Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, một bộ phận cán bộ, đảng viên tỏ ra thờ ơ, dao động về tư tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây là biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị cần đấu tranh phê phán, loại bỏ.
Tư tưởng tiến bộ, nhân văn nhưng vẫn bị thờ ơ, nghi hoặc
Tư tưởng XHCN là một hệ thống những quan niệm phản ánh nhu cầu, ước mơ, nguyện vọng của các giai cấp lao động về một xã hội không có áp bức bóc lột, mọi người đều bình đẳng và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là những thành tựu của con người đạt được trong quá trình đấu tranh giải phóng giai cấp; là chế độ xã hội không có áp bức bóc lột, mọi người đều được tự do, bình đẳng, có điều kiện phát triển toàn diện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường XHCN và xây dựng đất nước theo định hướng XHCN để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.
Tuy nhiên, sau sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, không ít người, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên tỏ ra hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Đảng ta; thậm chí còn xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi xét lại Chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận sự lựa chọn con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, thái độ thờ ơ, dao động của một số cán bộ, đảng viên về tư tưởng XHCN là “căn bệnh” rất nguy hại, biểu hiện đa dạng như: Dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như trước khó khăn của đất nước, trong khi đó lại có những lời lẽ chê bai, phê phán sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp.
Biểu hiện rõ nhất của việc thờ ơ, dao động về tư tưởng XHCN là những phát ngôn mơ hồ về CNXH. Giọng điệu của họ là ngợi ca chủ nghĩa tư bản như hình mẫu của sự phát triển hiện đại và xem cuộc khủng hoảng của CNXH thời gian qua là “bằng chứng khách quan” của một thử nghiệm thất bại. Một số thái độ dao động đáng lên án hơn là lên tiếng phê phán Đảng, Bác Hồ đã không lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa để Việt Nam sớm “hóa rồng”, “hóa hổ” như một số nước Đông Bắc Á. Họ cố tình lãng quên rằng, trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các chí sĩ yêu nước Việt Nam đã từng thử nghiệm những con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước khác nhau, trong đó có con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng tất cả đều không thành công. Trước tình hình đó, đất nước và nhân dân đòi hỏi một con đường khác, con đường dẫn nhân dân Việt Nam đến độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khai mở từ mùa xuân năm 1930.
Một biểu hiện khác của thái độ thờ ơ, dao động đối với tư tưởng XHCN là phủ nhận giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới. Có người lập luận rằng, học thuyết do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sáng lập là kết quả của việc tổng kết lịch sử châu Âu thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nên không còn sức sống trong thời đại mới. Học thuyết đó chỉ là sản phẩm của thời đại công nghiệp, không còn phù hợp trong thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Thực chất đây là sự phủ nhận toàn bộ giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-một biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra.
“Quy luật tiến hóa của lịch sử” đang hiện diện sinh động ở Việt Nam
Điều kiện bảo đảm cách mạng thành công, xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta là trước hết phải có Đảng. Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng và xây dựng CNXH ở nước ta; Đảng phải lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Do đó, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng; yêu cầu Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trí tuệ, vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng CNXH vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đến nay, đã có nhiều hội thảo bàn luận khá sôi nổi về khả năng và triển vọng của CNXH; trong đó, đáng tiếc là có một số ý kiến của cán bộ, đảng viên có biểu hiện hoài nghi về tương lai của chế độ XHCN. Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, trước sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Về sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, Văn kiện Đại hội VII của Đảng (năm 1991) chỉ rõ: Đây là “sự lựa chọn của chính lịch sử”; gắn liền với tư duy sáng tạo, hợp logic và nhất quán của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Đến Đại hội XI của Đảng, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Việc xác định những đặc trưng cơ bản trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” đã phản ánh tổng quát, toàn diện quan niệm về CNXH của Đảng ta, là sự kiên định, hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH trong điều kiện mới của đất nước.
Phê phán, đẩy lùi thái độ thờ ơ, dao động về tư tưởng XHCN
Nhìn từ góc độ bản chất, niềm tin CNXH chính là niềm tin khoa học, phát triển trên cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng, gắn bó chặt chẽ với hoạt động của những người cộng sản. Trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, những người cộng sản luôn phấn đấu vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại, nhân dân lao động, vì lợi ích của giai cấp và dân tộc. Do đó, xét đến cùng, niềm tin CNXH mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc, là sự thống nhất và biện chứng của tri thức-niềm tin-tình cảm-ý chí-hành động. Đặc trưng cơ bản nhất của niềm tin CNXH là sự nhận thức đúng đắn các quy luật phổ biến và quy luật đặc thù trong sự phát triển của tự nhiên và xã hội. Có niềm tin về CNXH, cán bộ, đảng viên luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên thờ ơ, dao động với nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có thờ ơ, dao động với tư tưởng CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đây chính là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Bởi các thế lực thù địch luôn ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá những nước CNXH, trong đó có Việt Nam. Chúng tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư tưởng, lý luận, với mục tiêu phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thành tựu sự nghiệp xây dựng CNXH của Việt Nam. Tính chất thâm độc của các thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta trong những năm gần đây là triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội với các chiêu trò “đổi trắng thay đen”, đưa các thông tin đúng-sai lẫn lộn và xây dựng các “ngọn cờ” chống phá từ bên trong, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nếu cán bộ, đảng viên thờ ơ, dao động sẽ dễ sa vào những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch.
Trước tình hình trên, việc làm rõ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là cơ sở phản bác thuyết phục, đanh thép các luận điệu sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới theo định hướng CNXH nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nay, đa số cán bộ, đảng viên là những người có tri thức, được học tập, công tác, lao động trong điều kiện thuận lợi, do đó, cần hết sức tỉnh táo trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc về CNXH và con đường đi lên CNXH dưới những hình thức khác nhau, trên những diễn đàn khác nhau, nhất là internet và mạng xã hội. Khi thấy những thông tin trên mạng xã hội, cần tỉnh táo nhận diện nguồn tin, tránh bình luận, chia sẻ tùy tiện. Điều này vô tình tuyên truyền cho các luận điệu sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cũng cần biết lợi dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội để tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tốt về tính ưu việt của CNXH, sự đúng đắn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đối với cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao, cần nêu cao tinh thần đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch thông qua việc viết bài trên các sách, báo, tạp chí hay tham gia những diễn đàn báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… Những sản phẩm đấu tranh trực diện đó thường có tính lan tỏa mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên, tác động trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng và định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Thái độ thờ ơ, dao động của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tư tưởng XHCN là đáng phê phán và cần có những biện pháp để chấn chỉnh kịp thời, nếu không xử lý dứt điểm dễ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc loại bỏ thái độ thờ ơ, dao động của một số cán bộ, đảng viên về tư tưởng CNXH là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN trong tình hình hiện nay.
PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Nhận xét
Đăng nhận xét