Sự hiện diện của nữ sĩ quan CAND trong lực lượng GGHB là sự bảo đảm cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới. Không những thế, đây còn là môi trường làm việc với những trải nghiệm quý báu.
Từ năm 2014 đến nay, hơn 500 lượt sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Phái bộ của Liên hợp quốc (LHQ) tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam tự hào là quốc gia có 13% số nữ quân nhân trên tổng số quân nhân tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ. Sự tham gia ngày càng nhiều của các nữ sĩ quan trong Phái bộ GGHB LHQ là nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bối cảnh thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai bền vững, an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới. Tuy vậy, bên cạnh cơ hội là rất nhiều thách thức đặt ra với các nữ sĩ quan mà nếu không có nỗ lực lớn, quyết tâm cao thì chắc chắn các chị sẽ không thể nào vượt qua được để “chạm” tới ước mơ, lý tưởng sống của mình, biến những điều tưởng như không thể thành có thể.
Vượt qua chính mình
Chúng tôi gặp Trung tá Lương Thị Trà Vinh, Sĩ quan, Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) vào cuối tháng 5/2023 khi chị về Việt Nam trong kỳ nghỉ phép và tham dự hội nghị quốc tế về nữ sĩ quan tham gia GGHB LHQ tại Học viện ANND. Vào tháng 10/2022, chị và đồng đội đã lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại UNMISS sau khi vinh dự trở thành nữ sĩ quan đầu tiên trong lực lượng CAND Việt Nam đạt yêu cầu tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Chị Vinh cho biết: “Những ngày này, mặc dù đang ở trong kỳ nghỉ phép nhưng tâm trí tôi dường như vẫn còn ở Nam Sudan. Đúng như người Việt Nam vẫn thường nói theo câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.
Tham gia hoạt động GGHB của LHQ tại Nam Sudan đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm quý giá. Đó là niềm vinh dự khi được tin tưởng, giao nhiệm vụ là nữ sĩ quan CAND đầu tiên tham gia GGHB LHQ. Trong tim tôi vẫn còn nguyên vẹn niềm vui, sự xúc động và cả trách nhiệm được giao trong ngày nhận quyết định lên đường làm nhiệm vụ GGHB”.
Cũng theo Trung tá Lương Thị Trà Vinh, được sinh ra, lớn lên trong hoà bình, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và những chiến sĩ CAND như chị luôn mong muốn tiếp tục kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông bằng nhiều hình thức và con đường để đóng góp cho sự ổn định, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Sự hiện diện của nữ sĩ quan CAND trong lực lượng GGHB là sự bảo đảm cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới. Không những thế, đây còn là môi trường làm việc với những trải nghiệm quý báu khi các nữ sĩ quan được giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm, kiến thức về công tác Cảnh sát từ bạn bè quốc tế; được đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm công tác Cảnh sát của Việt Nam trong hoạt động xây dựng và nâng cao năng lực cho Cảnh sát Nam Sudan nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Sau quãng thời gian làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại UNMISS, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, Trung tá Lương Thị Trà Vinh cũng đã đúc kết về những khó khăn, thách thức như Nam Sudan là địa bàn khó khăn, phức tạp về tình hình chính trị-xã hội, nguy hiểm chưa lường hết, nhiều rủi ro về bệnh tật; khí hậu khắc nghiệt; những khó khăn trong quá trình làm việc như bị đối tác từ chối hợp tác, nhất là đối với các hoạt động tuần tra hỗn hợp.
Để vượt qua những khó khăn trên, đòi hỏi người sĩ quan phải có bản lĩnh vững vàng cùng kỹ năng thương lượng tốt để thuyết phục đối tác. Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường quốc tế đa dạng về văn hoá, dân tộc, nền tảng giáo dục, chính trị, tôn giáo, chuẩn mực xã hội hay cá tính của mỗi người đòi hỏi sĩ quan GGHB cũng luôn phải quán triệt các giá trị cốt lõi của LHQ nói chung, trong đó có việc tôn trọng sự đa dạng. Ngoài ra, để tham gia hoạt động GGHB LHQ, cá nhân mỗi sĩ quan cảnh sát đều phải vượt qua kỳ thi tiêu chuẩn SATT/AMS với những điều kiện vô cùng khắt khe.
Tuy vậy, khó khăn và trăn trở lớn nhất theo Trung tá Vinh vẫn là từ bản thân mỗi sĩ quan GGHB, đặc biệt là phụ nữ, chính là con cái và gia đình bởi trong quan niệm thiên chức luôn gắn với gia đình và con cái. Nếp nghĩ này vừa là điều thiêng liêng, tôn vinh phụ nữ nhưng cũng chính là “rào cản” trong nhận thức và trở thành định kiến. Vì vậy, để ổn định gia đình và tham gia hoạt động GGHB là không đơn giản.
“Những nữ sĩ quan dù có mạnh mẽ đến mấy thì gia đình, con cái luôn là nơi mà cảm xúc trở nên mềm yếu nhất. Đây cũng là thử thách lớn nhất họ phải đối mặt và vượt qua khi sẵn sàng nhận nhiệm vụ GGHB LHQ. Thật may mắn với tôi là được gia đình thông cảm, tạo điều kiện cho ước mơ của tôi; các con tôi cũng thấy tự hào về người mẹ của mình và chính điều đó là động lực giúp tôi có thể vượt qua mọi rào cản để thực hiện được lý tưởng của mình”- đồng chí Vinh tâm sự.
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Đại diện hơn 70 nữ quân nhân trong tổng số khoảng 500 cán bộ, sĩ quan Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng đã và đang được triển khai tại các Phái bộ GGHB LHQ, Đại úy Vũ Nhật Hương, Trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế, Cục GGHB Việt Nam, nguyên Sĩ quan Truyền thông, Phòng Truyền thông, Phái bộ GGHB LHQ Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) chia sẻ: “Năm 2021, tôi vinh dự khi là nữ quân nhân thứ 7 triển khai theo hình thức cá nhân với nhiệm vụ Sĩ quan Truyền thông và cũng là vị trí lần đầu LHQ gửi thư mời Việt Nam tham gia. Đó là một hành trình dài để chạm tới được ước mơ đại diện nữ sĩ quan Việt Nam, đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh để đóng góp một phần công sức, kiến thức vào môi trường công việc quốc tế. Ba mươi, cái tuổi mà nhiều phụ nữ bắt đầu dành mối bận tâm cho một cuộc sống gia đình riêng. Nhưng tuổi 30 của tôi lại dành trọn cho cơ hội được thử thách bản thân, mà cơ hội không phải lúc nào cũng ở đó chờ mình. Đó là tới châu Phi, dành một năm cho những trải nghiệm gian nan nhưng mới mẻ, thú vị và đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của mình”.
Theo Đại uý Vũ Nhật Hương, trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại MINUSCA, được sống và làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa quốc gia và đa dạng về văn hoá đã mang lại cho chị nhiều trải nghiệm và kỹ năng bổ ích. Chị đã tự tin phối hợp công việc với bạn bè quốc tế và học hỏi từ họ khá nhiều. Đặc biệt, những đồng nghiệp mới này đã giúp chị nhận thức được rằng, việc triển khai công tác tới Phái bộ là điều bình thường, vì ở đây không có giới hạn cho số lần triển khai, bất kể là nam hay nữ, trong số họ có người đã từng trải qua hai đến ba lần làm việc tại các Phái bộ khác nhau của LHQ. Và đặc biệt, cũng ở chính nơi đây, chị được bạn bè quốc tế ghi nhận những nỗ lực trong công việc, chị tìm thấy niềm vui, niềm tự hào khi hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ được người dân địa phương yêu mến mỗi khi xuất hiện ở các khu dân cư, trường học. Hai tiếng Việt Nam cũng được họ gọi lên với thái độ trân trọng và nhiều cảm mến...
Từ trải nghiệm của bản thân, Đại uý Vũ Nhật Hương cho rằng, đối với lực lượng nữ quân nhân, có rất nhiều yếu tố tác động đến tinh thần và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB LHQ như: Vị trí công tác mới với tính chất nhiệm vụ đa dạng, phức tạp đòi hỏi kiến thức chuyên môn và yêu cầu cao; môi trường làm việc xa gia đình, xa Tổ quốc; điều kiện sống, sinh hoạt vất vả, khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh bùng phát; tình hình chính trị, an ninh tại địa bàn bất ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ công tác, cá nhân chị cũng như các đồng đội trong lực lượng nữ chiến sĩ mũ mồi xanh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên thường xuyên, sâu sát và kịp thời của lãnh đạo các cấp; sự ủng hộ, tạo điều kiện của hậu phương, gia đình; sự tin tưởng, giúp đỡ, tương trợ của bạn bè, đồng nghiệp.
Đây là nguồn động lực to lớn để nữ quân nhân có ý chí mạnh mẽ, quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ tại địa bàn, can đảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng đáng là sứ giả của một quốc gia yêu chuộng hòa bình tại những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn từ các cuộc xung đột và mâu thuẫn phe phái, sắc tộc…
Nhận xét
Đăng nhận xét