Bài 3: Tiếp tục phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

 “Bộ đội Cụ Hồ” là tài sản văn hóa tinh thần vô giá do Nhân dân trao tặng, được hun đúc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ thiêng liêng vô cùng quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tiếp tục phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới là giải pháp căn bản, đồng bộ nhất để vạch trần luận điệu xuyên tạc mới của các thế lực thù địch, bảo đảm cho Quân đội ta hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tuyên truyền phổ biến pháp luật tới nhân dân vùng cao biên giới. Ảnh: TRƯỜNG HÀ

Những yêu cầu, nhiệm vụ mới trên vai “Bộ đội Cụ Hồ”

Thời đại toàn cầu hóa và kỷ nguyên số tiếp tục tạo ra  những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt đời sống nhân loại. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, chiến tranh ủy nhiệm và những vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống… Tình hình thế giới biến đổi đó đòi hỏi từng quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tư duy lại chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương đã yêu cầu toàn quân phải chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu đúng, trúng, kịp thời các giải pháp để xử lý thắng lợi các tình huống, kể cả tình huống trên không, trên biển, biên giới và nội địa. Tiếp tục giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các nghị quyết, pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ dân sự; trọng tâm là sắp tới chúng ta sẽ tổng kết và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Chủ động về phương án, chuẩn bị tốt mọi mặt, ứng phó thắng lợi với các thách thức an ninh phi truyền thống; tham gia phòng, chống, khắc phục các hậu quả thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (đặc biệt là trong mùa mưa, bão sắp tới), bảo vệ cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tuy nhiên, sự biến đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, môi trường bên ngoài cũng như những thách thức nội tại, yêu cầu mới to lớn, nặng nề hơn của sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đòi hỏi nhiệm vụ của “Bộ đội Cụ Hồ” cũng phức tạp và nặng nề hơn.

Với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, “Bộ đội Cụ Hồ” phải huấn luyện thật tốt để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN “từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ của đội quân công tác và đội quân sản xuất, “Bộ đội Cụ Hồ” phải  gắn bó máu thịt với nhân dân; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp, nhất là trên những địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn  là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường. “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham gia  sản xuất, làm kinh tế kết hợp với quốc phòng một cách bài bản và hiệu quả. “Bộ đội Cụ Hồ” còn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với nhiều nội dung đa dạng, phức tạp hơn và làm nhiệm vụ quốc tế trong bối cảnh thế giới biến đổi thường xuyên, liên tục.

Phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới

Gần 80 năm qua, dưới sự chăm lo, rèn luyện, lãnh đạo của Đảng ta, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng, góp phần quan trọng để Quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đây là danh hiệu cao quý và là giá trị cốt lõi để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, bản lĩnh chính trị, thực sự là công cụ sắc bén, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Giá trị cao quý đó cần được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội hôm nay tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, phát huy và phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong  giai đoạn hiện nay và mai sau.

Để tiếp tục phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải tiến hành tổng thể nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền những giá trị cốt lõi của “Bộ đội Cụ Hồ”. Những giá trị này đã được hun đúc và xuất phát từ chính nhận thức, tình cảm và trách nhiệm vì Tổ quốc, vì nhân dân của mỗi cán bộ, chiến sĩ. 

Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Ảnh: VIỆT BẮC

Ngày 28/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, cùng sự nhạy bén, kịp thời của Quân ủy Trung ương, với các chủ trương, giải pháp cấp thiết, nhằm tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong toàn quân. Qua đó, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở, nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW là giải pháp nền tảng, xuyên suốt  trong giai đoạn trước mắt để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.  

Hai là, nêu cao ý thức “tự soi, tự sửa” trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi quân nhân. Để làm được điều này, quân nhân phải tự giác, thật thà, thẳng thắn “tự soi” những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của mình, nhất là hạn chế trong tư tưởng, suy nghĩ, từ đó chủ động “tự sửa” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ những suy nghĩ và hành động trái với đạo đức của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hiện nay, đạo đức của người quân nhân cách mạng chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó, “lợi ích cá nhân” là vấn đề cốt yếu dẫn đến nhiều sai phạm. Vì vậy, mỗi quân nhân cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng theo nguyên tắc: luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân, của Quân đội và tập thể cơ quan, đơn vị lên trên hết, trước hết. 

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ  theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương vừa qua, đó là cán bộ “7 dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, vấn đề quan trọng hàng đầu là phẩm chất đạo đức trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; kiến thức, năng lực toàn diện,… đặc biệt là, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân; giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ .

Để có được đội ngũ cán bộ như vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng ở tất cả các khâu, các bước trong công tác cán bộ theo phương châm thẳng thắn, khách quan, minh bạch, công khai, tạo động lực mạnh mẽ để mọi cán bộ yên tâm công tác, phát huy hết năng lực, sở trường; có cơ hội và môi trường thuận lợi để cống hiến và phát triển.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế ở nhiều cơ quan, đơn vị quân đội thời gian qua cho thấy, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên nhân cơ bản của nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Những vấn đề trọng yếu, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, như: công tác quân lực, công tác cán bộ; công tác tài chính, mua sắm vật tư, trang bị, tài sản công; xây dựng cơ bản, quy hoạch quản lý, sử dụng đất và công trình quốc phòng; chính sách nhà ở, đất ở của cán bộ,… nhất thiết phải được tập thể cấp ủy, tổ chức đảng thông qua mới thực hiện. Trong sinh hoạt đảng, nhất là ở chi bộ, từng đảng viên phải đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình, bày tỏ chính kiến thẳng thắn, trung thực, khách quan, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh bác bỏ. 

Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm, kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt của cơ quan, đơn vị, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện, hành vi của chủ nghĩa cá nhân, vi phạm đạo đức, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” từ sớm, từ xa. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật đảng, kỷ luật Quân đội theo tinh thần không có “vùng cấm”, loại bỏ “cành sâu, mục để giữ cho cây khỏe mạnh” ngay trong từng cơ quan, đơn vị.

Sáu là, chủ động và kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu thâm độc của các đối tượng thù địch, phản động xuyên tạc về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Thường xuyên giáo dục cảnh giác cho quân nhân có nhận thức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phản động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh cho mọi quân nhân góp phần làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch. Các đơn vị tổ chức lực lượng đấu tranh chuyên sâu phản bác các quan điểm phản động, sai trái trên mạng internet. Khi có vụ việc, tình hình liên quan đến quân nhân vi phạm các quy định trên mạng xã hội, cần kịp thời chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ đơn vị chủ động báo cáo, phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ cấp trên và cơ quan chức năng có liên quan tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn, bóc gỡ, không để các thông tin, tài liệu, hình ảnh xấu liên quan đến quân nhân tán phát rộng rãi trên mạng xã hội, internet và để các thế lực thù địch, phản động và đối tượng xấu lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta./.

Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm (tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra), bởi người cán bộ chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống xảy ra. Muốn vậy, chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần “7 dám”: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Nhận xét