Lành mạnh hoá mạng xã hội Tiktok – Bài 1: Vì sao hàng loạt quốc gia “tẩy chay” Tiktok?

 LTS: Thời gian vừa qua, trước những nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng qua Tiktok, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các lệnh cấm đối với nền tảng mạng xã hội này. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok. Báo Quân đội nhân dân Điện tử giới thiệu tới bạn đọc hai bài viết chỉ ra những sai phạm và hệ lụy của nền tảng này, đưa ra lời cảnh báo để làm lành mạnh hóa mạng xã hội Tiktok, bảo vệ chủ quyền không gian mạng tại Việt Nam.

Câu chuyện ở nước Pháp

Gần đây nhất, hình ảnh về những đêm bạo loạn tại Pháp được lan truyền rộng rãi trên Tiktok những ngày qua làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn đối với người dùng, cũng cách thức xử lý và quản lý dữ liệu của nền tảng chia sẻ video trực tuyến này.

Trước bối cảnh đó, ngày 6-7, các nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ cấm Tiktok nếu nền tảng mạng xã hội này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội, trong đó có Tiktok, đã “châm ngòi” cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua, vào thời điểm mà chính phủ đang muốn giảm căng thẳng giữa người dân với lực lượng cảnh sát sau cái chết của một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi có tên Nahel.

Rất nhiều video được chia sẻ trên Tiktok được chủ nhân nói rằng có liên quan đến bạo loạn ở Pháp những ngày qua, nhưng thực chất đều là giả mạo, lấy từ các sự kiện khác để câu view. Ảnh: The France 24 Observers 
Rất nhiều video được chia sẻ trên Tiktok được chủ nhân nói rằng có liên quan đến bạo loạn ở Pháp những ngày qua, nhưng thực chất đều là giả mạo, lấy từ các sự kiện khác để câu view. Ảnh: The France 24 Observers 

AFP dẫn tuyên bố của chính quyền Paris nêu rõ sẽ làm việc với các trang truyền thông xã hội để “gỡ bỏ các nội dung nhạy cảm nhất” và xác định những người dùng “kêu gọi bạo loạn hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực”. Các cuộc trao đổi giữa chính quyền Pháp và các mạng xã hội, đã bắt đầu nhằm nhanh chóng loại bỏ nội dung kích động bạo lực. Chính phủ Pháp cũng đang thúc đẩy việc xác định những người châm ngòi và kích động bạo lực trên mạng.

Bên cạnh đó, một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp đã được thành lập với mục đích xem xét cách thức xử lý dữ liệu và “chiến lược gây ảnh hưởng” của Tiktok đối với vụ bạo loạn vừa qua nói riêng và các sự việc khác.

Theo AP, Pháp có luật chống lại quấy rối trên mạng. Các mối đe dọa trực tuyến về tội phạm cũng như những lời lăng mạ trực tuyến có thể bị truy tố. Vào năm 2020, Quốc hội Pháp cũng đã phê duyệt một dự luật bắt buộc các nền tảng và công cụ tìm kiếm để loại bỏ nội dung bị cấm trong vòng 24 giờ.

Không chỉ vậy, những cuộc bạo loạn tại Pháp đã bắt đầu lan sang các quốc gia châu Âu khác, gồm Thụy Sĩ và Bỉ. Tại Brussels, Bỉ, các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 30-6 và diễn ra tương đối ôn hòa, sau khi xuất hiện những lời kêu gọi “hành động như ở Pháp” trên mạng xã hội. Theo truyền thông địa phương, số người biểu tình bị bắt ở Brussels đã tăng lên 63 người. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Lausanne, Thụy Sĩ, nhưng có xu hướng bạo lực hơn. Cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt giữ 7 người, trong đó có 6 đối tượng vị thành niên, trong các cuộc bạo loạn hàng đêm ở Lausanne.

Chính quyền Pháp tuyên bố quyết tâm xử lý tình trạng bạo động hiện nay, đồng thời xem xét trách nhiệm của mạng xã hội, nhất là Tiktok liên quan đến vấn đề này. Ảnh: Firstpost
Chính quyền Pháp tuyên bố quyết tâm xử lý tình trạng bạo động hiện nay, đồng thời xem xét trách nhiệm của mạng xã hội, nhất là Tiktok liên quan đến vấn đề này. Ảnh: Firstpost

Quan ngại chung

Không chỉ riêng Pháp mà các chính phủ của các quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, Tiktok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, có thể đe dọa tới dữ liệu nhạy cảm của người dùng.

Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây cho rằng, Tiktok và công ty mẹ của nó, ByteDance, có thể sử dụng trái phép dữ liệu nhạy cảm của người dùng để phục vụ hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo ngại rằng, các đề xuất nội dung của Tiktok có thể cung cấp thông tin sai lệch, trái phép, nội dung độc hại, gây chết người. Ngược lại, phía TikTok từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc đó.

Một điểm gây tranh cãi là tính an toàn của công cụ đề xuất trên Tiktok. Theo The Verge, công cụ đề xuất sử dụng dữ liệu hành vi để xác định sở thích của người dùng và cung cấp cho họ nội dung có liên quan. Một số dữ liệu mà Tiktok khai thác để phục vụ công cụ đề xuất bao gồm: Thời gian người dùng ở lại trên một trang; thông tin đăng nhập cơ bản, chẳng hạn như tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ email; dữ liệu vị trí; địa chỉ IP; dữ liệu sinh trắc học.

Ông Joel Thayer, Chủ tịch Tổ chức thúc đẩy công nghệ số Digital Progress Institute, còn chỉ ra một nguy cơ tiềm ẩn đó là hầu hết người dùng TikTok là trẻ vị thành niên, nên các loại tội phạm có thể lợi dụng mạng xã hội này để tiếp cận trẻ em. “Có những thành phần tội phạm thích sử dụng những kiểu mạng xã hội này để dụ dỗ trẻ em tham gia vào hoạt động khiêu dâm và thậm chí cả hoạt động buôn người”, ông Joel Thayer giải thích.

Chính quyền Mỹ cáo buộc Tiktok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng ở nước này. Ảnh: CNBC
Chính quyền Mỹ cáo buộc Tiktok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng ở nước này. Ảnh: CNBC

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng, Tiktok có thể bị ép phải trao thông tin thu thập được từ người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bị dùng để cài phần mềm theo dõi, gây hại vào điện thoại của người dùng xứ cờ hoa. Bằng chứng cho thấy các đoạn mã với chức năng theo dõi của ByteDance đã bị phát hiện được cài vào 30 trang web của các chính quyền bang ở Mỹ. Năm ngoái, ByteDance cũng thừa nhận có tiếp cận các thông tin định vị của 2 nhà báo Mỹ để phục vụ mục đích điều tra nội bộ của công ty này.

Ngày 10-3-2023, Thủ tướng Bỉ De Croo đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro liên quan tới số lượng lớn dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập. Ngoài ra, Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ cũng đang yêu cầu Cơ quan Bảo vệ dữ liệu nước này điều tra chính sách quyền riêng tư của Tiktok.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc và Ireland cũng đã tiến hành điều tra về khả năng bảo mật dữ liệu của Tiktok. Nguyên nhân được giới chức quản lý nhiều nước đưa ra là mối lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.

Những “đòn giáng” mạnh

Đứng trước những nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng qua ứng dụng Tiktok, nhiều quốc gia đã ban hành các lệnh cấm đối với nền tảng mạng xã hội này. Các lệnh cấm một phần thường được giới hạn đối với nhân viên chính phủ hoặc khu vực công. Lệnh cấm đầy đủ áp dụng cho mọi công dân. 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.

Trong khi đó, các quốc gia như Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Latvia, New Zealand, Na Uy, Anh… ban hành lệnh cấm Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Lệnh cấm sử dụng Tiktok trên các thiết bị công vụ cũng đã có hiệu lực tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Australia. Ba cơ quan hàng đầu của EU là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng đã áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng Tiktok vào các thiết bị phục vụ công việc.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên cài đặt Tiktok trên điện thoại, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt với lý do viện dẫn “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng rất hạn chế trong công việc”.

Số lượng người dùng Tiktok là thanh thiếu niên, trẻ em tăng lên nhanh chóng cũng khiến nhiều bậc phụ huynh và chính quền lo lắng về những nội dung không phù hợp được đề xuất trên nền tảng này. Ảnh: The Guardian
Số lượng người dùng Tiktok là thanh thiếu niên, trẻ em tăng lên nhanh chóng cũng khiến nhiều bậc phụ huynh và chính quền lo lắng về những nội dung không phù hợp được đề xuất trên nền tảng này. Ảnh: The Guardian

Kể từ tháng 11-2022, nhiều bang tại Mỹ đã “nói không” với Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp và nhiều trường học như Đại học Texas, Đại học Auburn và Đại học Boise State, đã chặn ứng dụng này khỏi mạng Wi-Fi của khuôn viên trường. Sinh viên buộc phải chuyển sang dữ liệu di động để sử dụng ứng dụng này. Ngày 27-2-2023, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang xóa ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ trong vòng 30 ngày. Ngay sau đó, vào ngày 1-3, một ủy ban Hạ viện đã ủng hộ bỏ phiếu thông qua luật cho phép Tổng thống Joe Biden cấm TikTok được cài vào tất cả các thiết bị trên toàn quốc.

