Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị đưa ra nhiều luận thuyết, quan điểm khác nhau nhưng đều hòa chung một “dàn hợp xướng” tiến công Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, việc nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ, giữ vững bản chất khoa học, cách mạng lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình hiện nay có ý nghĩa cấp thiết.
Một “mũi nhọn” chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin
Ngay sau khi ra đời, Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp đã vấp phải sự xuyên tạc, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Hiện nay, lợi dụng những biến động, phức tạp của tình hình thế giới, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động lại càng ra sức chống phá lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin quyết liệt hơn.
Trong “dàn hợp xướng” đó, một số học giả tư sản do không hiểu đúng hoặc cố tình không hiểu bản chất lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nên họ cho rằng: Ngay từ khi lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời đã là sai lầm và hiện nay càng lỗi thời, không phù hợp; việc khẳng định đấu tranh giai cấp là một trong những động lực trực tiếp của sự phát triển lịch sử, là tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp, của bạo lực cách mạng là “chia rẽ, cực đoan”, kích động chiến tranh, cổ vũ cho bạo lực trong xã hội (!).
Lợi dụng sự khủng hoảng, sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội xét lại càng được dịp tung hô: Đây là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp (!). Lợi dụng sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và sự điều chỉnh thích nghi của chủ nghĩa tư bản, họ rêu rao rằng: Ngày nay chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, đã trở thành “chủ nghĩa tư bản nhân dân”, nhà nước tư bản đã là “nhà nước phúc lợi chung”, không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê; công nhân ở các nước tư bản không còn bị bóc lột và địa vị của người công nhân đã có sự thay đổi căn bản, ở nhiều nhà máy, công ty, công nhân đã có cổ phần, cổ phiếu, họ không còn là giai cấp vô sản nữa. Do đó, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản cũng không còn mang tính chất đối kháng như trước đây (!).
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN
Còn ở Việt Nam, họ cho rằng: Trong xã hội Việt Nam kết cấu giai cấp có tính đặc thù nên khác với các quốc gia, dân tộc khác, vì vậy việc vận dụng quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là không phù hợp; giai cấp công nhân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc; ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của “văn minh trí tuệ”, nên chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới làm chủ được xã hội, lực lượng tiền phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam đưa đất nước phát triển văn minh, hiện đại (!).
Nhận thức đúng về lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin
Thực ra, lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là sự tiếp nối lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp trong lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại. Thời cổ đại, trong các học thuyết về chính trị xã hội của các nhà tư tưởng như: Heraclitus, Democritos, Sokrates, Platon đều thừa nhận trong xã hội có sự phân chia giai cấp, tầng lớp đối lập nhau và thường xuyên đấu tranh với nhau. Điển hình trong quan niệm về nhà nước lý tưởng của Platon gồm có các tầng lớp người như: Các nhà thông thái, nhà triết học ở địa vị cao nhất; các chiến binh ở địa vị thấp hơn, thứ nữa là những người nông dân và thợ thủ công có nhiệm vụ lao động sản xuất… Sau Platon là Aristoteles, trong tác phẩm “Chính trị và chính thể Aten”, ông cũng đã thừa nhận trong xã hội có người thống trị và người bị trị.
Khi chủ nghĩa tư bản hình thành, cuộc đấu tranh giữa các giai cấp trong xã hội diễn ra gay gắt, đó là cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp địa chủ quý tộc phong kiến, vì vậy quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp trở nên rõ ràng hơn. Phát hiện ra vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp thời kỳ này thuộc về các học giả: G.Phrangxoa Ghido (1778-1874), Oguytxtanh Chiery (1785-1856) và Phrangxoa Minhe (1796-1884). Các ông cho rằng, những thay đổi quan hệ sở hữu về tài sản, chủ yếu là quan hệ sở hữu về ruộng đất đã đưa tới sự thay đổi về quan hệ giai cấp và sự thay đổi chế độ chính trị.
