Các vụ lừa đảo trực tuyến đang gia tăng với những diễn biến mới, phức tạp trên môi trường số. Cụ thể, theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ảnh minh họa. |
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam hiện có 3 nhóm chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo, như: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng…
Cục An toàn thông tin cũng nhận định, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng…
Mặc dù mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản nhưng với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo lại thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau. Đơn cử, với nhóm đối tượng người cao tuổi, các hình thức lừa đảo phổ biến gồm: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao…
Hay ở nhóm đối tượng sinh viên, thanh niên, có thể kể đến các hình thức như: cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…; lừa đảo đầu tư tài chính; lừa đảo tuyển cộng tác viên online… Thủ đoạn này khiến các hành vi lừa đảo khó bị nhận diện và phát hiện hơn.
Lừa đảo trực tuyến không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn gây ra nhiều hệ lụy về tinh thần, về sự bất ổn trong cuộc sống và những nguy hại khó lường khác. Một trong các nguyên nhân chính khiến hành vi lừa đảo trên không gian mạng đang không ngừng gia tăng là do người dùng mạng xã hội chưa có ý thức cảnh giác cao độ trong việc nhận diện các hành vi lừa đảo trực tuyến.
Hơn nữa, người dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ của mình trên môi trường số vốn đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về quản lý các nền tảng mạng xã hội của Việt Nam chưa bắt kịp với thực tế và còn nhiều khoảng trống cần tiếp tục được hoàn thiện. Mặt khác, sự ưu việt của công nghệ cũng dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo.
Để tránh các “bẫy” lừa đảo trực tuyến, chúng ta cần thêm rất nhiều “bộ lọc” trên không gian mạng.
Để tránh các “bẫy” lừa đảo trực tuyến, chúng ta cần thêm rất nhiều “bộ lọc” trên không gian mạng, gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển; tăng cường sự phối hợp hành động giữa cơ quan quản lý, các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và người dùng mạng xã hội; gia tăng các giải pháp về công nghệ để hỗ trợ phát hiện các hành vi có dấu hiệu khả nghi…
Ngoài ra, người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao hiểu biết, có ý thức xác minh độ tin cậy của các thông tin mà mình tiếp nhận được từ môi trường mạng. Song song với đó, cần học hỏi kỹ năng sử dụng công nghệ, tự cập nhật thông tin để có thể nhận diện được hành vi lừa đảo đang diễn ra mỗi ngày; tố giác các hành vi có dấu hiệu lừa đảo thông qua đường dây nóng của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, với nhóm người cao tuổi (đối tượng “tấn công” chủ yếu của tội phạm mạng hiện nay), cần tỉnh táo, cảnh giác, không chuyển tiền và thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai trên mạng. Với những vấn đề chưa hiểu biết thấu đáo, cần tham khảo thêm ý kiến của các thành viên khác trong gia đình trước khi đưa ra quyết định.
MINH ANH
Nhận xét
Đăng nhận xét