Vẫn là trò “đánh tráo bản chất”

 

Mới đây, trên VOA tiếng việt, đăng bài “Tự do báo chí Việt Nam tụt hạng…”, giải thích về lý do Việt Nam tụt hạng bài báo viết: “Việc Việt Nam tụt hạng năm 2023 là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập…”.

Chúng ta chẳng lạ từ lâu tự do báo chí đã trở thành một trong những vấn đề mà Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) và các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để thực hiện “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch triệt để khai thác là khi các cơ quan chức năng bắt giữ một số người lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận chống đối Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, ra sức phủ nhận thành quả tự do báo chí của Việt Nam, ra sức vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp”, “bóp nghẹt tự do báo chí”… Từ đó, núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh cho tự do báo chí”, vu cáo Việt Nam “đàn áp báo chí”… để can thiệp vào công việc nội bộ của ta, xếp tụt hạng báo chí Việt Nam.

Nhưng có thể nói dù sử dụng chiêu trò gì chăng nữa thì các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được những thành tựu, tiến bộ về tự do báo chí ở Việt Nam. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng phấn đấu bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Bằng nhiều chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng các thông tin báo chí phục vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội; hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do của công dân. Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về tự do báo chí, tự do internet, tự do thông tin. Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó có hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo… Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng internet, trong đó hàng chục triệu cá nhân dung internet để bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng,… Báo chí Việt Nam đã phát huy tốt chức năng, hoạt động đúng hướng, phục vụ tốt nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của nhân dân. Cùng với tuyên truyền cổ vũ những nhân tố mới, những cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) vừa được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Sự phát triển nhanh số người sử dụng và các phương tiện thông tin đại chúng, internet cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào với những thành tựu bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền tự do báo chí nói riêng và kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi âm mưu, hành động xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tự do báo chí phải theo khuôn khổ của pháp luật. Trong bất cứ chế độ chính trị – xã hội nào, không thể có “tự do báo chí tuyệt đối” như các thế lực thù địch phản động vẫn rêu rao mà các quốc gia đều có luật và điều khoản xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng có những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong một số trường hợp phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội.

Những đối tượng mà RSF và các thế lực thù địch nói tới đều có một điểm chung là lợi dụng danh nghĩa “tự do báo chí, tự do ngôn luận”, “dân chủ, nhân quyền” để làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng, Nhà nước hoặc nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Việc đưa ra xét xử các đối tượng này là công việc nội bộ bình thường của bất cứ quốc gia nào để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của công dân. Thực tế đó cho thấy, sự thật về cái gọi là Việt Nam “đàn áp báo chí độc lập” của RSF đưa ra là không có cơ sở và không phù hợp với những bước phát triển tích cực của báo chí Việt Nam thời gian qua. Ở Việt Nam, chỉ có những người làm báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí, các quy định có liên quan và chịu sự quản lý của Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam. Không có khái niệm “nhà báo độc lập”. Thực chất “Việc Việt Nam tụt hạng năm 2023 là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập…” như cách nói của RSF là “đánh tráo bản chất”. RSF gọi những kẻ bị pháp luật Việt Nam xử lý do vi phạm pháp luật là hoàn toàn sai sự thật, những kẻ đó không thể gọi là nhà báo, lại càng không xứng đáng với những nhà báo chân chính, đúng nghĩa./.


Nhận xét