Tới ngày 10-3-2023, Chính phủ Bỉ cũng đưa ra lệnh cấm toàn bộ nội các, bao gồm Thủ tướng, các Bộ trưởng, toàn bộ công chức chính phủ, sử dụng Tiktok. Họ buộc phải gỡ bỏ ứng dụng trên điện thoại công vụ. Lệnh cấm có giá trị 6 tháng, sau thời gian đó, chính phủ sẽ xem xét xem có cần phải kéo dài thêm nữa hay không.

Ngay sau đó, Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải xóa ứng dụng Tiktok trên các thiết bị liên quan công việc trước ngày 15-3. Lệnh cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng các kẽ hở an ninh mạng để tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và môi trường làm việc của ủy ban này.

Một trong những nhà lãnh đạo lớn tiếng phê bình nhất ở châu Âu là Tổng thống Pháp Macron. Theo AFP, ông từng chỉ trích Tiktok “giả vờ vô tội” và là “cơn nghiện” với người dùng. Bình luận này kéo theo làn sóng tin tức về mối nguy hiểm của nền tảng này. Thậm chí, đến ngày 24-3, Pháp đã công bố lệnh cấm nhân viên chính phủ sử dụng Tiktok, Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.

Chính vì vậy, việc Tiktok đăng tải nhan nhản hình ảnh về việc cảnh sát Pháp bắn thiếu niên Nahel hay các vụ biểu tình biến thành bạo lực của thanh niên Pháp với lực lượng an ninh nước này càng thổi bùng căng thẳng giữa chính quyền đất nước hình lục lăng và Tiktok. Ngày 6-7, các nghị sĩ Pháp đang kêu gọi Tổng thống Macron cấm Tiktok vì lo ngại ảnh hưởng của mạng xã hội này đối với giới trẻ. Trước cuộc bạo loạn gây ra thiệt hại hơn 1 tỷ USD, Tổng thống Macron đã cáo buộc các mạng xã hội, cụ thể là Tiktok và SnapChat, chính là nguồn cơn trong việc kích động các hành vi bạo lực, khi nước này cố gắng ngăn chặn những cuộc biểu tình khiến “đổ dầu” vào những căng thẳng âm ỉ từ lâu giữa cảnh sát và thanh niên trong nước.

Ủy ban Điều tra của Thượng viện Pháp đã công bố một bản báo cáo dài 183 trang cảnh báo về tác động sức khỏe và tâm lý của Tiktok đối với giới trẻ Pháp. Theo đó, Tiktok bị cáo buộc “khai thác dữ liệu, chiến lược gây ảnh hưởng, tuyên truyền và thông tin sai lệch”. Theo hãng tin BFM-TV của Pháp, bản báo cáo cũng đề cập tới việc mở rộng lệnh cấm Tiktok từ điện thoại chỉ dành cho công chức Pháp sang cả những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức bao gồm quân đội, năng lượng, tài chính, giao thông vận tải và các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Pháp. Báo cáo cũng đưa ra khả năng hạn chế thời gian đối với người dùng Tiktok trẻ tuổi ở Pháp.

TikToK chưa thể kiểm soát hết được tất cả các nội dung bịa đặt về các cuộc biểu tình ở Pháp những ngày qua. Ảnh: SBS 
TikToK chưa thể kiểm soát hết được tất cả các nội dung bịa đặt về các cuộc biểu tình ở Pháp những ngày qua. Ảnh: SBS 

Người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran nhấn mạnh, các video lưu hành rộng rãi về các cuộc biểu tình đã “truyền cảm hứng” cho những người xem nhỏ tuổi bắt chước. Kể từ đó, ít nhất hai bộ trưởng cấp cao của chính phủ Pháp đã gặp đại diện của Tiktok, Snap, Twitter và công ty mẹ của Facebook là Meta, kêu gọi hạn chế nội dung bạo lực, và giúp xác định người dùng kích động bạo loạn. Phía Tiktok từ chối chia sẻ thông tin người dùng liên quan đến các cuộc biểu tình ở Pháp.

Mặc dù có phần tụt hậu so với những nền tảng mạng xã hội thống trị lâu nay như Facebook, Instagram hay Twitter nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển vượt bậc thì TikTok lại là nền tảng gây quan ngại nhất về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin, truyền bá thông tin độc hại, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia của nhiều nước trên thế giới.

(còn nữa)

Nhận xét