Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 – 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước và quốc tế phản ánh đậm nét. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động tung ra những luận điệu đả phá, xuyên tạc mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai nước.
Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 – 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước và quốc tế phản ánh đậm nét. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung, nâng cấp mối quan hệ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động tung ra những luận điệu đả phá, xuyên tạc mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai nước.
Chiêu trò gian xảo
Xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của nước ta là một trong những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội. Các đối tượng vẽ ra câu chuyện Việt Nam nâng cấp quan hệ vì trước những diễn biến phức tạp, tranh chấp trên Biển Đông; họ dựng lên việc Việt Nam cần phải dựa vào Hoa Kỳ mới thoát khỏi ảnh hưởng nước khác, mới phát triển được đất nước, bảo vệ được lãnh thổ.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, các tổ chức phản động sống lưu vong, các hãng truyền thông định kiến với Việt Nam ở hải ngoại phát tán nhiều bài viết với nội dung xấu độc để kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ gây sức ép vấn đề dân chủ, nhân quyền với Việt Nam; cho rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ không phát triển nếu dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam không được cải thiện, nếu còn chế độ cộng sản, “đảng cai trị”. Sau khi nước ta nâng cấp quan hệ thì họ bôi nhọ mối quan hệ này “không thực chất”, có những bài viết, bình luận miệt thị, cho rằng mối quan hệ chỉ “theo chiều hướng tiêu cực”. Mặt khác, các thế lực thù địch còn tỏ vẻ “lo lắng”, bày trò “tư vấn vạch hướng đi” cho Việt Nam để “mối quan hệ đi vào thực chất”!
Mục đích của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, Việt Nam với Trung Quốc và một số nước khác. Các luận điệu xuyên tạc nhằm tìm cách cô lập, hạ thấp vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; phá hoại mối quan hệ nước ta với các nước, chia rẽ tinh thần đoàn kết, hợp tác, hữu nghị của Việt Nam với các nước. Đó là những âm mưu, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, cần phải nhận diện, đấu tranh.
Phát huy truyền thống tự lực, tự cường, không ngừng mở rộng, hợp tác quốc tế
Từ khi Đảng, Nhà nước ta ra đời cho đến nay, thắng lợi trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc trước đây, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay khẳng định rõ, dân tộc ta luôn nhất quán thực hiện phương châm lấy nội lực, tự lực cánh sinh là chính, là quyết định, đồng thời coi trọng tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế. Dựa vào nước này để chống lại nước kia hoàn toàn không có trong đường lối, chính sách và thực tiễn đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Tinh thần tự lực, tự cường đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta, là nhân tố quan trọng để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện nay, xu thế hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng song tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của dân tộc ta.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc…”.
Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 nêu rõ, Việt Nam “thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”.
Vì vậy, bên cạnh mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế theo tinh thần Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chủ động tự lực, tự cường nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đối với vấn đề Biển Đông, nước ta chủ trương thực hiện tốt phương châm: bốn không, bốn tránh; chín K; bốn giữ vững. Bốn không gồm: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Bốn tránh: tránh xung đột, tránh đối đầu, tránh bị cô lập về chính trị, tránh bị lệ thuộc về chính trị. Chín K: kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và không để xảy ra xung đột, đụng độ, không nổ súng trước. Bốn giữ vững: giữ vững chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác; giữ vững ổn định chính trị trong nước.
Đối với Trung Quốc, ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc, một mốc son quan trọng khi nước bạn là nước đầu tiên thiết lập ngoại giao với nước ta. Trải qua những khó khăn trong lịch sử, hai Đảng và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở mỗi nước.
Đến năm 2008, hai nước thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Nước ta và nước bạn đã bàn và xây dựng thẳng thắn về những vấn đề còn chưa thống nhất giữa hai nước, nhất trí giải quyết những bất đồng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; thông qua thương lượng, hòa bình, giải quyết các mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không làm phức tạp thêm tình hình, không mở rộng thêm tranh chấp, bất đồng. Tăng cường hợp tác trên biển, hợp tác để khu vực biển Đông là khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị; lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục…
Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển; trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử, mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng. Hai nước tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ năm 1995 cách đây 28 năm. Hai nước thiết lập và triển khai mối quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 với nhiều nỗ lực vun đắp và xây dựng lòng tin, cùng hướng về phía trước, đến nay đã nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đặc biệt, 10 năm qua, lòng tin ngày càng củng cố và tăng cường góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp đà phát triển hiệu quả, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế, phù hợp nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ ngày càng lớn mạnh.
Như vậy, thực tế sự phát triển mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ là tất yếu khách quan, xu thế chung của thời đại. Đồng thời, đã chứng minh đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, thể hiện nét đặc sắc “ngoại giao cây tre” vì lợi ích của mỗi quốc gia – dân tộc, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, hoàn toàn không có chuyện “theo bên này, chống bên kia” như luận điệu những kẻ xấu, cố tình xuyên tạc, bịa đặt.
Tống thống Joe Biden khẳng định với báo chí quốc tế ngay sau cuộc hội đàm cấp cao vào chiều tối 10/9 rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn lại chặng đường quan hệ giữa hai nước, từ xung đột tới bình thường hóa và việc nâng cấp mối quan hệ đó lên tầm cao mới sẽ là một động lực cho thịnh vượng và an ninh tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng””.
Đại Thắng
Nhận xét
Đăng nhận xét