“Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu” là câu thành ngữ Việt Nam dùng để chỉ ra một đạo lý rằng: Nếu bản thân đủ sức gánh vác, giúp đỡ một ai đó thì làm. Nếu không đủ khả năng thì tốt nhất ngồi im, đừng gây thêm những phiền phức không đáng có nữa. Lo liệu việc cho mình còn chưa xong, lại còn ôm đồm, bao đồng thêm việc của người khác thì không nên. Câu thành ngữ này dùng rất hợp lý khi nói về Đài Á châu tự do (RFA) ở thời điểm hiện tại.
Theo dự kiến những tháng cuối năm 2023, công tác chuẩn bị cho các sự kiện ngoại giao lớn của Đảng, Nhà nước sẽ rất sôi động khi mà Việt Nam lần lượt tiếp đón nguyên thủ các quốc gia lớn sang thăm và làm việc. Những sự kiện ngoại giao đặc biệt này đều cho thấy tầm vóc, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Các sự kiện trên được nhiều quốc gia, tổ chức, các hãng truyền thông quốc tế rất quan tâm. Những sự quan tâm nêu trên là khát vọng về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và bình đẳng. Nó khác hoàn toàn với kiểu quan tâm của RFA về việc chọn bên, chọn phe. Bằng việc cho đăng tải nhiều bài viết kiểu như: “Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ liệu có làm Trung Quốc tức giận”, “nâng cấp quan hệ với Mỹ có giúp Việt Nam thoát Trung?”, “Mỹ và Việt Nam sẽ nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden”, “bang giao của Việt Nam với Mỹ và phương Tây sẽ ra sao nếu Việt Nam xích gần hơn với Nga”… RFA luôn muốn khuyên Việt Nam chọn phe, chọn bên để rồi đi với nước này chống nước kia. Chọn bên, chọn phe, chọn đồng minh chính là chọn con đường gần nhất đưa đất nước đến chiến tranh, đau thương, mất mát. Điều này Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, những bài viết của RFA từ trước đến nay vẫn hoàn toàn không giá trị với dân tộc Việt Nam.
Tình hình bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Các chủ nghĩa dân tộc, đơn phương, bảo hộ trỗi dậy nhiều. Các nước lớn cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt hơn. Sự kiện Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng tác động nhiều mặt đến đời sống chính trị và an ninh quốc tế. Lợi dụng tình hình nêu trên, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường xuyên tung ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam. Và một trong những mũi nhọn chúng tập trung chống phá đó là đường lối đối ngoại của nước ta. Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội như Chân trời mới Media, Hội Anh em dân chủ… đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến dưới các hình thức thư góp ý, lời kêu gọi, tư vấn cho Nhà nước Việt Nam nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng. Một số hãng truyền thông nước ngoài như RFA, VOA, BBC… bịa đặt rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Họ khuyên Việt Nam nên nghiêng về Mỹ và phương Tây, từ đó bãi bỏ chính sách quốc phòng “4 không” mà chúng ta đang thực hiện. Đặc biệt, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tiến hành các hoạt động ngoại giao tại các nước cũng như khi lãnh đạo các nước thăm chính thức Việt Nam, các đối tượng chống phá tìm cách cắt ghép hình ảnh, video, cắt xén những phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi thêm thắt, bình luận, làm sai lệch nội dung, bản chất vấn đề, cố tình thổi phồng theo hướng kích động, chia rẽ kiểu theo bên này để chống bên kia. Quan điểm ngoại giao cây tre của Việt Nam đã bị nhiều bài viết cố tình làm sai lệch bản chất. Chúng cho rằng đây là kiểu ngoại giao không lập trường, cuốn kiểu nào cũng được. Từ đó, chúng ra sức bôi nhọ kiểu ngoại giao cây tre là không thể tin cậy, không nên tin và đi theo.
Thực tế, dựa trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được đường lối ngoại giao của riêng mình, độc đáo và đặc sắc. Cây tre Việt Nam có gốc vững chắc, thân và cành cứng cáp nhưng rất uyển chuyển, linh hoạt. Cây tre phần nào thể hiện cho cốt cách, thấm đượm tâm hồn, khí phách dân tộc. Hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta dựa trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hòa quyện cùng đường lối ngoại giao cây tre tạo thành một thể thống nhất góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Nhờ thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn kết hợp với phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, Việt Nam đã từng bước phá thế bao vây, cấm vận, từ đó mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới. Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Trong đó, Việt Nam có quan hệ đặc biệt với 3 nước, 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Các tổ chức Diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Việt Nam đều tham gia và là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Hoạt động đối ngoại đã được mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau. Từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đến tất cả ngành, địa phương, doanh nghiệp đã ngày càng mở rộng. Qua đó, tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác. Còn nhớ cách đây 30 năm chúng ta mới có quan hệ kinh tế thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 600 tỷ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, trao đổi, đàm phán, kiểm soát tốt bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế và các công ước chúng ta tham gia. Việt Nam không phân biệt chế độ chính trị xã hội trong quan hệ ngoại giao. Đó là nguyên tắc, đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực đối ngoại và được thể hiện rất cụ thể trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Việt Nam đã tạo dựng một mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ được nhiều yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Đó chính là thực tiễn chứng minh đường lối, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa mà Việt Nam đang thực hiện. Những kết quả đó là minh chứng để bác bỏ luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Không một âm mưu, thế lực đen tối nào có thể cản bước Việt Nam trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành đối tác tin cậy cho tất cả quốc gia trên thế giới.
Đỗ Thành (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét