Dưới vỏ bọc tổ chức phi chính phủ, một số người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh đã tham gia RISE – một tổ chức ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân. Từ đó, số này đã chủ động đăng ký tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến, xây dựng các dự án “xã hội dân sự” theo sự định hướng của số cầm đầu RISE…
Trên thực tế, đây chỉ là một trong những thủ đoạn tinh vi của RISE để thực hiện ý đồ riêng là huấn luyện, đào tạo trực tuyến nhằm lôi kéo số chống đối, bất mãn trong nội địa để hình thành lực lượng chống đối Nhà nước thông qua phần mềm Zoom.
“Bình mới, rượu cũ”
Sau khi Bộ Công an công bố Việt Tân là tổ chức khủng bố, các cơ quan chức năng Việt Nam đã hành động quyết liệt, xử lý nghiêm những người có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia; tài trợ hoặc nhận tài trợ cũng như tham gia các hoạt động khác liên quan đến Việt Tân. Cũng vì thế, một số đối tượng cầm đầu Việt Tân đã tuyên bố rút ra khỏi tổ chức để “thực hiện các dự án riêng”.
Nổi lên trong đó là RISE, hoạt động dưới vỏ bọc NGO theo mô hình “xã hội dân sự” nhưng bản chất là kích động bạo loạn, biểu tình, huấn luyện đào tạo các cá nhân, hội nhóm người Việt trong và ngoài nước nhằm gây dựng tổ chức chính trị đối lập.
Ngày 2/3/2020, ba thành viên cốt cán của Việt Tân gồm: Huỳnh Phạm Phương Trang (tên khác Angelina Trang Huỳnh), Phạm Hồng Thuận (tên khác Trinnitry Hồng Thuận) và Nguyễn Quốc Trinh đã công khai xin ra khỏi tổ chức Việt Tân, tuyên bố thành lập RISE tại Mỹ với khẩu hiệu hoạt động “Thay đổi trong tầm tay”.
Các đối tượng còn xúc tiến lập văn phòng tại Singapore và móc nối, lôi kéo số đối tượng bị truy nã như Thái Văn Dung, Lê Văn Sơn… tham gia. Theo sự phân công, Angelina Trang Huỳnh là người đứng đầu, chỉ đạo mọi hoạt động của RISE; Nguyễn Quốc Trinh chịu trách nhiệm xây dựng dự án kết nối RISE với các nhà tài trợ; Trinnitry Hồng Thuận phụ trách văn phòng khu vực Đông Nam Á. Ý đồ của RISE là sử dụng vỏ bọc NGO, độc lập với Việt Tân nhằm thúc đẩy hoạt động lợi dụng các vấn đề “xã hội dân sự”, “dân sinh”, “dân quyền”… để thu hút sự chú ý của người dân. Với mục đích trên, Việt Tân thông qua RISE sẽ lồng ghép, lợi dụng các vấn đề môi trường chính trị, chính sách của Nhà nước Việt Nam ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người dân để thực hiện các hành vi chống đối. Bên cạnh số cầm đầu, đứng đằng sau chỉ đạo, Việt Tân tìm kiếm, lôi kéo, xây dựng đội ngũ nhân sự điều hành, triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện của văn phòng RISE tại Đông Nam Á. Các đối tượng đã móc nối, lôi kéo các đối tượng hầu hết đều là ngoại vi của tổ chức Việt Tân, trong đó có VOICE.
Để có cơ hội nhận được “miếng bánh vẽ” hỗ trợ tài chính, thời gian qua đã có một số người tích cực tham gia vào các khoá huấn luyện mà không hay biết RISE là tổ chức phản động trá hình ngoại vi của Việt Tân. Trường hợp của N.K.S (trú tại TP Hà Nội) là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp đại học, N.K.S kinh doanh tự do tại nhà. Vào những lúc rảnh rỗi, N.K.S thường lên mạng Internet truy cập vào trang mạng xã hội để đọc tin tức, đặc biệt là các vấn đề chính trị, xã hội. Vào tháng 2/2023, N.K.S biết đến chương trình đào tạo trực tuyến về “xã hội dân sự” với chủ đề “Xây dựng chiến lược hiệu quả cho phong trào” của tổ chức RISE và đã đăng ký tham gia. Sau đó, N.K.S nhận được thông tin từ Huỳnh Phạm Phương Trang, nguyên là “Uỷ viên Trung ương Việt Tân”, đối tượng đã bị Bộ Công an đưa vào danh sách thành viên tổ chức khủng bố; đồng thời là đối tượng cầm đầu tổ chức RISE. Qua mạng xã hội, Huỳnh Phạm Phương Trang giới thiệu cho N.K.S các thông tin liên quan đến chương trình huấn luyện trực tuyến, phỏng vấn; đối tượng yêu cầu N.K.S cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, email, số điện thoại, địa chỉ…) để tham gia chương trình huấn luyện của RISE.
