Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can để điều tra, làm rõ các tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Lợi dụng mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và sự quan tâm của dư luận, các đối tượng xấu đã tung ra nhiều luận điệu suy diễn, xuyên tạc thiếu căn cứ để công kích chính quyền.
Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, nhiều cán bộ chủ chốt của các địa phương đã “nhúng chàm” và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Có thể kể đến các bị can: Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Đặng Văn Minh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Đặng Trung Hoành, nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long… Việc cơ quan chức năng mạnh tay đưa cả “củi khô” lẫn “củi tươi vào lò” thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật, kiên quyết không bao che, thỏa hiệp cho vi phạm, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì. Tuy nhiên, đứng “bên kia chiến tuyến”, các thế lực thù địch, phản động, chống đối lại lợi dụng việc xử lý cán bộ vi phạm để tung ra nhiều luận điệu, thông tin sai trái, độc hại nhằm chống phá chính quyền. Chúng cho rằng: “việc xử lý vi phạm thực chất chỉ là cuộc chiến tranh giành quyền lực”, “khi cần thêm củi để ném vào lò hoặc cần hạ bệ ai đó trong cuộc tranh giành quyền lực, các tì vết của họ đã có trong quá khứ sẽ bị những kẻ gọi nhau là đồng chí lôi ra”, “cuộc đấu tranh giữa các phe nhóm lợi ích đã biến thái thành các cuộc thanh toán nhau có màu sắc mafia”, “người dân lẫn các đảng viên bình thường đều nhận thấy tham nhũng có tính đảng”… Đồng thời, chúng cũng tô vẽ ra nhiều “thuyết âm mưu”, thêu dệt nên nhiều mối quan hệ giữa các bị can trong vụ án với một số quan chức đang đương nhiệm để hướng lái dư luận một cách tiêu cực.
“Chính trị hóa” vụ án hình sự là thủ đoạn không mới. Bất cứ vụ án nào liên quan đến quan chức bị đưa ra ánh sáng, các “nhà dân chủ” đều ngay lập tức tìm mọi cách để phù phép, tô vẽ vào đó màu sắc chính trị. Dĩ nhiên, vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn cũng không là ngoại lệ. Trước đó, trong các vụ án liên quan đến Việt Á hay “chuyến bay giải cứu”, các đối tượng xấu cũng thực hiện chống phá bằng thủ đoạn tương tự. Mục đích mà chúng hướng đến là tạo ra những “ma trận thông tin”, đan xen thật – giả để tìm cách hướng lái, tác động, làm lung lay nhận thức, tình cảm của người dân với Đảng.
Theo kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chỉ riêng 2 dự án tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn Phúc Sơn đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước 640 tỷ đồng thông qua thủ đoạn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế. Mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra còn phát hiện các hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi. Có thể thấy, những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm biến dạng hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Đây là một trong những vụ án điển hình thể hiện sự móc nối, câu kết giữa các đối tượng phạm tội kinh tế và quan chức trong hệ thống chính quyền. Một vòng xoáy “tiền – quyền” đã được hình thành, biến một doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi cấp huyện, mức độ vừa phải bỗng “vươn mình mạnh mẽ” để trúng nhiều dự án từ Bắc vào Nam. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm. Việc xử lý cán bộ “nhúng chàm” là điều hoàn toàn bình thường, theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và khẳng định tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Bởi vậy, chẳng có lý do gì để giới “dân chủ” truyền tai nhau những luận điệu độc hại như nêu trên. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành các biện pháp điều tra để làm rõ sai phạm. Đồng thời, kêu gọi các đối tượng liên quan trong vụ án khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Với sự quyết liệt nêu trên, chắc chắn những người vi phạm sẽ bị đưa ra xử lý đúng người, đúng tội.
Trong nhiều năm qua, các đối tượng xấu luôn lợi dụng việc Đảng ta xử lý đảng viên sai phạm để quy chụp cho rằng “trong Đảng toàn cán bộ suy thoái, tham nhũng”. Tuy nhiên, nếu Đảng chỉ “toàn cán bộ suy thoái, tham nhũng” thì chắc chắn việc xử lý tham nhũng không thể thực hiện mạnh mẽ như hiện nay. Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc “tự cách mạng” mà Đảng ta đang thực hiện. Trong cuộc “tự cách mạng” này, đối tượng đấu tranh chính là những đảng viên, cán bộ trong nội bộ. Do vậy, để chống tham nhũng thành công cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của đại đa số đảng viên – những người đảng viên chân chính. Việc xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực là việc làm vô cùng đau đớn, nhưng Đảng ta không còn lựa chọn nào khác. Đảng viên vi phạm về tham nhũng, tiêu cực như những tế bào ung thư, nếu không loại bỏ thì nó sẽ lan truyền, di căn gây ảnh hưởng tới cả cơ thể. Chống tham nhũng là để loại bỏ ra khỏi nội bộ những đảng viên không giữ vững tính Đảng, đã phản bội lời thề khi vào Đảng, đã tự biến mình thành tội đồ của dân tộc.
Sinh thời, Lênin đã nhấn mạnh: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”. Việc Đảng ta xử lý đảng viên vi phạm cho thấy rõ sự dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với những “góc khuất” trong nội bộ. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, sẵn sàng nói lên những nhược điểm của chính mình, không ngừng tự rèn luyện, chỉnh đốn Đảng, chắc chắn vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và xã hội sẽ ngày càng được củng cố vững chắc.
Anh Tú (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét