Trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, các thế lực chống phá lại tiếp tục tung ra những luận điệu sai trái, cố tình tạo ra những cái nhìn méo mó về quan hệ hai nước.
Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Chuyến thăm cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Sự kiện còn diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam ngay sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ. Chuyến thăm Việt Nam lần này là một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Việc các Tổng thống Hoa Kỳ đều có chuyến thăm tới Việt Nam (kể từ chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton vào tháng 11/2000) đã phản ánh vai trò quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới đối tác của Hoa Kỳ ở khu vực.
Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đăng tải những thông điệp tích cực của chuyến thăm, khẳng định Việt Nam tiếp tục cho cả thế giới biết và hiểu hơn về đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việc nâng mức quan hệ ngoại giao từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tiếp tục khẳng định mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ở tầm cao mới, đó là Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Ngay sau chuyến thăm, Tổng thống Joe Biden đăng tải trên mạng xã hội video chia sẻ những khoảnh khắc quan trọng với hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo và các cuộc hội kiến của Tổng thống Hoa Kỳ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tổng thống Joe Biden viết trên trang cá nhân: “Sau 50 năm tiến triển trong mối quan hệ giữa hai nước, từ xung đột đến bình thường hóa, tôi tự hào đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam – một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”… Những tình cảm đó cho thấy cá nhân Tổng thống Joe Biden nói riêng, Hoa Kỳ nói chung rất coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ngược lại với thực tế đó, những phần tử phản động lưu vong ở hải ngoại lại tỏ ra lo lắng, tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam và việc nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Các đối tượng tăng cường phát tán nhiều bài viết có nội dung sai trái, xấu độc để chống phá Đảng, Nhà nước; xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như quan hệ của Việt Nam với nhiều nước khác… Có trường hợp khi không thể ngăn cản chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden thì quay sang miệt thị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc chính sách ngoại giao “bốn không” của Việt Nam…
Những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, đối lập với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Trong phát biểu trước báo chí tối 10/9, Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại quá khứ quan hệ 2 nước trước năm 1975 với sự can thiệp của Hoa Kỳ vào miền Nam Việt Nam; tiếp đó đến mãi năm 1995, hai nước mới bắt tay hòa giải quan hệ ngoại giao.
Trải qua 28 năm, nay đã nâng đến mức độ cao nhất cho thấy sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau của cả hai nước. Tổng thống Joe Biden chia sẻ rằng, trước đây khi trở thành nghị sĩ, ông đã bỏ phiếu phản đối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam, yêu cầu Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ phải rút quân về nước. Ngay trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Joe Biden đã nhắc đến cố Thượng nghị sĩ John McCain, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry - người bắc cầu cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Phải khẳng định rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là phù hợp với thực tiễn của quan hệ ngoại giao hai nước, đáp ứng sự mong mỏi và tình cảm của các nhà lãnh đạo, nhân dân hai nước. Như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper đã nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ với báo chí trưa 13/9 rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tốt đều mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và Hoa Kỳ muốn trở thành một phần trong quá trình Việt Nam nỗ lực để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ cựu thù trở thành đối tác và Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã được nhiều nhà ngoại giao thế giới gọi là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, là tấm gương để các quốc gia khác noi theo, học tập.
Nghĩa là không chỉ hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ mà cả cộng đồng thế giới đều ghi nhận, trân trọng những nỗ lực trong bước tiến vượt bậc về quan hệ ngoại giao giữa hai bên bởi điều này còn có sự ảnh hưởng tích cực lớn đến an ninh, hòa bình, sự đoàn kết, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Cho nên, những lời lẽ kiểu hậm hực rằng, Hoa Kỳ đừng nên quan hệ với Việt Nam, rằng Hoa Kỳ cần đưa ra yêu sách buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi chế độ mới nâng cấp quan hệ hoặc châm chọc rằng, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là “theo phe này, chống phe kia”… là không đúng với thực tiễn.
Thêm một luận điệu cũ mòn nữa là các đối tượng chống đối liên tục ca thán “bày tỏ mối quan ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Cụ thể, một số tổ chức phi chính phủ đã viết thư chung gửi Tổng thống Hoa Kỳ, đề nghị ông Joe Biden khi sang thăm Việt Nam, trong các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam cần gây áp lực, can thiệp phải sửa đổi các điều luật mà các đối tượng cho rằng “mang tính chất đàn áp”, bao gồm các Điều 117 và 331, Bộ luật Hình sự và đòi bỏ Luật An ninh mạng. Họ rêu rao “chấm dứt hành vi đàn áp xuyên quốc gia và trả tự do cho tất cả tù nhân của lương tâm”; “thả tự do cho tất cả 41 nhà báo bị giam giữ”; “gặp gỡ gia đình các tù nhân chính trị để nghe những lời trần tình của họ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam”…
Rõ là những lời bịa đặt, vu khống cũ mòn về nhân quyền ở Việt Nam. Thực tiễn, ngoài những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chính sách cho đồng bào dân tộc và đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật..., những nỗ lực trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi mới đây còn nhấn mạnh: "Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng, nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó".
Trong khi đó, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP, ông Patrick Haverman lại đặc biệt ấn tượng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam nhằm đem lại cuộc sống ấm no và công bằng cho người dân, phản ánh rõ nét trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Theo ông Patrick Haverman, Việt Nam đã rất nỗ lực để bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân và Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu triển khai nhanh chóng vaccine COVID-19 cho toàn dân. Rồi cũng chính Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa biên giới, dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh, kích hoạt lại các hoạt động kinh tế.
Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra ở Geneva Thụy Sĩ, trong bài phát biểu ngày 13/9, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cũng đã nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân, trong đó đề cao chính sách phát triển của Việt Nam lấy con người làm trung tâm, coi con người là chủ thể, mục tiêu và động lực của phát triển, hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trước đó, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden (10-11/9) cũng dành hẳn một mục với tựa đề “Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”. Nghĩa là Việt Nam - Hoa Kỳ rất thẳng thắn, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với nhau những vấn đề liên quan đến con người, nhân quyền.
Cụ thể, Tuyên bố chung viết: “Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như Đối thoại nhân quyền, Đối thoại lao động Việt Nam-Hoa Kỳ hàng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.
Hai nhà lãnh đạo khuyến khích tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay khuynh hướng tình dục và người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền con người. Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận quyền con người, ổn định khu vực, hòa bình thế giới và phát triển bền vững có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Hai bên ghi nhận những đóng góp mà các tổ chức xã hội và tôn giáo tiếp tục mang lại trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc y tế và dịch vụ xã hội ở cả hai nước”.
Thực tế, dân chủ, nhân quyền là một vấn đề lớn, không một quốc gia nào dám tự coi là đã thực hiện một cách đầy đủ. Mỗi quốc gia thực hiện dân chủ, nhân quyền còn tùy thuộc vào tình hình chính trị - xã hội, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán và trình độ dân trí…
Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định rõ, bảo đảm quyền con người là bản chất của chế độ, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đồng thời là động lực của chế độ. Vì thế, Nhà nước Việt Nam luôn đẩy mạnh và coi trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người; củng cố tăng cường các thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy thực thi quyền con người, bảo đảm thực hiện đầy đủ hơn, tốt hơn các quyền tự do chính đáng của nhân dân.
Nhận xét
Đăng nhận xét