Từ tháng 4/2023, Trang đề nghị N.K.S tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến gồm 5 buổi. Tuy nhiên, sau đó do không sắp xếp được thời gian nên S xin tham gia khoá huấn luyện sau. Đến tháng 5/2023, RISE tiếp tục gửi thông tin về thời gian, nội dung chương trình huấn luyện thông tin đăng nhập trên phần mềm Zoom. N.K.S sau đó đã dùng phần mềm tham gia vào buổi huấn luyện. Trong khóa huấn luyện trực tuyến này có khoảng 10 trường hợp tham gia, đối tượng Huỳnh Phạm Phương Trang và Phạm Hồng Thuận (thành viên cốt cán Việt Tân tại Mỹ, điều hành RISE) thay phiên nhau cùng giảng dạy. Số đối tượng cầm đầu RISE tập trung hướng dẫn cách thức khai thác các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để xây dựng thành chiến dịch “xã hội dân sự”; kêu gọi các hội viên xây dựng, nộp các dự án xã hội dân sự để RISE xét duyệt, hỗ trợ kinh phí.
Tuy nhiên, sau khi tham gia một số buổi huấn luyện RISE, N.K.S nhận thấy nội dung huấn luyện do số cầm đầu RISE truyền đạt không phù hợp với bản thân nên đã không tham gia các buổi huấn luyện còn lại. N.K.S cho rằng các kiến thức này đã biết, không phù hợp với bản thân nên không tham gia.
Trên thực tế, vào tháng 4/2023, sau khi N.K.S đăng ký tham gia chương trình huấn luyện trực tiếp của RISE, Huỳnh Phạm Phương Trang đã chủ động liên lạc qua Facebook, đề nghị S xây dựng nộp các dự án “giúp ích cho cộng đồng”. RISE hứa hẹn, sẽ xét duyệt, hỗ trợ 30 triệu đồng để triển khai dự án. Trước những lời hứa hẹn như trên, S đã cùng với một đối tượng xây dựng dự án trong cải thiện lĩnh vực giao thông tại Hà Nội… Trang sau đó đã trực tiếp liên lạc với N.K.S để phỏng vấn. Thế nhưng cuối cùng, dự án của S vẫn không được RISE đồng ý hỗ trợ tài chính, do không phù hợp với định hướng của các đối tượng. Sau khi được giải thích, hiểu biết về tổ chức RISE và số đối tượng cầm đầu, động cơ mục đích tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến về “xã hội dân sự”, N.K.S đã viết cam kết từ bỏ.
Kể lại quá trình tham gia vào chương trình huấn luyện trực tuyến “Social Movement Festival – SMT 2022” do RISE tổ chức, chị H.T.N (trú tại tỉnh Thái Bình) là nhân viên phân phối của dự án của một trung tâm phát triển cộng đồng cho biết: Đầu tháng 10/2022, H.T.N thường xuyên đọc trên trang “NPO – Diễn đàn phi lợi nhuận”. Qua đó, biết chương trình trực tuyến với chủ đề “Tính năng phong trào xã hội”; “Bài học từ các biến động xã hội” do RISE tổ chức vào ngày 5/11/2022… Trên đó, các đối tượng đưa ra nhiều thông tin để thu hút người tham gia, trong đó có các phần thưởng từ 15 đến 30 triệu đồng cho các “sáng kiến xuất sắc”.
