Sự lắt léo của những chiếc “lưỡi không xương”

 Liên quan đến “đại án tham nhũng” Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), sau khi thông tin đối tượng Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC đã về nước đầu thú được công bố, các đối tượng xấu đã tích cực bới móc, nhào nặn thông tin để làm nóng dư luận. Nhiều “thuyết âm mưu” đã được giới “dân chủ” đưa ra nhằm đánh lừa dư luận, bôi nhọ chính quyền.

Cái tên “Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC” từ lâu đã có sức hút lớn với giới “dân chủ”. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã câu kết, thông đồng, hình thành những “nhóm lợi ích” giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước. Đầu năm nay, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù. Có thể nói, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một mắt xích lớn trong chuỗi “lợi ích nhóm”. Vì vậy, việc bắt giữ, chấp hành án đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Sau khi thông tin đối tượng Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC về nước đầu thú được công bố, giới “dân chủ” đã nhanh chóng “bắt sóng”, nhào nặn thông tin. Một lần nữa, cái tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn được các hội, nhóm “dân chủ” đào bới. Việt Tân, Đài Á châu tự do – RFA, Tiếng dân News… liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Nội dung các bài viết là những “thuyết âm mưu” vô cùng đen tối. Chúng cho rằng: “Có thể kịch bản “mặc cả nhận tội” sẽ sớm được “thí điểm” đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn”, “Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xem là tội phạm, bị tấn công, vì là tình nhân của quan chức”… Đồng thời, các “nhà dân chủ” cũng tiếp diễn những luận điệu cũ cho rằng, việc xử lý Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ là cuộc “đấu đá” giữa các “phe nhóm trong nội bộ”, “nếu bắt được Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì “ván cờ người” sẽ sớm kết thúc”…

Không phải đến thời điểm này, các đối tượng chống phá mới lợi dụng cái tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn để vẽ ra những “thuyết âm mưu”. Tháng 5 vừa qua, hàng loạt trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức “dân chủ” điều hành cũng đồng loạt đăng tải thông tin cho rằng “Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị bắt, đưa về Việt Nam và đang bị giấu ở đâu đó”. Trong đó, Việt Tân, RFA, Tiếng dân News là những trang mạng xã hội tích cực lan truyền thông tin này nhất. Ấy vậy nhưng chỉ sau khoảng 4 tháng, chính những trang mạng này lại đăng bài cho rằng Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn ở Đức và tô vẽ ra vô số kịch bản như nêu trên. Đây là minh chứng cho thấy sự bất nhất, lươn lẹo và xảo trá của giới “dân chủ”. Dù luôn thể hiện bản thân là những “người thạo tin” nhưng thực chất những gì các đối tượng “dân chủ” rêu rao chỉ mang tính chất hóng hớt, “ăn theo, nói leo”, vô căn cứ. 

Chúng ta không phủ nhận đã có sự câu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp và những người có chức vụ, quyền hạn, hình thành nên “nhóm lợi ích” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ xâm phạm đến tài sản của Nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định tham nhũng là “kẻ thù” của chế độ. Nhận thức được điều này, thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ vụ án liên quan đến AIC mà nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn khác cũng đã được điều tra, làm rõ và xử lý theo đúng quy định. Việc các cơ quan chức năng xét xử, kết án và đang tiến hành truy nã đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn không phải vì “đấu đá”, “tranh giành quyền lực” hay là “cuộc chơi cờ người” như những gì một số đối tượng xấu cố tình suy diễn. Đây là việc thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy nhà nước và góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội của đất nước. 

Thực tế, chính “giới dân chủ” mới là những kẻ thích “chơi cờ người”. Chúng liên tục lợi dụng thông tin về các bị can, bị cáo, người bị kết án về các tội tham nhũng, tiêu cực để nhào nặn, xào xáo và tạo cớ công kích chính quyền. Mục đích mà chúng hướng đến là kích động sự hoài nghi trong xã hội, gây hoang mang dư luận, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo. Đồng thời, bằng những luận điệu xấu, độc được đưa ra, chúng cố tình phủ nhận mọi thành tựu, kết quả tích cực mà chính quyền đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. 

Liên quan đến trường hợp Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp để truy bắt phục vụ việc chấp hành án. Việc xử lý Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đúng người, đúng tội, theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Bởi vậy, chẳng có lý do gì để các đối tượng “dân chủ” châm chọc, công kích chính quyền.

Trần Anh (BPO)

Nhận xét