Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, tư tưởng chỉ đạo nhất quán của Đảng về vấn đề dân tộc luôn được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn khách quan. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai trong thực tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng đã và đang bị các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lợi dụng vấn đề dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tập trung triển khai trong thực tế, làm giảm dần khoảng cách về trình độ dân trí, mức sống giữa các dân tộc. Từ đó, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu vực DTTS và miền núi ngày một hoàn thiện, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, ấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm, đa số đồng bào DTTS đã tiếp cận được với giáo dục, y tế công cộng, các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là internet, điện thoại thông minh. Nhiều hộ DTTS đã thoát nghèo, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước khi áp dụng vào đời sống vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như: Một số hệ thống chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm; khả năng hiện thực hóa một số chính sách gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, chưa phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương… Chính những hạn chế, này đã tạo lý do cho các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu, xuyên tạc, gây xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào các dân tộc, từ đó đẩy lên cao trào, tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ về chính trị – xã hội ở nước ta. Song, với quyết tâm chính trị, Đảng, Nhà nước kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ có mưu đồ lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng kỳ thị, chia rẽ đoàn kết dân tộc hoặc lợi dụng vấn đề dân tộc để gây bất ổn về chính trị – xã hội, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
Thời gian tới, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp, tinh vi, thâm độc hòng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Do vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với những quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân tộc. Trong đó, cần tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong công tác bảo đảm quyền của đồng bào các DTTS và đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị kẻ địch lợi dụng, tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc.
Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS ngày càng khăng khít. Đặc biệt, đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các DTTS không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm, tự ti dân tộc.
Cùng với đó, không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa bàn vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào DTTS đi đôi với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao trình độ dân trí; rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách đặc thù tại vùng đồng bào DTTS trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố, phá rối an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS và khắc phục tình trạng không có tổ chức đảng và đảng viên ở các thôn, ấp, nhất là đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng; biểu dương, tôn vinh, động viên người có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các DTTS có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một vấn đề quan trọng nữa là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ DTTS; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỷ lệ cán bộ DTTS trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Điểu Nen BPO
Nhận xét
Đăng nhận xét