ngôn luận, tự do báo chí của quốc gia mình đối với quốc gia khác có chủ quyền. Chính vì thế, việc các cơ quan Ngoại giao Mỹ cố tình “bảo hộ”, thậm chí vinh danh những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam như Phạm Đoan Trang chính là đã can thiệp một cách trắng trợn vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Việt-Mỹ đã nâng lên một tầm cao mới: Đối tác chiến lược toàn diện thì những hành động này hoàn toàn không phù hợp cho sự củng cố và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Cần dừng lại những chiêu trò này để góp phần thúc đẩy mối quan hệ bang giao giữ hai quốc gia theo đúng tinh thần mà các nguyên thủ của hai nước đã cam kết, yêu cầu VOA không đăng tải những bài viết xuyên tạc sai lệch nhằm công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nguồn: ivanlevanlan.wordpress.com
Nhận xét
Đăng nhận xét