Không có ngày 30-4-1975 không có nước Việt Nam thống nhất

 

Facebook

Twitter

Email

In

Telegram

GS,TS Đàm Đức Vượng

Trong lúc nhân dân ta sôi nổi kỷ niệm lần thứ 49, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2024), thì gần đây, các thế lực chống đối lại tung lên trên mạng hàng loạt bài viết đả kích vào ngày 30-4-1975, ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Họ cho ngày 30-4-1975 là ngày quốc hận. Họ viết: “Tháng 4 vẫn là một kỷ niệm đau buồn cho những người ly hương vì mất nước. Gần đến ngày quốc hận, trên các trang mạng gần đây những hình ảnh của ngày 30-4-1975 đau thương đó: Hình ảnh của từng đoàn người dắt díu nhau tay bồng tay bế, lếch thếch gánh gồng, có những cặp mắt thất thần vì sợ hãi, có những cặp mắt mở to nhìn vào con đường đang bước tới và họ không biết sẽ đi về đâu?”. “Mỗi năm đến ngày 30-4 thì vết thương lại nhức nhối trong lòng”. “Tháng 4 quốc hận, xin nghiêng mình tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi không đến bến bờ và xin ngưỡng mộ những người đã bỏ hết những gì có được, ra đi để lập lại cuộc đời trên đất nước tự do”. Họ cố tình gây chia rẽ giữa miền  Bắc và miền Nam: “Việc Mỹ đổ cả nửa triệu quân vào miền Nam Việt Nam để giúp miền Nam chống lại sự xâm lấn của miền Bắc. Như vậy nó chỉ là hậu quả chứ không phải nguyên nhân. Nói cách khác, nếu miền Bắc không mưu toan đánh chiếm miền Nam, chả có lý do gì để Mỹ đổ quân vào miền Nam cả”. “Nếu miền Bắc đừng phát động chiến tranh thì tình hình chính trị Việt Nam hiện nay sẽ ra sao? Thì tất cả những tai họa của chiến tranh sẽ không có. Thì cả hai miền sẽ có hòa bình sẽ có hòa bình và nhờ hòa bình sẽ được phát triển nhanh chóng”. “Nói tóm: Chả có lý do gì chính đáng để tiến hành cuộc chiến đẫm máu kéo dài cả 20 năm ấy cả”. Rồi họ tự đặt câu hỏi: “Chiến tranh Việt Nam có thực sự cần thiết không?”. Theo họ thì “không cần thiết”…

Những câu trích trên đây của một số người khác chính kiến chứng tỏ rằng, họ không muốn đất nước thống nhất, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam từ xưa tới nay là muốn có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ, giàu mạnh. Họ phủ nhận đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Vì vậy, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam để giành lại thống nhất đất nước là thực sự cần thiết, có thể nói là quy luật tất yếu.

Ngày 30-4-1975 không phải là ngày quốc hận, mà là ngày quốc gia độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày mở ra một trang sử mới hào hùng cho dân tộc Việt Nam. Không chỉ nhân dân miền Bắc, mà cả nhân dân miền Nam Việt Nam, nhân dân cả nước đều mong muốn đất nước có một ngày thống nhất như thế. Vì vậy, người nói ngày 30-4-1975 là ngày quốc hận, người đó đi ngược lại với dòng chảy của lịch sử.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và thông minh của quân và dân ta, đặc biệt là các đảng bộ miền Nam, các cán bộ và chiến sĩ công tác và chiến đấu ở miền Nam và hàng chục triệu đồng bào cả nước trên tuyến đầu Tổ quốc đã nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của chế độ xã hội ở miền Bắc, một chế độ hoàn toàn mới trong lịch sử nước nhà, nhờ phát huy ý thức làm chủ của nhân dân lao động và tính ưu việt của những quan hệ mới, đã tạo nên sức mạnh cực kỳ to lớn, bảo đảm cho miền Bắc vừa xây dựng, vừa chiến đấu để tự bảo vệ lấy những thành quả của mình, đồng thời, động viên ngày càng nhiều sức người, sức của để chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai sinh nền cộng hòa dân chủ Việt Nam, người vun trồng khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân ta, người anh hùng dân tộc vĩ đại, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế.

Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước thể hiện vai trò to tớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngày nay, đã trở thành một đảng Mác – Lênin vững mạnh, một đảng tôi luyện về chính trị, dày dạn kinh nghiệm trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Kết quả của ngày 30-4-1975 là thành quả tiếp theo của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chiến chống Pháp xâm lược Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công chứng tỏ trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa bị thực dân, đế quốc thống trị, khi có một đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, sáng tạo; biết nắm bắt thời cơ, thời cuộc, biết phát động nhân dân. Cách mạng tháng Tám là một cuộc khởi nghĩa kết hợp khéo léo giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy của toàn dân đã bị thực dân, đế quốc, phong kiến đè nén lâu ngày. Cách mạng tháng Tám đã viết lên bản anh hùng ca của thời đại mới.

Tiếp theo Cách mạng tháng Tám là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp  xâm lược. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là “thắng lợi đầu tiên của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh”1; là “thắng lợi đầu tiên của sự kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng, dùng chiến tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng và tiến hành cách mạng trong chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chế độ mới trong chiến tranh”2; là “tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đặt cơ sở vững chắc cho kháng chiến chống Mỹ và cả cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ đấy về sau”3.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như là một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng người về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”4.

Đối với nhân dân ta, thắng lợi đó đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó kết thúc vẻ vang quá trình ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước và bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của các lực lượng đế quốc vào các lực lượng cách mạng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, đem lại lòng tin và niềm tin phấn khởi cho nhân dân thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thực dân và đế quốc rất ngoan cố, không bao giờ chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Nếu không tiến hành chiến tranh cách mạng chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, cứu nước, thì Việt Nam không bao giờ có được độc lập, thống nhất như bây giờ. Đừng có nuôi ảo tưởng viển vông cho rằng, thực dân, đế quốc sẽ trao trả nền độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam mà không cần đến chiến tranh cách mạng.

Nhớ lại năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”5.

Vấn đề là như vậy. Những người cố tình bôi nhọ lịch sử, xuyên tạc ngày 30-4-1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất định bị dư luận xã hội lên án.

——

1. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 12.

2. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 13.

3. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 13.

4. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV  do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày ngày 14-12-1976, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 37, tr. 471.

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 534.

Nhận xét