Kẻ “ăn cháo đá bát”

 Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam có nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao được ông bà ta đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, mang giá trị giáo dục sâu sắc. Trong đó, thành ngữ “ăn cháo đá bát” ám chỉ những kẻ vô ơn, bội nghĩa. Vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi, ích kỷ cộng với sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực phản động bên ngoài nên bọn họ sẵn sàng biến mình thành “con rối” điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Mới đây, trên trang Tiếng Dân News (baotiengdan.com), Nguyễn Đình Cống, kẻ “trở cờ”, đã có bài viết “Vài suy nghĩ khi đọc sách của ông Võ Hồng Phúc”. Ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là tác giả cuốn sách dưới dạng hồi ký có tên Chuyện của chúng tôi, chính thức giới thiệu và ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 12-2022. Ở Việt Nam, chuyện đó hoàn toàn bình thường. Ông Nguyễn Đình Cống nếu đọc cuốn sách và có những ý kiến bình luận (khen, chê) về nội dung cuốn sách cũng là điều hoàn toàn bình thường. Thế nhưng ông Cống đã cố tình “xỏ xiên” khi mượn chuyện “bình sách” để xuyên tạc, công kích, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ là điều trái với lương tâm và vi phạm pháp luật. 

Ông Cống viết: “Đổi mới từ năm 1986 thực chất là sửa sai, là cởi trói cho người dân. Ai sai, ai trói? Đảng chứ ai. Thế mà không một người nào trong lãnh đạo công nhận điều đó… Kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân là làm ngược lại với Mác Lê, nhưng tuyên truyền là vận dụng sáng tạo…”. Chỉ những kẻ cố tình “bẻ cong ngòi bút” mới viết ra những câu chữ như vậy. Bởi vì, ông Nguyễn Đình Cống là người có học thức, được Đảng, Nhà nước ưu ái đưa đi đào tạo ở Liên Xô; sau này trở thành giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, từng giảng dạy, công tác tại Đại học Xây dựng Hà Nội. Cũng như bao nhiêu đảng viên, trong giờ phút thiêng liêng khi đứng trước Quốc kỳ, Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã từng tuyên thệ “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Thế nhưng sau khi nghỉ hưu, ông đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để rời khỏi hàng ngũ. Không những thế, ông còn phủi bỏ những ưu ái mà Đảng, Nhà nước đã mang lại cho bản thân ông cùng gia đình. Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đằng này, ông đã không nhớ “người trồng cây” mà còn muốn… chặt luôn cây!

Lịch sử mỗi quốc gia, dân tộc đều có những thăng, trầm và không hoàn toàn giống nhau. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết khoa học. Song, để hiện thực hóa vào thực tiễn sẽ có những phương thức vận dụng khác nhau. Để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng, Nhà nước ta thực hiện cơ chế kinh tế bao cấp trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử của chúng ta khi đó. Nhưng khi cơ chế kinh tế bao cấp không còn phù hợp, trở thành lực cản, cộng với những điều kiện khách quan từ bên ngoài nên Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự sáng suốt của Đảng – hoàn toàn không phải “cởi trói, sửa sai” như ông Cống viết.

Sau khi “nói hươu nói vượn” về các nguyên nhân, cuối cùng ông Cống cũng “lòi đuôi cáo” bản chất khi viết rằng “Từ trong học thuyết Mác Lê với độc quyền đảng trị, với việc đồng nhất Đảng và Nhà nước, đồng thời đặt Đảng trùm lên mọi luật pháp, là những sai lầm về đường lối mà không chịu nghe phản biện”. Người như ông Cống chắc chắn đã đọc Hiến pháp năm 2013. Điều 4 Hiến pháp quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Vậy thì làm gì có chuyện “đặt Đảng trùm lên mọi luật pháp” hay đó chỉ là suy nghĩ của những kẻ phản bội lại lý tưởng như Nguyễn Đình Cống? Tất cả ý kiến phản biện, góp ý đều được Đảng, Nhà nước tiếp thu, lắng nghe nhưng đó phải là những phản biện, góp ý tâm huyết, chân tình trên tinh thần xây dựng, vì mục tiêu chung. Những kẻ lợi dụng góp ý, phản biện để thực hiện ý đồ cá nhân chắc chắn sẽ không bao giờ có “đất sống”.

Ở tuổi “gần đất xa trời”, thường thì con người ta sẽ suy nghĩ và hành động hướng đến những điều tốt đẹp để tích đức cho con cháu. Thế nhưng Nguyễn Đình Cống thì làm điều ngược lại. Những kết quả trên mọi mặt mà đất nước Việt Nam đạt được sau 37 năm đổi mới khiến cả thế giới khâm phục, xem là tấm gương. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Đình Cống càng thể hiện bản chất của kẻ “ăn cháo đá bát” đáng bị lên án.

Chính Trực

Nhận xét