Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong thời kỳ mới của Đảng ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, lợi dụng việc đổi mới trong giáo dục của ta, các thế lực thù địch, phản động tung ra luận điệu “thúc đẩy tự do học thuật” nhằm tách giáo dục ra khỏi chính trị, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Cảnh giác trước luận điệu “tự do học thuật” phi giai cấp Theo nhiều học giả phương Tây, “tự do học thuật” được hiểu là “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”; hay “Tự do học thuật là sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”. Những quan điểm đó đang được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá cách mạng Việt Nam cổ xúy, tung hô. Cùng với đó, họ tổ chức “hội thảo khoa học” bàn về vấn đề này và kêu gọi học sinh, sinh viên Việt Nam đấu tranh cho cái gọi là “đòi quyền tự do học thuật”. Theo những quan điểm trên thì giáo dục phải đứng ngoài chính trị, nhà nước và giai cấp cầm quyền không được quy định về nội dung giáo dục hay truyền bá, lồng ghép tư tưởng chính trị của mình vào việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai để bảo vệ quyền và lợi ích của chính giai cấp họ. Tuy nhiên, quan điểm “tự do học thuật” theo ý nghĩa trên chưa bao giờ tồn tại trong xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp. Kể từ khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời, giai cấp chủ nô đã xem giáo dục là công cụ để thực hiện mục đích chính trị và bảo vệ nền chính trị, họ đã lợi dụng những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn để thâu tóm quyền lực, lợi dụng kinh thánh, giáo lý của các tôn giáo này để mị dân, ru ngủ, thủ tiêu tinh thần, ý chí phản kháng của quần chúng nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình. Tỉnh táo với luận điệu “thúc đẩy tự do học thuật” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Ảnh minh họa: TTXVN Sang thời kỳ phong kiến, tầng lớp vua quan, quý tộc, địa chủ đã tìm mọi cách để nhồi nhét vào đầu óc của quần chúng nhân dân tư tưởng “trung quân” (trung với vua); trong dạy học và giáo dục thì coi trọng truyền bá cho người học những tư tưởng xem vua là thiên tử, “lệnh vua là mệnh trời”, “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, sau khi lợi dụng được quần chúng nhân dân lật đổ chế độ phong kiến, giai cấp tư sản lại một lần nữa ra sức lợi dụng kinh thánh, giáo lý của những tôn giáo lớn hoặc thông qua nền giáo dục tư bản chủ nghĩa để truyền bá những tư tưởng tư sản. Bên cạnh đó, họ còn tung ra những chiêu bài với cái gọi là “tự do”, “dân chủ” theo kiểu hỗn độn trong một khuôn khổ nhất định, khuyến khích lối sống không quan tâm đến xã hội để dễ quản lý và bóc lột. Nhận thức đúng quan điểm mác-xít về vai trò to lớn của giáo dục Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quán triệt quan điểm của C.Mác: “Lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”, những người cộng sản đã làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong phong trào công nhân thế giới, tạo nên một sức mạnh góp phần lật đổ ách thống trị của phong kiến, đế quốc, thực dân. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu muốn cầm quyền, đảng chính trị (chính đảng) nhất thiết phải có một nền tảng tư tưởng riêng, không được tách rời và cần phải ra sức truyền bá nền tảng tư tưởng đó vào lực lượng quần chúng của mình, trừ khi muốn biến nó thành một đảng hay một tổ chức khác. V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Vận dụng trung thành và sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng to lớn của giáo dục. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Chống việc lợi dụng “tự do học thuật” với dụng ý chính trị xấu Ở Việt Nam, những năm gần đây, nhất là khi Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành (sửa đổi, bổ sung năm 2018), nhiều ý kiến trong và ngoài nước cho rằng cần “thúc đẩy tự do học thuật” để đưa nền giáo dục Việt Nam bắt kịp thế giới. Một số ý kiến còn đưa ra những dẫn chứng về cơ sở pháp lý cho rằng tự do học thuật được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Họ đã trích Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của nước ta: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” và luận giải rằng, quyền tự do học thuật hàm chứa trong quyền tự do ngôn luận đã được hiến định từ lâu. Họ còn trích khoản 3, Điều 32 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn”; khoản 7, Điều 55 của Luật này quy định giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học” và cho rằng cách diễn đạt này thể hiện tinh thần của quyền tự do học thuật. Trên thực tế, Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định về tự do học thuật theo kiểu “tự do của một người trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật không giới hạn mà không gặp phải nỗi sợ hãi về hình phạt hay mất việc vì đã xâm phạm một