Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng: Tội ác của những kẻ chống phá và cái giá của sai lầm
Dưỡng Nguyên
1. Trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Họ vào hùa với nhau, tiếp tục “đổ dầu vào lửa” với tham vọng cản trở công cuộc đổi mới, ngăn cản việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của Nhân dân ta.
Tiêu điểm chống phá của các thế lực thù địch là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, tập trung vào sự phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Âm mưu và thủ đoạn này không mới nhưng sự nguy hiểm của nó thì rất lớn: Triệt phá từ “gốc” những nội dung “cốt lõi” trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta với thái độ hết sức thâm thù, xảo trá nhằm hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng, tước bỏ niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta; gây rối loạn đời sống tinh thần xã hội Việt Nam; khiến chúng ta không thể an tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đây, các thế lực thù địch mở rộng quy mô, hình thức chống phá sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội, đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại; làm mất uy tin, vị thế của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Sự thâm thù và tội ác này cần nhận diện đúng và có biện pháp khắc chế hiệu quả, không thể xem thường.
Âm mưu cơ bản, xuyên suốt và lâu dài của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta nhằm tạo ra “khoảng trống chính trị” trong nhận thức, tư tưởng, lý luận để đưa ý thức hệ tư sản xâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống tinh thần của Nhân dân ta, lái nước ta đi theo quỹ đạo TBCN. Vì vậy, trong tình hình mới, dù phải đối mặt với bộn bề công việc nhưng chúng ta phải để tâm, nhận diện đúng nguồn gốc, bản chất, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, lợi ích quốc gia – dân tộc, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của Nhân dân.
Chúng ta không hề ngạc nhiên khi các thế lực thù địch tái lập “điệp khúc cũ”, tấn công trực diện vào các nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, xoáy vào nguồn gốc ra đời, những cống hiến, giá trị khoa học, cách mạng của học thuyết này. Vì sao như vậy? Phải chăng các thế lực thù địch nhàn rỗi, gây chuyện mua vui? Ở đây ẩn chứa một âm mưu vô cùng thâm độc: Muốn phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phải bắt đầu từ sự xuyên tạc nền “gốc”, đó là sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là những vấn đề căn cốt, đặc biệt quan trọng nhưng ở Việt Nam còn nhiều người hiểu biết chưa tường tận, chuyên sâu về vấn đề này nên rất dễ lừa gạt.
Vì lẽ đó, các thế lực thù địch ra rả tuyên truyền về sự lỗi thời, lạc hậu của chủ nghĩa Mác – Lênin với nhiều luận cứ, thoạt nghe có vẻ thuyết phục, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin xuất hiện đã cách chúng ta gần 2 thế kỷ nên đã cũ kỹ, lỗi thời, không còn phù hợp với thế kỷ XXI – thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Lý lẽ của họ là chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời ở châu Âu, dựa vào những tiền đề kinh tế, chính trị – xã hội; khoa học – công nghệ, lý luận và tư tưởng – văn hóa của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của châu Âu nên đã là quá khứ.
Với luận điểm này, họ lấy xuất phát điểm với tư cách là sự giáo đầu về mặt lý luận để thực hiện mưu đổ chính trị nhằm chuyển hóa Việt Nam con đường TBCN nhằm thu hút đông đảo sự ủng hộ của người dân. Nhìn vào chiều sâu của thủ đoạn này là hết sức nguy hiểm, không thể xem thường. Nó đã đi từ vấn đề “nền gốc” để lung lạc ý chí của người dân khi mà thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam và trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn, trong khí đó CNTB đang “thay đổi” để thích nghi, phát triển và đạt được một số thành quả nhất định có sức hấp dẫn lớn, không thể phủ nhận.
Vì lẽ đó, các thế lực thù địch cố tình chỉ ra sự bất cập của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam bằng cách nêu ra sự khác biệt căn bản của Việt Nam với châu Âu, luôn rùm beng la ó rằng, “chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết ngoại lai”, “ngoại đạo” do C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin sáng lập dựa trên nền tảng kinh tế – xã hội châu Âu, mà châu Âu khác Việt Nam, nên nó không cần cho Việt Nam. Từ đó, họ nêu ra lý lẽ, rằng C. Mác, Ph. Ăngghen là những người Đức, còn V.I. Lênin là người Nga; cả hai nơi ấyL nước Đức và nước Nga – chủ nghĩa Mác – Lênin và của CNXH khoa học không còn tồn tại, nó đã được đưa vào “bảo tàng lịch sử”, “chỉ còn lại là cái tên gọi, cái bóng của quá khứ”.
Khuếch đại tính đặc thù của Việt Nam, các thế lực thù địch đã quy kết, vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng bảo thủ, trì trệ”, rằng lý luận mà C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin “nặn ra hoàn toàn không phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam cần chấm dứt sự “hoài cổ”, dừng lại việc “khư khư bám giữ chủ nghĩa Mác – Lênin”, bởi lấy nó làm nền tảng tư tưởng là một sai lầm. Không thể thực hiện được mục đích, họ điên cuồng phản kháng, quy kết, buộc tội Đảng ta đã “kìm hãm sự phát triển của Việt Nam”, “kéo lùi lịch sử dân tộc”…
Luận điểm này đã trở thành một trong những lý do cơ bản mà các thế lực thù địch theo đuổi, dựa vào nó để bắn một mũi tên nhằm đạt hai mục đích: xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin: nền tảng tư tưởng của Đảng ta để mở con đường đi mới, đón rước hệ tư tưởng tư sản vào Việt Nam. Ý đồ sâu sa ấy đã trở thành cái “mầm” mọc ra vô số âm mưu, thủ đoạn tàn ác chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Cho nên, không ít người cứ tưởng vấn đề này là cũ, ít nhiều lãng quên nhưng thực tế, nó lại luôn luôn mới vì nó gắn liền với sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam; tuyệt đối không thể xem thường, không được sao nhãng, chủ quan duy ý chí, khinh thường địch.
