Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình – Bài 2: Di chứng nặng nề từ “virus” ác tính
Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã hình thành và tồn tại hơn 30 năm (từ năm 1989). Những hoạt động của tổ chức này làm xáo trộn nghiêm trọng đời sống của một bộ phận đồng bào Mông và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Những “di chứng”, hệ lụy để lại vẫn đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp bài toán hóc búa.
Niềm tin mù quáng
Dương Văn Mình là người dân tộc Mông trắng, sinh năm 1961 tại xã Thượng Thôn (Hà Quảng, Cao Bằng) và trình độ học vấn chỉ biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Dương Văn Mình trong quá trình sinh sống tại Cao Bằng, rồi di cư sang xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và xã Yên Hương (Hàm Yên, Tuyên Quang) không hề có gì nổi trội, xuất chúng trong cộng đồng người Mông. Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân nào dẫn đến việc có hàng nghìn người tin, nghe theo những lý lẽ, luận điệu tuyên truyền của Dương Văn Mình?
Như đã đề cập ở bài viết trước, những luận điệu tuyên truyền của Dương Văn Mình mặc dù rất mơ hồ, không thực tế nhưng có tác động mạnh đến đời sống, tình cảm của một bộ phận đồng bào Mông. Thực tế cũng đã chứng minh, không có cái gọi là “năm 2000 trái đất sẽ nổ tung”. Tuy nhiên, theo thống kê của các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng… từ khi hình thành tổ chức đến khi các địa phương đấu tranh xóa bỏ cơ bản tổ chức này, có hàng nghìn hộ với hàng chục nghìn người Mông là thành viên…
Đồng chí La Hồng Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang đánh giá: Thực chất, hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình là hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, không đúng bản chất của những tín ngưỡng, tôn giáo chính thống, hay nói cách khác, đây là “dị giáo”, “lạc giáo”.
Công an xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cùng đồng đội đến nhà vận động người dân không tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ảnh: Congan.sonla.gov.vn
Có không ít nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Mông tin và nghe theo Dương Văn Mình. Theo lý giải của PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện là giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, về bản chất, các hoạt động của Dương Văn Mình là một hình thức “xưng vua” dưới tư cách người Mông. Hai nữa, người Mông quan niệm, “cùng thờ con ma là anh em, cùng tiếng nói đều là anh em” nên có tính cố kết cộng đồng, dòng họ, gia đình rất lớn. Vì thế, trong một gia đình, khi ông, bà đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thì con, cháu cũng phải theo. Có rất nhiều người Mông theo tổ chức này nhưng không biết theo để làm gì, không hiểu ý nghĩa những luận điệu tuyên truyền của Dương Văn Mình là gì…
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, ngoài ra còn nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố về kinh tế và văn hóa. Người Mông có tập quán di cư tự do với câu tục ngữ truyền đời “giàu di cư thì nghèo, nghèo di cư thì chết, chết vẫn di cư”. Đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, nghèo đói, trình độ dân trí, nhận thức hạn chế, cộng với nhiều hủ tục, nhất là những hủ tục trong tổ chức tang lễ, đè nặng lên vai người phụ nữ. Vì vậy, người Mông tìm đến các tín ngưỡng, tôn giáo với mong muốn có một điểm tựa tinh thần.
Theo tập tục văn hóa của người Mông, trong nhà khi có người thân qua đời thì phải làm tang dài ngày (9 ngày, 9 đêm), rồi giết mổ trâu, bò để mời khách ăn uống linh đình. Nhà nào không có trâu, bò thì phải vay mượn để cúng ma. Vì thế, có không ít trường hợp ông nội qua đời nhưng đến thế hệ các cháu vẫn chưa trả hết nợ làm tang cho ông… Trong khi đó, Dương Văn Mình đưa ra những luận điệu: Người Mông không có ma, đi theo Dương Văn Mình thì không phải cúng ma cho người chết… Nghe theo Dương Văn Mình, một bộ phận người Mông bỏ ban thờ tổ tiên, bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo “chúa trời”-tức Dương Văn Mình.
Từ những nguyên nhân trên, thêm nữa là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ giữa các dân tộc có nhiều bất đồng và bị các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để tuyên truyền đạo lạ hoặc đạo trái phép, kích động, chia rẽ các dân tộc, đòi quyền tự trị. Trong đó, đồng bào Mông ở nhiều tỉnh bị kích động, lôi kéo, nghe và tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Mối nguy khôn lường
Nhà nước ta bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tổ chức Dương Văn Mình không phải là tổ chức tôn giáo; thực chất đây là tổ chức tự phát do lệch lạc về tín ngưỡng tôn giáo, mang đậm yếu tố hoang đường, mê tín dị đoan.
Thủ đoạn của chúng là lợi dụng lòng tin, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của một bộ phận đồng bào Mông để hoạt động, âm mưu tiến hành “xưng vua”; ly khai, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Hơn 30 năm tồn tại, những tư tưởng lệch lạc về tín ngưỡng, tôn giáo giống như loại virus ác tính để lại di chứng nặng nề và hệ lụy từ các hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình để lại vẫn đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Lợi dụng sự thiếu thông tin và thiếu hiểu biết của đồng bào Mông, Dương Văn Mình và các đối tượng cốt cán đã truyền bá mê tín, khai thác lòng tin, lôi kéo khá đông người Mông tại Bắc Kạn nói riêng và một số tỉnh miền núi phía Bắc để lừa đảo, quyên góp tiền bất hợp pháp. Nhiều hộ dân đã bán gần như toàn bộ tài sản lấy tiền nộp cho Dương Văn Mình. Do nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn và sự cưỡng chế của số đối tượng cốt cán, đồng bào Mông đã tin theo các luận điệu lừa bịp. Nhiều bà con bỏ bê ruộng nương, không chịu làm ăn khiến cuộc sống đã khó khăn càng thêm khó khăn. Các đối tượng cốt cán còn kích động đồng bào gây rối trật tự công cộng, đe dọa, ngăn cấm trẻ em đến trường, ngăn cản quyền công dân, không cho tiếp nhận bất cứ sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội, không cho thanh niên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự… Chúng còn quấy nhiễu, kích động và xúi giục chia rẽ cộng đồng dân cư và phá hoại tinh thần đoàn kết giữa các nhóm dân tộc. Mặt khác, chúng tổ chức những hoạt động mang đặc trưng riêng, như đám cưới, tết chung, tổ chức ngày sinh nhật của Dương Văn Mình… nhằm mục đích khuếch trương thanh thế của tổ chức và gây sức ép để chính quyền phải công nhận tổ chức.
Trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp năm 2011 và 2016, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã ngăn cản, kích động, ép người dân từ bỏ quyền bầu cử và không ký tên vào danh sách cử tri, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đe dọa an toàn, an ninh xã hội trong khu vực. Khi các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ “nhà đòn”-nhà chứa đồ mai táng, các đối tượng cốt cán có nhiều hành vi chống đối quyết liệt, kích động người dân phản đối, viết đơn gửi nhiều cơ quan và gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương… Gần đây nhất, vào năm 2022, tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), khi lực lượng cảnh sát giao thông địa phương làm nhiệm vụ và phát hiện đối tượng theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông và ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, đối tượng này không chấp hành, chống đối người thi hành công vụ và bị bắt tạm giam. Ngay sau đó, các đối tượng khác cùng trong tổ chức đã lôi kéo phụ nữ, trẻ em lên trụ sở cơ quan công an gây rối, đòi thả người…
Là người có nhiều năm tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào Mông ở địa phương từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đồng chí Đồng Văn Dược, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phương (Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết: “Tư tưởng ly khai, chống đối của những người theo Dương Văn Mình được biểu hiện rất rõ trong sinh hoạt hằng ngày. Họ không tham gia bất cứ hoạt động gì của cộng đồng, tự tách mình ra khỏi cộng đồng dân cư, như: Không đi họp thôn, không nghe tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không ký cam kết khi địa phương tổ chức các cuộc vận động… Khi cán bộ đến tuyên truyền, vận động thì họ lẩn tránh, không gặp gỡ, hoặc khi cán bộ đã tiếp cận được thì họ không nghe. Sự chia rẽ dân tộc còn thể hiện ngay trong nội bộ đồng bào Mông, giữa người theo Dương Văn Mình và người không theo. Trong đời sống văn hóa của người Mông không thể thiếu tiếng khèn, tiếng trống. Nhưng khi gia đình người Mông theo Dương Văn Mình có người qua đời, họ không cho người Mông theo đạo Tin Lành đến dự, hoặc không cho mang khèn, trống đến làm lễ mà tổ chức theo nghi thức của Dương Văn Mình…
Lãnh đạo các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hoạt động và ngay chính đồng bào Mông đều khẳng định, các chiêu trò, lý lẽ, giáo lý của tổ chức này trái với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông, gây mất đoàn kết ngay trong cộng đồng dân tộc Mông. Nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi tổ chức này kéo dài nhiều thế hệ, mất tiền của, bị cô lập, đe dọa… Tất cả đều trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đến nay, các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã cơ bản xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Đại đa số đồng bào Mông lầm lạc nghe theo tổ chức này đã ký cam kết từ bỏ và từng bước hòa nhập với cộng đồng nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, suốt hơn 30 năm tồn tại, những tư tưởng lệch lạc mà Dương Văn Mình tuyên truyền đã ăn sâu vào nhận thức, hành vi của một bộ phận đồng bào. Một bộ phận đồng bào còn có tâm lý mặc cảm, tự ti, chưa thể hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Mặt khác, còn nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến đời sống tâm linh, chỗ dựa tinh thần của đồng bào vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ hơn để đồng bào ổn định cuộc sống, không bị lôi kéo tham gia những tổ chức bất hợp pháp khác đang núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng.
Nhóm PV Báo QĐND (còn nữa)
Nhận xét
Đăng nhận xét