Mưu đồ thâm độc

   “Nói không thành có” là bản chất của các đối tượng “dân chủ”. Bất cứ sự việc nào liên quan đến chính quyền cũng có thể trở thành chất liệu để các “nhà bình loạn” xuyên tạc, bẻ lái. Vụ việc một thượng úy quân đội thông chốt nồng độ cồn và lao xe vào cảnh sát giao thông vừa qua cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các đối tượng này.

Vụ việc một thượng úy quân đội thông chốt nồng độ cồn, lao xe vào cảnh sát giao thông xảy ra chiều tối 21-1 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật thì không ít đối tượng xấu lại lợi dụng thông tin này để tiến hành xuyên tạc, đả phá. Vô số luận điệu sai trái, mang tính chất suy diễn chủ quan đã được giới “dân chủ” tung ra như: “Càng làm quan càng coi thường pháp luật”, “vụ việc bộc lộ mâu thuẫn nội tại của hai lực lượng công an và quân đội đến mức cao”, “vụ thông chốt hóa ra là toàn quân ta bắt quân mình”… 

Đây không phải lần đầu tiên giới “dân chủ” tung ra các luận điệu độc hại như vậy. Trong những năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm đủ mọi cách để kích động, gây chia rẽ mối quan hệ giữa lực lượng công an và quân đội. Mục đích mà chúng hướng đến là bôi nhọ, hạ bệ, làm mất uy tín của hai lực lượng; làm lung lay nhận thức của một số người có bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, kích thích mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng công an và quân đội. Hơn ai hết, chúng thừa hiểu công an và quân đội là “thanh bảo kiếm” và “tấm khiên” bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Bởi vậy, chỉ khi nào công an và quân đội suy yếu thì chúng mới có cơ hội ngóc đầu dậy.

Về hành vi thông chốt của thượng úy quân đội nêu trên, phải khẳng định rõ, đây chỉ là vụ việc đơn lẻ, mang tính chất cá nhân, không đại diện cho một lực lượng. Không một cơ quan, đơn vị công quyền nào dung túng cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong một tập thể không tránh khỏi những cá nhân chưa thực sự chuẩn mực. Vấn đề ở đây là chúng ta đối diện, xử lý như thế nào đối với sai phạm. Trong vụ việc nêu trên, Công an thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) đã củng cố hồ sơ, bàn giao đối tượng liên quan cho cơ quan điều tra quân sự để xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ. Rõ ràng, việc xử lý cán bộ vi phạm hoàn toàn không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Bởi vậy, việc “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng vi phạm của cá nhân để quy chụp, đổ lỗi, bôi lem cho tập thể là hoàn toàn phi logic và không thể chấp nhận.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hai lực lượng do Đảng ta thành lập để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mỗi lực lượng có một chức năng, nhiệm vụ riêng, với những yếu tố đặc thù khác nhau. Chính vì vậy, mọi sự so sánh đều mang tính chất khập khiễng, thiếu chuẩn xác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”. Đồng thời, Bác cũng răn dạy: “Cũng có người có ý nghĩ quân đội hơn công an, hoặc công an hơn quân đội. Nghĩ như thế càng không đúng, bởi vì mỗi ngành có nghiệp vụ chuyên môn của nó. Nhưng cả hai đều phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng cả. Vì vậy, không nên coi mình là giỏi mà phải luôn luôn học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau để càng ngày càng tiến bộ”. 

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định việc đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là vấn đề có tính nguyên tắc, xuất phát từ yêu cầu tất yếu khách quan của mối quan hệ biện chứng giữa nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Từ khi được thành lập tới nay, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm được củng cố vững chắc. Đây là nền tảng quan trọng để giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước.

Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, các hoạt động chống phá Quân đội nhân dân và Công an nhân dân của các thế lực thù địch sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, kịp thời “gạn đục khơi trong” để không mắc mưu các đối tượng xấu. Mặt khác, trong một thế giới có nhiều biến động như hiện nay, khi mà các yếu tố bất ổn vẫn đang tiềm ẩn, cùng với đó là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn… đòi hỏi chúng ta phải xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thực sự vững mạnh. Do đó, mỗi chúng ta phải luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Anh Tú (BPO)

Nhận xét