Với luận điệu sai trái và lời lẽ ngông cuồng, các thế lực thù địch đã loang tin rằng, “thời đại của họ đã đến”, “CNTB đã lên ngôi” ngay sau khi CNXH hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, theo đó, chủ nghĩa Mác – Lênin đã “cáo chung”, “vai trò của các Đảng Cộng sản cũng kết thúc”, “Đảng Cộng sản Việt Nam cô độc”, “cô đơn”…
Bám vào sự kiện này, các thế lực thù địch đã tung hô, nâng nó lên tầm mới, lấy nó làm cái cớ để chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, coi chủ nghĩa Mác – Lênin “là sai lầm của lịch sử”, là “CNXH không tưởng”, không bao giờ thực hiện được. Từ đó, họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam “không thức thời”, cứ “bám lấy chủ nghĩa Mác – Lênin là bảo thủ”, là “đi ngược lại tiến bộ xã hội”.
Phải nói ngay rằng, đây là cái cớ “thứ cấp” để họ tung ra luận điệu mang tính tuyên ngôn để chống phá Đảng ta: “Việt Nam cần phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì mới có dân chủ thật sự”. Kỳ vọng của họ là “lấy tấm gương của phương Tây, các nước G7 làm hình mẫu để Việt Nam “cất cánh”. Chìa khóa để thực hiện sự cuồng vọng ấy là “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Biện pháp để đạt mục tiêu ấy là “tấn công hạ gục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, chứng minh “sai lầm của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, v.v..
2. Lý lẽ của họ là, chừng nào ở Việt Nam còn tồn tại chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thì chừng ấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, và “Việt Nam vẫn còn bị xiềng xích trói buộc”; do đó, không thể thực hiện khát vọng đưa Việt Nam phát triển theo con đường TBCN, theo tấm gương của các nước G7 và phương Tây. Điều đó cũng có nghĩa là sự tồn tại của các thế lực thù địch sẽ bị đe dọa, nguy cơ bị diệt vong đang đến gần. Đó là sự giải thích rõ ràng nhất vì sao các thế lực thù địch lại cố tình ca ngợi CNTB, “sự lên ngôi của các nước G7”; dùng nhiều lời bào chữa, chứng minh cho sự điều chỉnh, thích nghi và phát triển mạnh mẽ của các nước tư bản; cho rằng đó là tính ưu việt, sự vĩnh hằng của CNTB và CNTB là hiện thân của tiến bộ xã hội và chủ nghĩa nhân đạo.
Cho nên, giọng điệu tuyên truyền về sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thế kỷ XX với tần suất lớn như vậy cốt là để chứng minh: Lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm, là lỗi thời, không thể áp dụng ở Việt Nam, vu cáo Hồ Chí Minh đã sai lầm nghiêm trọng khi truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, gây họa cho dân tộc…, thực chất của chiêu trò này là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Tại sao chúng ta – những người đang được thụ hưởng thành quả cách mạng, cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phục hôm nay phải tin những lời tuyên truyền nhảm nhí ấy. Đúng vậy! Sự tuyên truyền nhảm nhí, phản trắc của những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, mở miệng là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đối với Nhà nước và xã hội ta là không thể chấp nhận, càn phải tẩy chay.
3. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, mỗi chúng ta hãy tỉnh táo, sáng suốt nhận diện thật rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thấy rõ nội dung đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN để luận giải, chứng minh và khẳng định cho được tính tất yếu khách quan của sự ra đời, phát triển; bản chất khoa học, cách mạng; giá trị, ý nghĩa và sức sống vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch và những thiên kiến hẹp hòi khi cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, lạc hậu; đã “cáo chung” cùng với sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu.
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải sử dụng hiệu quả hơn nữa các hình thức báo chí, nghiên cứu khoa học, giảng dạy; biên soạn sách, tài liệu; các phương tiện thông tin, truyền thông và tác dụng của mạng xã hội để đấu tranh phản bác những quan điểm, tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận các nguyên lý cơ bản, các phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin trên lập trường của phép biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư, lý luận về giai cấp, đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội; vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, v.v., để bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
4. Cùng với đó, luận giải, chứng minh và khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học, biện chứng của quá trình hình thành, phát triển và sự cần thiết phải truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam; xác định con đường cách mạng vô sản, chỉ ra mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Qua đó, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại tiến bộ, nhất là những giá trị, ý nghĩa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch cho rằng, Hồ Chí Minh lựa chọn con đường đi lên CNXH của Người cho cách mạng Việt Nam là sai lầm, ảo tưởng; Việt Nam cần có lý luận khác mà thực chất là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để dọn đường đón rước hệ tư tưởng tư sản vào Việt Nam, lái nước ta đi theo quỹ đạo của CNTB. Mặt khác, chỉ ra sự phát triển biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong điều kiện lịch sử mới, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chiếm vị trí thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam.
Đó là lời kêu gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống; niềm vui, hạnh phúc của chúng ta đối với sứ mệnh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.
Nhận xét
Đăng nhận xét