“Hình thức đăng ký tham dự qua đường link RISE, người tham dự phải cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ email, facebook để RISE liên lạc…”- chị H.T.N cho biết. N thường xuyên vận động tài chính cho các hoạt động xã hội từ thiện của “Hội lái xe tỉnh T.B” và bản thân không nắm được RISE là tổ chức phản động trá hình, đồng thời nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh hoạt động và vận động tài chính cho Hội lái xe (H.T.N là thành viên sáng lập). Vì thế, H.T.N đã sử dụng email để đăng ký tham gia chương trình SMF. Sau khi nhận phản hồi từ RISE, H.T.N đã xác nhận tham gia chương trình SMF và đồng thời tham dự 3 buổi họp trực tuyến qua ứng dụng Zoom cùng với Huỳnh Phạm Phương Trang, Nathan để hướng dẫn cách viết bài thuyết trình, giới thiệu về các hoạt động xã hội từ thiện của H.L.X. Đến thời điểm này, H.T.N đã cam kết không tham gia tổ chức.
Khuyến cáo của cơ quan chức năng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp tham gia chương trình huấn luyện trực tuyến về “xã hội dân sự”, nộp hồ sơ các dự án “xã hội dân sự” của RISE rất đa dạng, ngoài học sinh, sinh viên còn có những người lao động bình thường… Vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số trường hợp đã bị số cầm đầu RISE làm mờ mắt, móc nối, lôi kéo tham gia.
Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện trực tuyến của RISE, nhiều trường hợp đã chủ động xây dựng, lập hồ sơ các dự án “xã hội dân sự” theo sự định hướng của số cầm đầu RISE. Họ không biết được ý đồ, mục đích sâu xa của RISE là triệt để khai thác các vấn đề, vụ việc được dư luận xã hội quan tâm nhằm kích động tư tưởng, quan điểm phản kháng đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; từng bước hình thành các điểm “nóng” về ANTT, làm tiền đề cho các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Thực chất đây là ý đồ, phương thức, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Vì thế, hầu hết các đối tượng sau khi nộp dự án “xã hội dân sự” cho số cầm đầu RISE với hy vọng nhận được tiền tài trợ phục vụ nhu cầu tiêu xài cá nhân đều vỡ lẽ chỉ có “mưa ở trên trời” là miễn phí. Số cầm đầu RISE yêu cầu các đối tượng trong nước phải nhiều lần chỉnh hồ sơ dự án theo hướng lồng ghép các nội dung về “dân chủ”, “nhân quyền” tại Việt Nam; tiếp tục tham gia các chương trình huấn luyện trực tuyến nâng cao về “xã hội dân sự” nhưng khi hoàn thành đều không nhận được sự hỗ trợ tài chính như cam kết của RISE.
Được biết, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã cảnh báo rất nhiều về RISE và những cái được gọi là các tổ chức xã hội dân sự. Và chỉ cần tra mạng, họ có thể biết RISE thực chất chỉ là bình phong của tổ chức khủng bố Việt Tân. Qua đó, biết rõ ý đồ của RISE và không thể dễ dàng có những thứ tiền tự nhiên được hưởng. Song khi tham gia, các trường hợp này sẽ từ từ bị các đối tượng tác động. Tiếp đó, bị lôi kéo tham gia vào cái gọi là lực lượng xã hội dân sự để ủng hộ một vấn đề nào đó. Lúc này, các đối tượng sẽ lồng ghép, lợi dụng các vấn đề môi trường để lôi kéo, kích động các hành vi chống đối.
Cơ quan Công an khuyến cáo, RISE là tổ chức ngoại vi của là tổ chức khủng bố Việt Tân, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của RISE, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do RISE tổ chức, hoạt động theo sự chỉ đạo của RISE… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì thế, trước khi đăng ký tham gia các chương trình huấn luyện trực tuyến về “xã hội dân sự”, mọi người cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm tra về đơn vị tổ chức chương trình huấn luyện trực tuyến có liên quan đến các tổ chức phản động, khủng bố, chống Đảng, Nhà nước Việt Nam không? Bởi thông tin về các đối tượng, tổ chức phản động, chống đối đều được các cơ quan chức năng đăng tải công khai trên các phương tiện báo chí, truyền thông, không gian mạng nên không khó để tìm hiểu, nhận biết.
Mai Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét