Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra vào cuối năm nay, các thế lực thù địch, cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đang ra sức xuyên tạc, kích động, lôi kéo người lao động đòi quyền lập trong doanh nghiệp của mình cái gọi là “tổ chức đại diện người lao động”, “công đoàn độc lập” nhằm xóa bỏ công đoàn cơ sở, phủ nhận vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội.
Công đoàn cơ sở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) thăm hỏi đoàn viên. |
Những năm qua, dù nhân danh “tổ chức đại diện người lao động”, nhưng trong thực tế các hội đoàn này không hề quan tâm đến đời sống của công nhân, viên chức.
Suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương cũng như thời gian sau đó thay vì thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ lực lượng công nhân như mục tiêu vẫn thường rêu rao, các hội nhóm này chỉ xuất hiện trên không gian mạng, ra sức đưa ra những nội dung sai sự thật, bịa đặt nhằm gây hoang mang lo sợ trong xã hội, gây bất ổn kinh tế hoặc kích động những người lao động nhẹ dạ, cả tin.
Thực tế cho thấy tất cả chính sách hỗ trợ sinh hoạt cho người lao động, nhất là những người bị mất việc làm, giảm thu nhập đều đến từ nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức chống phá này cố tình chối bỏ sự thật không thể phủ nhận là Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội ra đời từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân chưa giành được chính quyền. Trải qua chặng đường lịch sử, Công đoàn Việt Nam đã phát triển và trưởng thành nhanh chóng, xứng đáng là tổ chức đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của công nhân, viên chức, lao động và trên hết vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Điều đáng nói, các đối tượng chống phá cố tình dàn dựng những video clip có nội dung, bôi đen về tình cảnh người lao động Việt Nam; tuyên bố thành lập kêu gọi tham gia “công đoàn độc lập” bất chấp mọi quy định của pháp luật.
Để hư trương thanh thế, các tổ chức này thường xuyên cộng tác với những tờ báo, blog, diễn đàn mạng xã hội có khuynh hướng chống cộng qua đó tung ra luận điệu “nghiệp đoàn độc lập là giải pháp” cho các vấn đề của người lao động hiện nay, đồng thời đưa ra yêu sách “nghiệp đoàn độc lập” thay thế công đoàn cơ sở làm đại diện cho công nhân Việt Nam tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, các hội nhóm chống phá, phản động liên tục tung ra các tin đồn thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang trong lực lượng lao động, nhất là những công nhân bị giảm thu nhập, mất việc làm.
Trên hệ thống fanpage, website của mình, các đối tượng thường xuyên đăng tải những trường hợp mâu thuẫn nhỏ, lẻ giữa công nhân và chủ doanh nghiệp ở một số địa phương, từ đó cố tình hướng lái dư luận rằng đây là những “phong trào bãi công” có tổ chức và quy mô lớn.
Từ việc tung tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, các phần tử chống phá thường xuyên lôi kéo, kích động công nhân tham gia “công đoàn độc lập”, kêu gọi bạo động theo mô hình phong trào “Áo gilê vàng” diễn ra tại Pháp. Để đạt được ý đồ trên, các tổ chức này luôn tận dụng mọi thời cơ nhằm tiếp cận người lao động đang làm việc ở trong và ngoài nước, đặc biệt là bộ phận công nhân đang có một số vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp.
Về nguồn gốc, chiêu trò thành lập “công đoàn độc lập” bắt đầu rộ lên vào đầu những năm 2000, “ăn theo” các phong trào dân sự của các hội, nhóm phản động. Hầu hết tổ chức “công đoàn độc lập” đều do phần tử người Việt lưu vong lập ra, có trụ sở chính đặt tại nước ngoài.
Chúng thường xuyên móc nối với các đối tượng cơ hội, bất mãn chính trị ở trong nước và nước ngoài thành lập mạng lưới tổ chức “ma”, nối dài “vòi bạch tuộc” thâm nhập vào hệ thống nhà máy, phân xưởng ở Việt Nam.
Điển hình, có thể kể đến cái gọi là “ủy ban nhân quyền Việt Nam”, “liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam” của Nguyễn Văn Đài (đối tượng có nhiều tiền án về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện đang sống lưu vong tại nước ngoài).
Tuy nhiên hành động sai trái của Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn không hề nhận được sự hưởng ứng của người lao động và sớm bị cơ quan chức năng phát giác. Khi ra nước ngoài “tị nạn”, Nguyễn Văn Đài cũng nhanh chóng bỏ rơi “tổ chức công nhân và nhân quyền” do chính mình “sáng lập”.
Từ rất nhiều vụ việc trong thực tế, bản chất của cái gọi là “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” đã bị lực lượng chức năng vạch trần. Đó là núp dưới vỏ bọc tổ chức “bảo vệ quyền lợi người lao động”, các hội nhóm chống phá tiến hành nhiều hoạt động gây chia rẽ, làm suy yếu mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các công đoàn trực thuộc với các công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước; chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy những đối tượng sáng lập, điều hành cái gọi là “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” thời gian qua không hề quan tâm đến lợi ích của công nhân, viên chức, người lao động Việt Nam mà chỉ nhằm mục đích lợi dụng, biến họ thành công cụ chống phá Nhà nước và doanh nghiệp.
Không ít người lao động vì thiếu hiểu biết nhẹ dạ, cả tin vào “miếng bánh vẽ” do chúng vạch ra để rồi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật phải chịu những bản án nghiêm khắc của tòa án.
Từ phía mình, các tổ chức nêu trên cũng vội vàng rũ bỏ trách nhiệm, mối liên quan với người lao động có hành vi phạm pháp song song với hoạt động vu cáo chính quyền đàn áp công nhân. Vì lẽ này, sau một khoảng thời gian “khua chiêng, gõ mõ”, một số lượng lớn tổ chức “công đoàn độc lập” đã tuyên bố tự giải tán hoặc im hơi, lặng tiếng khi phần lớn người lao động Việt Nam đã nhận ra bộ mặt thật của chúng.
Thực trạng này hoàn toàn khác xa với mục tiêu trên và thực tế chăm lo bảo vệ người lao động của đất nước ta hiện nay.
Trên thực tế từ đầu năm 2023 đến nay kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái do hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng, bất ổn chính trị, xung đột trên thế giới, là một quốc gia có nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy tác động tiêu cực này.
Tuy vậy, bất chấp những thách thức hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy nhiều điểm sáng khi duy trì được sự tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã chứng kiến 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn nhưng lại có 113.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Không chỉ vậy, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm ở nước ta chỉ là 2,5%, ở mức thấp so với mặt bằng chung trên thế giới. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan trong công tác bảo đảm việc làm cho người lao động.
Giữa bối cảnh kinh tế đất nước tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, công tác chăm lo, ổn định đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong đó, vai trò Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc ngày càng được khẳng định. Hoạt động công đoàn tại nhiều địa phương ngày càng đổi mới với nhiều phương thức hiệu quả, thích ứng tình hình mới nhằm giải quyết kịp thời, đầy đủ những nguyện vọng chính đáng cho người lao động.
Các công đoàn cơ sở cũng theo sát vấn đề bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, nhất là các doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật. Các tổ chức công đoàn đã đại diện người lao động trực tiếp đề đạt nhiều ý kiến, giải pháp đúng đắn, hỗ trợ cuộc sống cho công nhân bị giảm thu nhập, mất việc làm…
Nhận thấy ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao, liên đoàn lao động nhiều tỉnh, thành phố đã đề xuất cho phép công đoàn các cấp được khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Từ đây thể hiện sự quyết tâm của công đoàn cơ sở trong việc hỗ trợ hàng triệu người lao động chưa được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Không chỉ bảo đảm việc làm và thu nhập, liên đoàn lao động nhiều tỉnh, thành phố cùng các đơn vị liên quan cũng rất nỗ lực trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội đối với công nhân làm việc trên địa bàn với các nhóm nhiệm vụ: rà soát nhu cầu nhà ở xã hội đối với công nhân, triển khai dự án nhà ở xã hội song song với việc giám sát, khắc phục nguyên nhân chậm tiến độ một số dự án nhà ở xã hội.
Đến nay đã có 36 tỉnh, thành phố giới thiệu quỹ đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tái khẳng định mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân sớm trở thành hiện thực…
Hiện nay, việc các nhóm đối tượng xấu, đặc biệt là những phần tử lưu vong trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài núp bóng dưới cái gọi là “công đoàn độc lập” để chống phá chế độ đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Bởi vậy, cùng với việc siết chặt quản lý của chính quyền địa phương các cấp, tổ chức, cơ quan liên quan đội ngũ viên chức, công nhân, người lao động cần hết sức tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không tham gia các tổ chức bất hợp pháp.
Bên cạnh đó các lực lượng chức năng cũng cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến người lao động, gây bất ổn xã hội.
PHAN KỶ
Nhận xét
Đăng nhận xét