Có phải đa đảng là ưu việt?

 Từ trước đến nay, các thế lực thù địch, phản động thường lên án, gán ghép cho những nước theo chế độ một đảng lãnh đạo những danh xưng rất đáng sợ như “độc tài”, “độc đoán, chuyên quyền”, mất tự do, mất dân chủ, thối nát, sa đọa, xa hoa, lãng phí. Đồng thời, gán cho chế độ đa đảng những danh xưng rất kêu, rất mỹ miều như xứ tự do, thiên đường dân chủ, xứ sở đáng sống, mặt trời của nhân gian, hình mẫu của thế giới tự do, khuôn vàng thước ngọc của nhân loại.

Theo các thế lực thù địch thì “Việt Nam cương quyết không chấp nhận đa đảng, bởi vì đa đảng làm sao buôn bán được chức vụ. Đa đảng làm sao mua được bằng cấp giả. Đa đảng làm sao độc quyền cai trị nhân dân. Đa đảng làm sao kinh doanh được tượng đài. Đa đảng làm sao buôn bán được tôn giáo. Đa đảng làm sao cướp được đất của dân. Đa đảng làm sao đút lót, hối lộ, tham nhũng. Đa đảng làm sao bán được tài nguyên bỏ túi. Đa đảng làm sao rút ruột được tiền thuế của dân. Đa đảng làm sao mua xăng giá 5K bán được giá 15K. Đa đảng làm sao bán được giá điện gấp 3 lần giá mua. Đa đảng làm sao đầy tớ giàu được hơn chủ”. Đúng là giọng lưỡi của kẻ nịnh đầm, chuyên bợ đỡ quan thầy thành quen, nên thốt ra câu nào là câu đó sặc mùi nịnh bợ mà không hề có một chút trí khôn nào. 

Đành rằng, trong xã hội dù là tư bản hay cộng sản thì cũng chưa hoàn toàn là hoàn hảo, đều có những điều hay lẽ phải, đều có những ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm của mình. Thế nên, chủ nghĩa tư bản cho dù đã ra đời mấy trăm năm nay, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử mà vẫn chưa bị diệt vong, cũng như chủ nghĩa xã hội đã trở thành một mô hình cụ thể trên thế giới hơn một thế kỷ rồi, nhưng không phải là sự lựa chọn của tất cả quốc gia. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng phải thẳng thắn khẳng định rằng, chủ nghĩa xã hội vẫn ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản ở sự nhân đạo, nhân văn, quan tâm đến quảng đại quần chúng nhân dân, đến sự giải phóng con người. Nói vậy để thấy rằng, sự thật luôn là sự thật, dù cho các thế lực thù địch, phản động có ra sức cố gắng tuyên truyền xuyên tạc, dựng chuyện, bịa đặt, bóp méo tới đâu thì những ưu việt của chủ nghĩa xã hội vẫn nổi trội hơn chủ nghĩa tư bản. 

Lý luận Mác – Lênin đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Tuy nhiên, để tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa thì trước tiên, phải trải qua thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ là thời kỳ cái cũ, lạc hậu vẫn còn mà chưa bị triệt tiêu triệt để, cái mới tiến bộ đã hình thành song chưa trở thành chủ đạo, chưa trở thành cái phổ biến, chưa lấn át hoàn toàn cái lạc hậu của xã hội cũ. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, thế thì không có gì là ngạc nhiên khi tại Việt Nam vẫn có những thói hư, tật xấu như tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hay tệ quan liêu, hách dịch của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhìn ra thế giới tư bản cũng thấy những điều tương tự như vậy. Ở các nước tư bản theo chế độ đa đảng có tham nhũng không? Có. Tháng 12-2003, đại diện hơn 120 quốc gia trên thế giới đã họp ở Mexico để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Và Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 9-12 hằng năm là Ngày quốc tế chống tham nhũng để bày tỏ sự quan ngại về vấn đề tham nhũng trên toàn cầu. 

Như vậy đã quá rõ ràng, tham nhũng đã trở thành vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì một quốc gia nào. Ở các nước phương Tây theo chế độ đa đảng có dùng tiền để mua quan bán tước không? Theo tờ New York Times, các ứng cử viên chạy đua cho ngôi vị Tổng thống Mỹ có rất nhiều cách để quyên tiền vận động tranh cử, song chủ yếu dựa vào 4 nguồn chính là: Cá nhân và các nhóm lợi ích; các siêu ủy ban hành động chính trị; các đảng chính trị họ tham gia; tiền túi của họ hoặc gia đình. Đối với các cá nhân muốn ủng hộ các ứng cử viên, họ chỉ được đóng góp tối đa 2.700 USD. Tuy nhiên, các cá nhân này có thể đóng góp không giới hạn cho những ủy ban siêu chính trị. Bên cạnh những nguồn tài chính này, ứng cử viên Tổng thống Mỹ còn được tài trợ một khoản tiền từ Quỹ bầu cử Tổng thống để thực hiện các hoạt động vận động của mình. Vì thế mới có câu chuyện các nhà tài phiệt Mỹ có thể thao túng các quyết sách của Chính phủ Mỹ bởi vì họ là những người đã bỏ tiền ủng hộ quỹ vận động tranh cử nhiều nhất cho Tổng thống Mỹ. Người ta gọi đó là “tham nhũng chính sách” – đó không phải là mua quan thì là gì? Mà quy định như thế, rõ ràng là chỉ người giàu mới có cơ hội và điều kiện để hoạt động chính trị, còn người nghèo đến bao giờ?! 

Hay cử tri bầu ra các đại cử tri, rồi các đại cử tri bầu ra tổng thống. Vậy thì cũng có gì khác Việt Nam khi cử tri bầu ra đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và các bộ trưởng? Có chăng là khác nhau về tên gọi mà thôi. Ở phương Tây theo chế độ đa đảng có bạo lực, giết chóc, cướp bóc không? Có, nhiều là đằng khác. Với một đất nước mà người dân được sở hữu súng thì sẽ không tránh khỏi các vụ xả súng hàng loạt… Thế thì nguyên nhân gì mà mặc nhiên coi những khuyết điểm đó là sản phẩm riêng có, do chủ nghĩa cộng sản sinh ra vậy? Nó chỉ có thể là sản phẩm của một lối tư duy thiển cận, áp đặt, một cái nhìn ác cảm, thiếu thiện chí vậy. 

Tóm lại, cái xấu, cái ác thì xã hội nào, dù là tư bản hay cộng sản đều có. Quan trọng là chúng ta có nhận ra để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hay không – mà công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện mạnh mẽ hiện nay là câu trả lời rõ ràng nhất. Hãy nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực bằng tư duy sáng suốt, biện chứng. Đừng để tình cảm lấn át lý trí, cảm tính đánh gục lý tính mà rơi vào thiển cận, ấu trĩ. Đa đảng hay một đảng cũng đều có cái hay, cái dở, đừng quá bợ đỡ một cách lộ liễu, trơ trẽn, thái quá như vậy.

Thanh Quang (BPO)

Nhận xét