Chống thông tin xấu độc là “cuộc chiến không ngừng nghỉ”

 Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT mô tả cuộc chiến với các nền tảng xuyên biên giới nhằm loại bỏ thông tin xấu độc là áp lực hàng ngày, hàng giờ, và không có ngày nghỉ.

Ngày 30/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề quản lý nền tảng xuyên biên giới, cũng như đấu tranh để “làm sạch” không gian mạng trước các thông tin xấu độc, sai sự thật.

Cuộc chiến quản lý nền tảng xuyên biên giới

Chống thông tin xấu độc là cuộc chiến không ngừng nghỉ - 1
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT khẳng định công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) khẳng định công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn, vì chưa từng có tiền lệ, cũng như không có quy định sẵn để thi hành.

Trong đó, thứ được đại diện của Bộ TT&TT mô tả như một “cuộc chiến không ngừng nghỉ”, luôn tạo ra áp lực; mỗi ngày, mỗi giờ, luôn phải nghĩ ra các “cách đánh” mới, biện pháp đấu tranh mới để đạt được mục tiêu đề ra.

“Đây là áp lực hàng ngày, hàng giờ không có ngày nghỉ, để luôn luôn gây sức ép, gỡ, chặn các nội dung vi phạm trong thời gian nhanh nhất với số lượng cao nhất”, ông Do cho biết.

Theo ông Lê Quang Tự Do, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất để “đấu” được với những nền tảng xuyên biên giới có sự hậu thuẫn lớn, là không thể chỉ sử dụng một phương pháp, nằm trong một lĩnh vực, mà phải kết hợp nhiều lĩnh vực, nhiều giải pháp đồng bộ với nhau.

“Chúng ta cần lấy giải pháp về kinh tế, truyền thông để gây sức ép, nhằm thực hiện các giải pháp về pháp lý trong lĩnh vực nội dung”, ông Do chia sẻ.

Chống thông tin xấu độc là cuộc chiến không ngừng nghỉ - 2
Bộ TT&TT lần đầu tiên yêu cầu được Netflix phải nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

Cục PTTH-TTĐT xác định 3 nhóm đối tượng chính, bao gồm: Nền tảng xuyên biên giới, đại lý quản lý nhãn hàng, và những người làm nội dung. Theo đó, nếu quản lý được tốt 3 nhóm này thì chắc chắn sẽ quản lý được nội dung xấu độc đến từ các nền tảng xuyên biên giới.

Tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do trình báo cáo cho biết trong 6 tháng năm 2023, số lượng gỡ bỏ các nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới là cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể: Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 page quảng cáo; YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh; TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.

Bên cạnh đó, 5 nhà sản xuất TV lớn nhất cũng được Bộ TT&TT yêu cầu không gắn app OTT cung cấp nội dung không được cấp phép ở Việt Nam lên màn hình hoặc bộ điều khiển. Đây là biện pháp hữu hiệu để Netflix và nền tảng khác phải tuân thủ pháp luật.

Nỗ lực này đã bước đầu thành công, khi lần đầu tiên, Netflix phải nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy thiện chí và sự hợp tác trong tuân thủ các quy định về pháp luật hiện hành.

Bước đầu yêu cầu TikTok phải thừa nhận sai phạm

Chống thông tin xấu độc là cuộc chiến không ngừng nghỉ - 3
Bộ TT&TT đang từng bước xác định, làm rõ những sai phạm của mạng xã hội TikTok tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức được một cuộc kiểm tra toàn diện đối với một nền tảng xuyên biên giới lớn tại Việt Nam, là TikTok.

Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta thành công trong việc buộc một nền tảng xuyên biên giới phải thừa nhận những sai phạm và có biện pháp khắc phục cụ thể. 

Trước đó vào ngày 15/5, đại diện Bộ TT&TT cho biết sẽ bước đầu kiểm tra hoạt động của TikTok nhằm xác định, làm rõ những sai phạm của mạng xã hội này trong quá trình cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cũng như đưa ra những hướng giải quyết cụ thể.

Trong đó, bao gồm quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng. Nội dung kiểm tra sẽ bao gồm cả thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng và việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Đoàn kiểm tra có các đơn vị của Bộ TT&TT gồm: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Báo chí, Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp tham gia.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn có các ngành như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, đoàn công tác thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về quảng cáo, việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên TikTok (Idol TikTok).

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đánh giá tác động của Tiktok đối với thanh thiếu niên, cũng như việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng của TikTok. Không chỉ vậy, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của TikTok sẽ được kiểm tra toàn diện.

Hiện, đoàn kiểm tra TikTok do Bộ TT&TT phối hợp cùng các Bộ, Ban, Ngành liên quan, đang tiến hành những bước cuối, và sẽ có công bố chính thức trong tháng 7.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, dựa trên nền kinh nghiệm kiểm tra và xử lý TikTok, Bộ TT&TT sẽ tìm cách nhân rộng để xử lý đối với các nền tảng xuyên biên giới khác.

Nhận xét