Kế thừa những tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp trong lịch sử nhân loại, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, C.Mác, Ph.Ăngghen đã đưa ra lý luận khoa học và cách mạng về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Tiếp đó, V.I.Lênin đã kế thừa, bổ sung, phát triển toàn diện lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của C.Mác đáp ứng với sự đòi hỏi khách quan của lịch sử. Như vậy, lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sự tư biện, chủ quan của các nhà kinh điển mác-xít, mà chỉ là sự tiếp nối tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp trong lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại.
Lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện đầy đủ bản chất khoa học, cách mạng của mình, không chỉ ở sự kế thừa những tinh hoa của các nhà tư tưởng triết học trong lịch sử khi bàn về giai cấp và đấu tranh giai cấp, mà còn được thể hiện ở phương pháp tiếp cận và những nội dung hoàn bị về lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ở phương pháp tiếp cận, các nhà kinh điển đã chỉ ra phương pháp luận khoa học đúng đắn, làm cơ sở cho xem xét giai cấp và đấu tranh giai cấp, đó là gắn giai cấp và đấu tranh giai cấp với phương thức sản xuất nhất định trong lịch sử. Điều đó khác hẳn với phương pháp tiếp cận duy tâm, siêu hình về giai cấp và đấu tranh giai cấp của các nhà tư tưởng triết học trong lịch sử.
Lý luận về giai cấp, đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin từ khi ra đời đến nay luôn là cơ sở khoa học cho việc phân tích sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người trong xã hội có giai cấp. Đó là cơ sở khoa học để các chính đảng cộng sản vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn của mình, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng quốc gia, dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, chính đảng cộng sản nào trung thành, kiên định và vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, lý luận về giai cấp, đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng thì cách mạng thành công, phát triển. Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chính đảng cộng sản nào nhận thức và vận dụng không đúng lý luận về giai cấp, đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì đều gây thiệt hại cho sự nghiệp cách mạng, thậm chí bị đổ vỡ mất chế độ xã hội.
Trung thành, vận dụng sáng tạo quan điểm mác-xít về lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp
Việc đấu tranh, bảo vệ, giữ vững bản chất khoa học, cách mạng lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay là một trong những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng về những vấn đề giá trị cốt lõi lý luận giai cấp, đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng và toàn xã hội về những vấn đề có tính nguyên tắc, đó là: Kiên định, trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về giai cấp, đấu tranh giai cấp.
Cần hiểu rằng, trung thành không có nghĩa là khư khư nắm giữ những câu chữ của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về giai cấp, đấu tranh giai cấp mà phải nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của nó, phải vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia, dân tộc. Trong việc bảo vệ và phát triển đòi hỏi người cộng sản phải nỗ lực vượt qua bằng bản lĩnh chính trị, bằng năng lực tư duy lý luận sáng tạo, bằng việc tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, bảo thủ cũng như chủ nghĩa cơ hội, xét lại lẫn phương pháp tư duy siêu hình, cực đoan. Qua đó khẳng định rõ những luận điểm nào về giai cấp và đấu tranh giai cấp có giá trị bền vững; những luận điểm nào trước kia đúng nhưng do điều kiện lịch sử đã thay đổi nên không còn phù hợp và cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới; những luận điểm nào mà chúng ta hiểu sai do không nghiên cứu đến nơi đến chốn thì hiện nay cần nghiên cứu để hiểu cho đúng; đồng thời phát triển những luận điểm mới về giai cấp và đấu tranh giai cấp mà các nhà kinh điển trước đây chưa đề cập đến.
Đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và của cả hệ thống chính trị, trong đó cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là lực lượng quan trọng. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần có nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình; đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, nghiên cứu lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đặc biệt, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong Quân đội cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin gắn với lý luận quân sự, quốc phòng, an ninh nhân dân; biên soạn tài liệu định hướng đấu tranh phản bác quan điểm thù địch, phản động và cơ hội chính trị, góp phần hoạch định đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới.
Lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những nội dung lý luận trọng yếu, rường cột của Đảng. Vì vậy, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không từ bỏ mọi thủ đoạn tấn công, chống phá, xuyên tạc, phủ nhận lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Do đó, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ, giữ vững lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Đại tá, PGS, TS HÀ ĐỨC LONG, Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác-Lênin, Học viện Chính trị
Nhận xét
Đăng nhận xét