quan điểm chính thống về chính trị, tôn giáo hay xã hội”, mà chỉ quy định về việc tự do ngôn luận, tự chủ về việc giáo dục, đào tạo theo luật định. Khoản 11, Điều 1 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: “Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học”. Khoản 7, Điều 55 của Luật này cũng quy định: Giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội”. Như vậy, những quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ trong việc ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học-công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật và những chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội Việt Nam, hoàn toàn không quy định về việc người dạy và người học có thể tự do bày tỏ quan điểm, nghiên cứu những vấn đề không chịu sự ràng buộc của quan điểm chính trị hay tôn giáo. Tự do học thuật ở Việt Nam cần được hiểu là việc người dạy và người học có quyền lựa chọn những vấn đề nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và học tập phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa và quy định của pháp luật Việt Nam vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam; phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tỉnh táo để đi đúng hướng Thực chất việc “thúc đẩy tự do học thuật” mà các thế lực thù địch rêu rao là đặt giáo dục ra ngoài chính trị, nhưng đây chính là một thủ đoạn nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại văn hóa và truyền thống của dân tộc ta, làm cho giáo dục không thể thực hiện được chức năng giáo dục nhân cách, chức năng định hướng tư tưởng, xây dựng niềm tin cho người học. Chính vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là những người làm công tác giáo dục cần phải hết sức tỉnh táo để công cuộc đổi mới nền giáo dục Việt Nam đi đúng hướng. Giáo dục là công cụ sắc bén nhất để bảo vệ chính trị, là vấn đề cốt lõi, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của một quốc gia, dân tộc; chính giáo dục cùng với hệ thống pháp luật làm cho hệ tư tưởng của giai cấp thống trị trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên hiểu đúng vai trò của giáo dục đối với sự tồn vong của chế độ, với sự tồn tại, phát triển của quốc gia, dân tộc, hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ “tự do học thuật” và việc thực hiện quyền tự chủ trong học thuật của các cơ sở giáo dục. Trong đổi mới giáo dục và thực hiện quyền tự chủ về học thuật, các cơ sở giáo dục-đào tạo cần tuân thủ nghiêm túc những quy định của Hiến pháp và pháp luật; việc đổi mới và thực hiện quyền tự chủ về học thuật phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác-Lênin được cấu thành bởi 3 bộ phận là triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trước đây, 3 bộ phận này được tổ chức giảng dạy bài bản, chuyên sâu trong chương trình đào tạo đại học. Tuy nhiên những năm gần đây, do giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, một số cơ sở giáo dục đã và đang có biểu hiện xem nhẹ việc giảng dạy 3 môn học quan trọng này. Mặt khác, việc lựa chọn các môn lý luận tự chọn của sinh viên hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính và tự tìm hiểu qua các lớp học trước nên động cơ, thái độ học tập của các em có thời điểm chưa đúng đắn, chưa tích cực. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định tên của môn học, việc cắt giảm thời lượng lý thuyết, nhất là thời lượng dạy học 3 môn cấu thành nên Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời làm tốt công tác quy định, định hướng cho việc lựa chọn các môn học tự chọn, các nội dung nghiên cứu của người học. Trong tình hình hiện nay, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc giảng dạy, giáo dục lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin trong các cơ sở giáo dục đại học cũng là một giải pháp hữu hiệu để góp phần phòng ngừa việc lợi dụng “tự do học thuật” nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại tá, Thạc sĩ TRƯƠNG THANH QUẢNG (Hệ Chiến dịch-Chiến lược, Học viện Quốc phòng)
Tiếp tục chú trọng việc kiên định bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Tối 22/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 3, năm 2023.
Dự buổi lễ có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…
Cuộc thi năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ nhất, lần thứ hai trong các năm 2021, 2022; đồng thời, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị Khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giành được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các cấp, các cơ quan, địa phương và các tác giả trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Sau hơn 9 tháng phát động, cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng kỷ lục tới 301.365 tác phẩm dự thi, gấp gần 3 lần so với cuộc thi năm 2022 và chất lượng các tác phẩm đoạt giải được nâng lên rõ rệt.
