Người dẫn lối cho dân tộc

 

 – Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc không chỉ được nhân dân trong nước mà cả quốc tế thừa nhận. Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên, vẫn có những luận điệu lạc lõng, phủ nhận vai trò đóng góp và tư tưởng của Người.

Cả cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc, kiên định con đường độc lập dân tộc và CNXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên phương diện quốc tế, Người đã đóng góp toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp đấu tranh chống bất công, tạo động lực cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thực dân, đế quốc kiểu cũ trên toàn thế giới.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã vinh danh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Mặc cho sự thừa nhận của tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu thế giới hiện nay, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội vẫn không từ thủ đoạn, bôi đen sự thật, trắng trợn xuyên tạc, vu cáo sự nghiệp, tư tưởng của Người.

Thông qua “loa truyền thông”, những kẻ tự xưng là “yêu nước”, “dân chủ”, “có tiếng nói phản biện” đã bịa đặt thông tin về đời tư, về ngày sinh, về những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nguồn gốc của Người, nhằm hạ bệ thần tượng. Những kẻ này còn xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi cho rằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh là sự du nhập tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là người cộng sản”; “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin”; “tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc”; “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay”…

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thực tế, cả cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều vì dân, vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Vì lo cho dân, cho nước, cho dân tộc, Người gác qua niềm vui, quyền lợi riêng tư của bản thân, gia đình mình. Từ khi quyết định rời bến cảng Nhà Rồng (1911), ra đi tìm đường cứu nước, Người đã vượt qua biết bao gian khổ, quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Sự nghiệp đó, công lao đó, được lịch sử ghi nhận. Việc bịa đặt, bôi đen đời tư, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành vi xấu xa, không có lương tri, không thể chấp nhận được.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, có bổ sung trong quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; về xây dựng, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi…

Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) đã khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên CNXH ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam là không thể phủ nhận, bởi đó là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 93 năm qua, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930). Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Hiện nay, các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh chiến dịch, thủ đoạn, hình thức từ bên ngoài, cấu kết và phối hợp với đối tượng phản động, cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nước để chuyển tải, truyền bá thông tin sai lệch, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc chủ động phòng, chống sự xuyên tạc sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên bức thiết.

Bên cạnh xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách để vạch trần và phản biện nhanh với luận điệu xuyên tạc, vu khống, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh, lan tỏa mạnh mẽ gương điển hình học Bác, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội; trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân. Khi đó, không luận điệu xằng bậy nào có thể làm lu mờ hình tượng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong lòng mỗi người dân và cả dân tộc Việt Nam.

N.H

Nhận xét