Điểm đáng chú ý, các tác phẩm dự thi được mở rộng thể loại hình bài tạp chí (tạp chí in và tạp chí điện tử), loại hình báo (báo in và báo điện tử) và bổ sung loại hình phát thanh, truyền hình, video clip, càng cho thấy sức lan tỏa ngày càng lớn của cuộc thi.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Việc tổ chức và thực hiện có kết quả Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những minh chứng cụ thể, sinh động cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách sáng tạo, thiết thực và rất có ý nghĩa.
Từ thực tế cuộc thi, có thể thấy nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là những vấn đề lý luận khô khan, cao siêu, trừu tượng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân; bảo vệ cái đúng, tiến bộ; phê phán cái sai, tiêu cực, đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc, gắn bó với công việc của các cơ quan, đơn vị và cuộc sống hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và việc tổ chức cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng cần tập trung vào một số nội dung. Trước hết, cần tiếp tục chú trọng việc kiên định bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích việc tổng kết, lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt, kinh nghiệm tốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Cần chú trọng hơn nữa việc gắn kết giữa xây và chống, giữa bảo vệ và bổ sung, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, gắn kết việc nhận diện, phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của không chỉ những người làm công tác tư tưởng, lý luận và làm báo chuyên nghiệp mà cần tập hợp rộng rãi sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp năm châu, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình, công lý, lẽ phải trên thế giới.
Phát biểu tổng kết cuộc thi năm 2023 và phát động cuộc thi chính luận lần thứ 4 năm 2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ III năm 2023 đã thành công rất tốt đẹp. Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị, toàn xã hội và cả nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần được quan tâm hơn hơn nữa để vừa kiên định, kiên trì bảo vệ, khẳng định, bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; vừa kiên quyết, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị.
Với ý nghĩa đó, thay mặt Ban Chỉ đạo cuộc thi, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát động cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024.
Tại lễ trao giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 20 giải B, 32 giải C, 60 giải Khuyến khích, và 20 giải Triển vọng. Ban Tổ chức cũng trao giải tập thể có thành tích xuất sắc cho 15 đơn vị.
Cùng với đó, Ban Tổ chức vinh danh 2 tác giả cao tuổi là cụ Nguyễn Đình Yên, sinh năm 1922 đến từ Hải Phòng và cụ Nguyễn Đình Hậu, sinh năm 1928 đến từ Hà Nội; 2 nhóm tác giả trẻ tuổi tiêu biểu là các em Phạm Phương Thùy, Phạm Huỳnh My, học sinh Trường Trung học Phổ thông Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; em Trần Thị Diệu Linh (đại diện nhóm tác giả), học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Nam – Ba Lan, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
10 giải A, với các tác phẩm: “Cán bộ sợ trách nhiệm – “căn bệnh” cần chữa trị ngay” của tác giả Trần Nam Cường (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam); “Những giá trị của quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đối với công tác phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” của tác giả Trương Thế Nguyễn (Học viện Chính trị khu vực 4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); “Phê phán quan điểm: “Thanh Đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ” của nhóm tác giả Vũ Xuân Trường; Lê Tuấn Anh; Vũ Thành Huyến (Trường Sỹ quan chính trị, Bộ Quốc phòng); tác phẩm 3 kỳ: “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của tác giả: Nguyễn Hải Đăng (Báo Nhân dân); tác phẩm “Từ công thần đến suy thoái – Chỉ một gạch nối” của nhóm tác giả Linh Tâm – Đào Thị Lanh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước). Tác phẩm 2 kỳ: “Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” của tác giả Đoàn Đức Phương; Nguyễn Đình Xuân (Công an tỉnh Thái Nguyên); “Tạo sức đề kháng cho giới trẻ” của nhóm tác giả Nguyễn Kim Tôn, Vũ Ngân Giang, Trần Hải Anh, Trần Văn Doanh, Trần Văn Toản, Đinh Thái Bảo, Trương Thanh Phong, Nguyễn Thị Thúy (Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội); “Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch” của nhóm tác giả Đăng Khang, Kinh Bang, Tiến Mạnh, Đức Trọng, Kim Quang, Nam Hà (Truyền hình Công an Nhân dân, Bộ Công an); tác phẩm 2 kỳ: “Phản bác luận điệu xuyên tạc tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga, Đào Thanh Trường, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Thu Hiền (Ban Thời sự – Đài Tiếng nói Việt Nam); “Giới trẻ góp phần thanh lọc mạng xã hội” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng, Bùi Thu Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Thảo Vy
Nhận xét
Đăng nhận xét